23/07/2024 - 08:33

Khai mở thị trường Halal cho hàng Việt 

Hồi giáo là tôn giáo lớn thứ hai trên thế giới với hơn 2,2 tỉ người tương đương 25% dân số thế giới và sinh sống ở khoảng 112 quốc gia. Đây là thị trường rộng mở, đầy tiềm năng đối với các dòng thực phẩm Halal (thực phẩm được phép ăn theo giáo lý của đạo Hồi). Với lợi thế phát triển nông nghiệp, Việt Nam được đánh giá có nhiều cơ hội xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang thị trường này. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp Việt cần phải tìm hiểu thấu đáo thị trường, hoàn thành chứng nhận Halal và hướng đến sản xuất sạch, xanh để đáp ứng xu thế tiêu dùng mới.

Nông sản Việt (rau củ, trái cây, gạo, cà phê, hồ tiêu, thủy sản...) của Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu sang thị trường Halal. Trong ảnh: Ðóng gói gạo xuất khẩu tại Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An.

Nhiều tiềm năng

Bà Nguyễn Minh Phương, Trưởng phòng Tây Á, châu Phi, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương, cho biết: Với tốc độ tăng trưởng dân số là 1,5%/năm, ước tính đến năm 2030, số người theo đạo Hồi trên thế giới sẽ tiếp tục tăng, hứa hẹn một thị trường rộng mở cho các sản phẩm Halal. Do những lợi ích cho sức khỏe, môi trường, nên hiện nay sản phẩm Halal không chỉ được ưa chuộng ở những quốc gia có người theo đạo Hồi mà ngày càng nhiều thị trường lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, châu Âu... cũng nhập khẩu dòng sản phẩm này để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Thực tế, giá sản phẩm Halal thường cao hơn từ 5-10% so với sản phẩm thông thường. Song những người tiêu dùng mong muốn sử dụng sản phẩm Halal sẵn sàng chi trả cho những sản phẩm này.

Đồng quan điểm trên, ông Lê Châu Hải Vũ, Giám đốc Công ty Tư vấn doanh nghiệp CONSULTECH, thông tin: Với thu nhập bình quân đầu người cao (13.380 USD/năm) và dân số 400 triệu dân, khó khăn về địa lý và nhu cầu về phát triển liên tục trong các mảng như công nghệ, dịch vụ, du lịch, nhu cầu lương thực, thực phẩm Halal tại khu vực Trung Đông rất lớn. Bên cạnh đó, cơ cấu hàng nhập khẩu của khối Trung Đông và GCC cũng phù hợp với thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam, khi tập trung nhiều vào các ngành nông nghiệp, thực phẩm chế biến, vật liệu xây dựng và nội thất. Theo ông Lê Châu Hải Vũ, nhận thấy cơ hội từ thị trường Halal, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chú ý đầu tư công nghệ, trang thiết bị nuôi trồng và chế biến sau thu hoạch để tối ưu hóa chi phí và nâng tầm giá trị sản phẩm hàng hóa; một số mặt hàng nông sản đã có thương hiệu tốt trên thị trường quốc tế như gạo, cà phê, tiêu, điều, trà...

Mặc dù có những tín hiệu tăng trưởng khả quan về xuất khẩu nông sản sang thị trường Halal nhưng hàng hóa Việt Nam nói chung và nông sản nói riêng vẫn chưa tạo được thương hiệu mạnh và phải chịu cạnh tranh gay gắt với hàng nông sản của các quốc gia khác. Chẳng hạn, tại Arab Saudi, gạo, trà, hạt tiêu, hạt điều, cà phê của Việt Nam phải cạnh tranh với hàng hóa của Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Srilanka, Bangladesh. Tại thị trường UAE, các mặt hàng nông sản như gạo, hạt tiêu, hạt điều, trà, gia vị, cà phê… của Việt Nam phải cạnh tranh với Ấn Độ, Srilanka, Thái Lan, Trung Quốc và Brazil… Mặt khác, sản phẩm nông sản Việt Nam tuy có nhiều đổi mới về chủng loại, mẫu mã so với trước song sản phẩm xuất khẩu chủ yếu vẫn ở dạng thô, hàm lượng chế biến còn thấp. Ở góc độ doanh nghiệp, do chưa hiểu nhiều về văn hóa tiêu dùng, kinh doanh của các nước Hồi giáo tạo tâm lý e ngại và chưa chịu đầu tư. Doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn trong chứng nhận; chưa hiểu rõ về các tiêu chuẩn và quy trình cấp chứng nhận Halal cũng như các tổ chức chứng nhận Halal tại Việt Nam.

