02/10/2019 - 22:00

Khắc phục “thẻ vàng”, đưa hải sản Việt Nam bứt phá 

Trước những tác động tiêu cực từ việc cảnh báo “thẻ vàng” (IUU - viết tắt của các chữ Illegal, Unreported, and Unregulated fishing - tạm dịch là đánh cá bất hợp pháp, không được báo cáo và không được quản lý) của thị trường Liên minh châu Âu (EU) đối với xuất khẩu hải sản Việt Nam, thì việc nỗ lực khắc phục để đưa ngành hải sản Việt Nam thoát khỏi khó khăn là điều cần thiết...

EU rút “thẻ vàng”, hải sản lao dốc

Việt Nam nỗ lực khắc phục “thẻ vàng” hải sản để khôi phục thị trường EU. Trong ảnh: Hải sản được bày bán tại một siêu thị ở Cần Thơ.

Việt Nam nỗ lực khắc phục “thẻ vàng” hải sản để khôi phục thị trường EU. Trong ảnh: Hải sản được bày bán tại một siêu thị ở Cần Thơ.

Hai năm sau khi thị trường EU cảnh báo “thẻ vàng” (từ tháng 10-2017) đối với hải sản của Việt Nam cũng là khoảng thời gian xuất khẩu loại sản phẩm này của nước ta sang EU bị tác động rõ rệt.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết: Thị trường EU luôn chiếm trên 17% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các thị trường trong 3 năm gần đây, từ 2015 đến 2017. Riêng mặt hàng hải sản, luôn chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu xuất khẩu sang EU, mà cụ thể kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng hải sản (cá ngừ, mực, bạch tuộc, cá thu, cua ghẹ, cá biển các loại...) luôn đạt kim ngạch 350-400 triệu USD/năm (trong 3 năm từ 2015 đến 2017), tương đương khoảng 30% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy, hải sản của Việt Nam sang EU. Tuy nhiên, theo ông Nam, sau khi Việt Nam bị EU rút “thẻ vàng” từ tháng 10-2017, giá trị xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang đây đã quay đầu giảm.

Theo đó, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hải sản Việt Nam sang EU đạt trên 389 triệu USD, giảm 7% so với năm 2017. Trong 8 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu hải sản Việt Nam sang thị trường này đạt 251 triệu USD, tiếp tục giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, sản phẩm cá ngừ giảm 6,3%; mực, bạch tuộc giảm 13%.

Ông Nam cho biết thêm, EU từng là thị trường giữ vị trí thứ 2 trong các thị trường nhập khẩu hải sản Việt Nam, nhưng sau khi bị “thẻ vàng”, thị trường này đã tụt xuống đứng thứ 5, sau Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và ASEAN. Cụ thể, vào năm 2014, xuất khẩu hải sản Việt Nam sang EU đạt khoảng 400 triệu USD, chỉ đứng sau Nhật Bản, khoảng 460 triệu USD. Thế nhưng, đến hết năm 2018, xuất khẩu hải sản Việt Nam sang EU chỉ đạt 390 triệu USD, xếp sau Nhật Bản (706 triệu USD); Hàn Quốc (473 triệu USD); Mỹ (436 triệu USD) và ASEAN là 406 triệu USD.

Trước những diễn biến như vậy, VASEP đưa ra dự báo tình hình xuất khẩu thủy, hải sản Việt Nam sang EU từ nay đến cuối năm tiếp tục sụt giảm. Bởi xuất khẩu tôm tiếp tục giảm và do “thẻ vàng” tiếp tục tác động đến các mặt hàng hải sản của Việt Nam.

Theo đó, dự báo xuất khẩu thủy sản sang EU năm 2019 đạt 1,35 tỉ USD, giảm 8% so với năm 2018. Trong đó, xuất khẩu cá ngừ dự báo đạt  trên 150 triệu USD, giảm 5%; mực, bạch tuộc đạt khoảng 74 triệu USD giảm 13%; tôm đạt khoảng 695 triệu USD, giảm 17%. Tuy nhiên, nhờ xuất khẩu cá biển và hải sản khác đạt gần 165 triệu USD, tăng 11,2% so với 2018, cho nên, dự báo tổng xuất khẩu nhóm hàng hải sản năm 2019 đạt gần 390 triệu USD, sẽ đạt tương đương năm 2018.

Nỗ lực xóa “thẻ vàng”, khôi phục thị trường EU

Trước những diễn biến bất lợi đối với xuất khẩu hải sản Việt Nam từ hệ lụy của “thẻ vàng” ở thị trường EU, Ủy ban Hải sản thuộc VASEP và các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hải sản Việt Nam đã tổ chức hội nghị “Doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU” ngay sau khi bị rút “thẻ vàng”. Đây là hội nghị đánh dấu sự ra đời của Ban điều hành IUU; ra tuyên bố cam kết chống khai thác IUU của 62 doanh nghiệp và thông qua kế hoạch hành động của chương trình.  

Qua 2 năm kiên định với mục tiêu tháo gỡ “thẻ vàng” và sự phát triển bền vững của ngành hải sản Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Ủy ban Hải sản của VASEP, cho rằng, các doanh nghiệp hải sản Việt Nam đã rất tích cực với các hoạt động của chương trình, mà cụ thể là đồng loạt treo biển cam kết chống khai thác IUU; thực hiện nghiêm túc cam kết chống khai thác IUU; chỉ thu mua nguyên liệu hải sản từ những tàu cá khai thác hợp pháp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; chỉ nhập khẩu hải sản khai thác có nguồn gốc khai thác hợp pháp; tuân thủ các quy định của Mỹ, EU và Việt Nam chống khai thác IUU...

Ủy ban Hải sản của VASEP cho biết, thời gian qua, Ban điều hành IUU và các doanh nghiệp cũng đã rất tích cực trong việc phối hợp với Tổng cục Thủy sản, các đơn vị liên quan và các địa phương thực hiện các khuyến nghị của phía EU.

Cụ thể, đã tham gia, đề xuất, góp ý sửa đổi, hoàn thiện khung pháp lý như Luật Thủy sản; Nghị định hướng dẫn Luật Thủy sản; các Thông tư 36/2018/TT- BNNPTNT sửa đổi Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT, Thông tư 21/2018/TT-BNNPTNT sửa đổi Thông tư 26..., liên quan đến chứng nhận, xác nhận thủy sản khai thác, kiểm dịch thủy sản nhập khẩu…

Theo bà Sắc, VASEP cũng đã gửi các văn bản lên Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo và kiến nghị các nội dung hành động chống khai thác IUU, góp ý và đề xuất kế hoạch hành động khắc phục “thẻ vàng” IUU.

Ngoài ra, khi trao đổi với người viết, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, cho biết, đơn vị này cũng đã hợp tác chặt chẽ với các bên như: Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, các bộ, ngành liên quan và tổ chức quốc tế trong việc truyền thông, tập huấn về IUU cho doanh nghiệp, ngư dân. Đặc biệt, duy trì mối quan hệ hợp tác tốt với Ủy ban châu Âu (EC) để báo cáo, chia sẻ thông tin về sự nỗ lực của Việt Nam trong hoạt động chống khai thác IUU.

Bài, ảnh: T. C

Chia sẻ bài viết