26/07/2020 - 08:34

Khám Lớn Cần Thơ - nơi lưu giữ quá khứ bất khuất 

ĐẶNG HOÀNG THÁM

Khám Lớn Cần Thơ (địa chỉ hiện nay: số 8, đường Ngô Gia Tự, phường Tân An, quận Ninh Kiều) là nơi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giam giữ nhiều thế hệ chiến sĩ cách mạng ta trong suốt 2 cuộc kháng chiến. Vào các dịp lễ, kỷ niệm, đặc biệt là Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, Di tích lịch sử Khám Lớn Cần Thơ đón đông đảo học sinh, sinh viên, nhân dân đến ôn lại truyền thống, sinh hoạt về nguồn, tưởng nhớ tinh thần chiến đấu bất khuất các thế hệ đi trước đã đấu tranh cho hòa bình, độc lập hôm nay.

Giới trẻ tham quan, tìm hiểu Khám Lớn Cần Thơ. Ảnh: DUY KHÔI

Ngày 28-6-1996, Khám Lớn Cần Thơ được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia và đây là một trong những nội dung được ghi lên bia di tích ở phía trái cổng. Theo tư liệu do Bảo tàng TP Cần Thơ biên soạn, Hạt (tỉnh) Cần Thơ được thành lập năm 1876 và chỉ 10 năm sau (1886) nhà tù có tên là Prison Provinciale ra đời, người dân quen gọi là Khám Lớn Cần Thơ. Khám Lớn Cần Thơ có diện tích 3.762m2, nằm sát khu vực Dinh tỉnh trưởng thời Pháp (nay gần trụ sở UBND TP Cần Thơ). Sau Hiệp định Genève (1954), đất nước tạm thời chia cắt, Khám lớn Cần Thơ thay tên là Trung tâm Cải huấn dưới sự cai quản của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Ðến ngày 30-4-1975, miền Nam được giải phóng, thống nhất đất nước, Khám Lớn chấm dứt vai trò sau non 1 thế kỷ (99 năm).

Khám Lớn Cần Thơ có tường dày (cao 3,6m đến 5m, cắm nhiều mảnh chai nhọn) và rào sắt bao bọc, có các vọng gác (cao 6m, có đèn pha chiếu sáng) và ngăn cách với khu dân cư bằng hai con đường (nay là đường Ngô Gia Tự ở mặt tiền và đường Bà Triệu ở bên phải). Thời Mỹ xâm lược nước ta, Khám Lớn Cần Thơ được chia thành 2 khu, với 21 phòng giam tập thể (có sức chứa khoảng 30 người, nhưng có khi giam hơn trăm người) cùng nhiều xà lim nhỏ dùng để biệt giam. Từ cổng vào, khu giam tù nhân nữ ở phía trái, khu giam tù nhân nam ở phía phải. Ngoài ra, còn có nhà chùa, nhà thờ, nhà bếp, nhà giám thị, nhà hướng nghiệp...

Thời thực dân Pháp đô hộ, nhà cầm quyền dùng nơi này làm nơi cầm tù, tra tấn dã man các chiến sĩ cách mạng, nhân dân tham gia khởi nghĩa ở Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau... Mỗi phòng giam tập thể chỉ có sức chứa 30-40 người nhưng số tù nhân lên đến 70-80 người. Nhất là sau cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ, địch tung hết lực lượng lùng sục, bắt bớ, trả thù cách mạng và nhân dân ta. Nhiều đảng viên, chiến sĩ, cán bộ lãnh đạo, nhân dân đã bị thực dân Pháp bắt giam tại Khám Lớn Cần Thơ như ông Quản Trọng Hoàng (Bí thư Liên Tỉnh ủy Cần Thơ), ông Lê Văn Nhung (Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ), ông Ngô Hữu Hạnh (Thường vụ Tỉnh ủy Cần Thơ)... Ngay trước cổng Khám Lớn Cần Thơ, lúc 9 giờ 30 phút sáng ngày 4-6-1941, Pháp đã xử bắn ông Lê Văn Nhung và ông Ngô Hữu Hạnh.