Nghiên cứu thấu đáo thị trường

Để thâm nhập và khai thác tốt thị trường Halal, ông Lê Châu Hải Vũ khuyến cáo doanh nghiệp trước hết cần hiểu đúng về tôn giáo, ngôn ngữ và văn hóa kinh doanh của người Arab, nắm rõ thị hiếu cũng như những vấn đề nhạy cảm về tôn giáo và văn hóa tiêu dùng, đáp ứng các tiêu chuẩn đặc thù về bao bì sản phẩm và quảng cáo. Khi có kế hoạch xuất khẩu vào thị trường này, các doanh nghiệp cần lưu ý các loại thuế quan. Tại UAE thuế quan được sửa đổi liên tục, vì vậy các doanh nghiệp nên kiểm tra lại những nội dung này trước khi xuất khẩu. Đặc biệt, doanh nghiệp không giao dịch với đối tác mà yêu cầu chuyển trước phí môi giới, phí luật sư hay phí chấp thuận hợp đồng để tránh những thiệt hại đáng tiếc xảy ra.

Thế giới đang hướng tới cuộc sống xanh, lành mạnh và phát triển môi trường bền vững và thị trường sản phẩm Halal cũng vậy. Theo ông Trần Trọng Kim, Bí thư thứ nhất, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ả rập Xê út, những sản phẩm organic, thân thiện với môi trường bắt đầu được đánh giá cao và đang có nhu cầu trong thời gian tới. Các doanh nghiệp cần nghiên cứu sản xuất theo hướng này để gia tăng giá trị xuất khẩu. Cùng với đó, doanh nghiệp nên chủ động gửi mẫu sản phẩm quảng bá, trưng bày tại Thương vụ và Đại sứ quán. Hàng mẫu quảng bá nên ghi rõ là hàng mẫu, đóng gói túi nylon hoặc hộp có thể nhìn rõ sản phẩm, ghi rõ thông tin sản phẩm bằng tiếng Anh để Thương vụ thuận tiện mang đi các tỉnh, thành phố quảng bá, gửi sản phẩm dùng thử hoặc làm quà tặng cho khách. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần trực tiếp tham gia đoàn xúc tiến thương mại; xây dựng catalogue bằng mã QR để tiện quảng bá; xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình bên cạnh việc bán hàng, đóng bao bì, in nhãn mác theo yêu cầu của nhà nhập khẩu.

Trong hành trình đưa hàng hóa Việt nói chung và nông sản Việt nói riêng đến thị trường Halal, doanh nghiệp rất cần sự tiếp sức từ các cơ quan nhà nước. Bà Nguyễn Minh Phương đề xuất Chính phủ, các bộ ngành hữu quan, đặc biệt là các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tăng cường nghiên cứu thông tin về chủ trương, chính sách thương mại của nước sở tại để kịp thời hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp khi xuất khẩu sang các thị trường này. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm khuyến khích và tạo điều kiện để các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp tham gia và triển khai các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá ngành Halal và sản phẩm Việt Nam trên thị trường Halal toàn cầu. Đây cũng là cơ hội cung cấp thông tin, khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, các doanh nghiệp nước ngoài hợp tác đầu tư, sản xuất các sản phẩm Halal tại Việt Nam để xuất khẩu

Bài, ảnh: MỸ THANH

 

Chia sẻ bài viết