08/09/2009 - 20:54

Khắc tinh của tội phạm kinh tế

Trung úy Hoàng Trọng Tú

Thời gian qua, tội phạm kinh tế và tham nhũng diễn biến phức tạp. Mặt khác, thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm ngày càng tinh vi. Sau khi gây án, các đối tượng thường bỏ trốn mang theo nhiều tiền để mua chuộc, che giấu nhân thân lai lịch, tìm nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để đối phó, trốn tránh Cơ quan điều tra. Để truy bắt đối tượng truy nã trong lĩnh vực kinh tế, tham nhũng, đòi hỏi các trinh sát phải có nhiều kinh nghiệm, tinh thông nghiệp vụ. Tuy về công tác tại Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an TP Cần Thơ (PC 15) chỉ gần 3 năm, nhưng Trung úy Hoàng Trọng Tú đã tham gia bắt được nhiều đối tượng bị truy nã phạm tội về kinh tế và tham nhũng ...

Tốt nghiệp chuyên ngành Cảnh sát điều tra Trường Đại học Cảnh sát nhân dân, năm 2006, Tú được phân công về công tác tại Đội hướng dẫn, điều tra án kinh tế, Phòng PC 15. Hiện nay, Tú là tấm gương điển hình của đơn vị trong công tác truy nã tội phạm kinh tế và tham nhũng, góp phần làm giảm số đối tượng truy nã mà đơn vị phải xác minh truy bắt trong thời gian qua.

Khi Tú nhận công tác, Phòng PC 15 đang truy nã 8 đối tượng, trong gần 3 năm làm nhiệm vụ, Tú tham gia bắt gần hết số đối tượng này. Từ năm 2006 đến nay, Tú đã trực tiếp bắt, vận động đầu thú 12 đối tượng, trong đó có 7 đối tượng đặc biệt nguy hiểm, góp phần làm giảm trên 76% đối tượng truy nã. Ngoài ra, Tú còn giúp Công an quận Ninh Kiều bắt 1 đối tượng truy nã phạm tội tham ô tài sản.

Tú cho biết: “Ban đầu tôi rất trăn trở, chưa biết làm cách nào để công tác bắt đối tượng truy nã đạt hiệu quả. Từ trước đến giờ, đơn vị chưa lập chuyên án truy xét trong lĩnh vực này, nên không biết khi lập chuyên án có phá án được không. Tôi mạnh dạn đề xuất, được lãnh đạo chấp thuận và đề nghị Ban Giám đốc Công an thành phố cho lập chuyên án. Đến nay đã lập được 2 chuyên án truy xét”. Là người đề xuất nên Tú được phân công trực tiếp chủ công trong đấu tranh thực hiện các chuyên án đó và đều phá án thành công. Cụ thể là vụ bắt các đối tượng truy nã trong vụ án mua bán hóa đơn GTGT do Huỳnh Quốc Ngọc cầm đầu. Còn chuyên án thứ 2 là bắt đối tượng truy nã Huỳnh Ngọc Minh (cán bộ TBXH phường Lê Bình, quận Cái Răng) có hành vi tham ô tài sản gần 1,3 tỉ đồng tiền chính sách của những người có công với cách mạng.

