06/08/2023 - 10:47

Khám phá “Vô cực” 

CÁT ÐẰNG

Gần đây, khái niệm về thế giới vô cực, sự tồn tại của đa vũ trụ được khai thác nhiều trong văn học, điện ảnh của các nước. Tác giả c, người Việt sống tại Pháp, viết về đề tài này trong truyện dài “Vô cực” (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh), mang đến cho độc giả một câu chuyện khoa học giả tưởng hấp dẫn và đầy thú vị .

Theo chân của Thomas Phạm, nhân vật chính của truyện, độc giả bắt đầu hành trình khám phá một bí mật được chôn vùi hơn hai phần ba thế kỷ.

Thomas Phạm là người Pháp gốc Việt, 28 tuổi, sinh sống tại thành phố Besancon (Pháp). Khi thừa kế nhà máy sản xuất đồng hồ của gia đình với trách nhiệm khôi phục sự nghiệp đã qua thời hoàng kim, anh mua lại khu công nghiệp rộng lớn bị bỏ hoang hơn 70 năm, trước đây là nơi sản xuất đồng hồ trứ danh thế giới. Nhưng vào ngày 15-7-1947, ông chủ Christan Mouget cùng hơn 100 công nhân bỗng biến mất không một dấu vết, chỉ để lại những lời đồn bí ẩn. Sau khi mua lại, Thomas được nghe người bảo vệ già Roger của khu công nghiệp kể nhiều điều kỳ lạ và họ quyết tâm tìm sự thật. Khi phát hiện tầng lửng bí mật ở giữa tòa nhà 2 tầng và cầu trượt xoắn ốc hình trụ bí ẩn, Thomas buộc dây quanh lưng rồi chui vào cầu trượt, Roger ở lại và sẽ kéo dây lên nếu Thomas gặp nguy hiểm. Thomas không ngờ rằng, chuyến đi này lại đưa anh đến một thế giới song song và bí mật về sự mất tích của ông chủ và công nhân của khu công nghiệp năm xưa cũng được hé lộ…

Phần lớn các nhân vật đều là người Pháp gốc Việt. Ông nội của Thomas Phạm là trí thức người Việt gầy dựng sự nghiệp thành công trên đất Pháp, tạo ra công ăn việc làm cho đồng hương xa quê. Xen kẽ câu chuyện về ông chủ Christan Mouget của khu công nghiệp, tác giả kể về gia tộc của Thomas, về những ký ức khó quên của Thomas trong những lần khám phá lâu đài, điền trang của gia đình mình. Cuối cùng, 2 con người, 2 gia tộc thực sự có sự kết nối chặt chẽ với nhau và bí mật của quá khứ cũng được lật mở theo hành trình khám phá của Thomas.

Bên cạnh các yếu tố phiêu lưu kỳ thú và những bí ẩn của vũ trụ, của thế giới vô cực, tác giả còn đặt ra những băn khoăn của sự sống và tồn tại, của trách nhiệm và tương lai. Chẳng hạn với Thomas, một chàng trai trẻ thích cuộc sống tự do nhưng lại mang trọng trách khôi phục và phát triển cơ nghiệp của gia đình trong khi công việc sản xuất gặp nhiều khó khăn và áp lực cạnh tranh. Ðến nỗi, anh chán nản, muốn biến mất khỏi thế giới này bởi anh nghĩ: “Tất cả chúng ta đều sống trong một thế giới bủa vây bởi những khát vọng của người khác”. Hay như Camille, con gái của ông chủ Christan Mouget, cho rằng cuộc sống của cô và những công nhân trong thế giới song song không phải là cuộc sống vì: “Ðây là một sự cầm tù trong chính ngôi nhà của mình. Họ không thể hồi tưởng về quá khứ, họ cũng không có quyền mơ tưởng về tương lai. Họ cũng không có cả hy vọng trốn thoát. Không ai nhớ đến sự tồn tại của họ”.

Với sự kiến tạo ra một thế giới tồn tại song song với trái đất, Quyên Gavoye đã vạch rõ những mặt trái trong xã hội con người: dịch bệnh, chiến tranh, cái chết, tham vọng, cái ác… Ðặc biệt, tác giả viết truyện này khi trong thời gian phong tỏa ở nước Pháp để phòng, chống dịch COVID-19. Do đó, yếu tố dịch bệnh được lồng ghép vào truyện, tạo nên bí mật về sự mất tích của những người ở khu công nghiệp. Kết cấu của tập truyện là vòng tròn từ: biến mất - phát hiện - cầm tù - hy vọng - trở về và kết thúc ở giải phóng. Ðể cuối cùng, truyền tải thông điệp tích cực: “Những tham vọng đến bất chấp nguy hiểm của cộng đồng và quên đi giá trị nhân văn thì cần phải lên án”. Ðúng như cách mà Thomas và Camille đã làm khi công bố với toàn thế giới về bí mật của khu công nghiệp sau hơn 70 năm bị che giấu.

Chia sẻ bài viết