Số tù nhân mỗi phòng có khi lên đến 100 người trong thời kỳ đế quốc Mỹ dùng “Luật 10/59” để khủng bố, kềm kẹp nhân dân ta và bắt giam tất cả những ai bị nghi là “Việt Cộng”. Ðối với tù chính trị, địch nhốt riêng ở các phòng biệt giam và tra tấn khốc liệt, nhưng các tù nhân vẫn một lòng giữ tròn khí tiết đến hơi thở cuối cùng... Hiện nay, các khu nhà cũ của Khám Lớn phục dựng một số hình ảnh, mô hình nhân vật bị giam cầm, tra tấn. Nhà trưng bày còn lưu giữ được một số dụng cụ tra tấn, các kỷ vật của các nhà cách mạng bị giam cầm nơi đây, cùng một số tranh ảnh, tư liệu quý.

Phục dựng một dãy nhà giam nam tại Khám Lớn Cần Thơ. Ảnh: DUY KHÔI

Có khá nhiều câu chuyện bi hùng, cảm động xảy ra ở Khám Lớn. Khách đến tham quan sẽ được nghe chuyện sinh con trong tù gửi bạn nuôi. Vào những năm cuối cùng của chiến tranh, bà Lê Thị Thanh (Sáu Thanh) sinh năm 1942 là cán bộ cách mạng, quê Cà Mau, bị địch bắt trên đường đi công tác vào đầu năm 1974. Trong tù, bà Sáu Thanh kết bạn thân thiết như chị em ruột với bà Lê Kim Tiến, chiến sĩ Ban Binh vận Khu 9. Trước khi bị bắt, bà Tiến đã mang thai. Mỗi lần bị tra khảo, bà tìm mọi cách đưa lưng ra đỡ đòn để tránh tổn thương thai nhi. Bà Tiến sinh con trong tù, con bị suy dinh dưỡng nặng, còn bà bị di chứng sau những lần bị tra tấn, thường ho ra máu, xuất huyết... Khổ đến mức các đồng chí, chị em trong tù tìm bắt thằn lằn cho bà Tiến ăn bồi bổ, đến nỗi không còn con nào trên vách nhà ngục. Biết bà khó sống, địch thả về và bà mất sau khi ra tù một tuần. Lúc trong tù, bà Kim Tiến tâm sự gửi gắm, nhờ bà Sáu Thanh nuôi con nếu bà chẳng may có mệnh hệ gì. Bà Sáu Thanh đã hứa và đã thực hiện trọn vẹn lời hứa với người đồng chí, người bạn tù của mình. Bà đặt tên con là Việt Tiến (tên của cha và mẹ ruột ghép lại). Bà Thanh nuôi dạy, chăm sóc Việt Tiến như con đẻ từ thời bà còn xuân sắc cho đến khi tóc bạc, da mồi, dù hoàn cảnh có lúc vô cùng khó khăn. Bà Sáu Thanh không có chồng con, để dành tất cả tình thương cho con của người đồng chí.

Các hiện vật trưng bày tại di tích Khám Lớn Cần Thơ cho thấy mặc dù bị tra tấn tàn khốc và giam cầm trong điều kiện tồi tệ, các chiến sĩ cách mạng trong tù vẫn có Chi bộ, Ðảng bộ. Từ đó, các tù nhân tổ chức đấu tranh với địch, đoàn kết kiên quyết giữ gìn phẩm chất cách mạng. Có lần các nữ tù chính trị đã tổ chức đánh tên phản bội và chỉ điểm Năm Bia. Những năm 1968-1970 nữ tù chính trị vận động tù thường phạm tổ chức đòi ra sân chơi, cử người đại diện, chuyển quà thăm nuôi, tách tù chính trị với thường phạm… Dần dần các tù nhân chính trị đòi được cấp thuốc, chữa trị cho bệnh nhân, chống chào cờ, chống học tập “chính trị”, cải thiện chế độ ăn uống… Sự bất khuất và lòng yêu nước đó đã cảm hóa nhiều giám thị, lính gác nhà giam và họ tình nguyện thông tin tình hình ở bên ngoài để các nhà cách mạng trong tù đề phòng hoặc có phương án đấu tranh trong nhà giam.

Những câu chuyện bi hùng ở Khám Lớn Cần Thơ vẫn được các thế hệ ngày nay nhắc nhớ, tri ân.

Chia sẻ bài viết