Trong số các đối tượng bị Tú bắt, vận động đầu thú, có đối tượng đã lẩn trốn gần 10 năm, có đối tượng đã thay tên đổi họ, thay đổi nhân thân lai lịch, đặc điểm nhận dạng. Điển hình như đối tượng Huỳnh Thị Bích Ngọc can tội làm hàng giả đã bỏ trốn từ năm 2000, đặc điểm nhận dạng hoàn toàn thay đổi, không giống với hình ảnh trong quyết định truy nã, còn sử dụng giấy tờ của chị gái để lẩn trốn ở địa bàn TP Hồ Chí Minh. Hay đối tượng Đặng Thị Xét ở TP Vĩnh Long can tội làm, tàng trữ các giấy tờ có giá giả, đã làm chứng minh nhân dân giả mang tên Võ Thị Tuyết Hồng ở Trà Vinh, để che giấu lai lịch, lẩn trốn nhiều năm ở TP Hồ Chí Minh, nhưng vẫn bị Tú phát hiện, truy nguyên lai lịch và bắt giữ. Gần đây nhất là đối tượng Huỳnh Ngọc Minh can tội tham ô tài sản lẩn trốn ở nhiều tỉnh từ Tây Nguyên đến Đông Nam Bộ và Miền Tây. Tại mỗi nơi lẩn trốn, Minh dùng các tên khác nhau, ngụy trang cho mình một lý lịch hoàn hảo để đối phó với cơ quan chức năng. Mới đây, Tú đã cùng các trinh sát lần theo dấu vết, bắt được Minh đang trốn tại gia đình người bà con ở Kiên Giang. Khi bị bắt, Minh khai tên là Nguyễn Văn Út, không có giấy tờ tùy thân. Nhận dạng bên ngoài của Minh không giống hình ảnh trong quyết định truy nã và đối tượng luôn miệng kêu oan, cho rằng bị bắt nhầm, đe dọa tố cáo ... Tuy nhiên, với bản lĩnh vững vàng, tinh thần đấu tranh phòng chống tội phạm cao, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Tú đã cùng các trinh sát đưa ra chứng cứ để Minh phải cúi đầu nhận tội. Tú tâm sự: “Bắt đối tượng truy nã thật sự rất khó khăn, nhưng mình phải quyết tâm đưa các đối tượng này ra xử lý trước pháp luật, để người dân thấy được tính nghiêm minh của luật pháp”.

Trong quá trình công tác, Trung úy Tú tham mưu, đề xuất áp dụng rất nhiều các biện pháp nghiệp vụ; kiên trì, chịu khó xác minh; luôn có tinh thần cầu tiến, học hỏi kinh nghiệm của đồng chí, đồng đội trong và ngoài đơn vị. Ngoài ra, Tú còn biết cách vận dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ của ngành để áp dụng vào từng trường hợp cụ thể, tham mưu tốt trong công tác hồ sơ, phân loại các đối tượng. Trung úy Tú luôn nghiên cứu kỹ hồ sơ với phương châm “điều tra sâu, xác minh kỹ”, không bỏ qua bất kỳ chi tiết nào dù là nhỏ nhất. Khi được giao nhiệm vụ truy nã đối tượng, Trung úy Tú luôn tìm hiểu tâm lý, quy luật hoạt động, thủ đoạn lẩn trốn và các mối quan hệ của đối tượng để lập kế hoạch, đề xuất áp dụng các biện pháp nghiệp vụ phù hợp. Trung úy Tú trực tiếp tiến hành xác minh, truy bắt, vận động đầu thú, phân loại các đối tượng truy nã, vận dụng và xử lý tốt các tình huống phát sinh trong công tác. Bên cạnh đó, Trung úy Tú còn tham gia một số chuyên án trinh sát và điều tra nhiều vụ án mà đơn vị thụ lý từ giai đoạn điều tra trinh sát, đến giai đoạn tố tụng, kết thúc vụ án. Điển hình như vụ án cố ý làm trái qui định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng và lập quỹ trái phép trên 29 tỉ đồng xảy ra tại Nông trường Sông Hậu; vụ án Võ Thành Nhân cùng đồng bọn làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành giấy tờ có giá giả, trốn thuế...

Thượng tá Lê Hoàng Bé, Phó Trưởng phòng PC15, cho biết: “Đồng chí Hoàng Trọng Tú rất năng nổ, nhiệt tình, linh hoạt, nhạy bén trong công tác và đặc biệt là có năng khiếu trong công tác điều tra truy xét, nhất là công tác truy nã tội phạm, góp phần làm giảm tội phạm có lệnh truy nã trong lĩnh vực kinh tế. Khi được Ban lãnh đạo Phòng và Ban chỉ huy đội phân công, đồng chí Tú hăng hái tham gia công tác này, với tinh thần tích cực, thể hiện vai trò chủ động và phát huy được hiệu quả”.

Bài, ảnh: THANH CẦN

Chia sẻ bài viết