06/11/2014 - 19:54

Khắc ghi lời Bác dặn…

Trước lúc đi xa, trong Di chúc của Bác, những lời dặn dò với thế hệ trẻ ngắn gọn mà sâu sắc, chứa chan tình cảm yêu thương. Người viết: "Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên" ". 45 năm qua, những lời căn dặn của Người mãi là lời hiệu triệu, thúc giục thanh niên nỗ lực rèn luyện, không ngừng học tập, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước. Đó cũng là tâm sự của nhiều bạn trẻ tham dự buổi giao lưu "Tuổi trẻ Cần Thơ học tập và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh", do Bảo tàng TP Cần Thơ, Đoàn Trường Đại học Tây Đô và Đoàn Trường THPT Nguyễn Việt Hồng phối hợp tổ chức vào tuần qua.

"Tác phẩm Di chúc của Bác là di sản vô cùng quý báu, thể hiện tư tưởng, đạo đức và tầm chiến lược của một lãnh tụ thiên tài" – đồng chí Nguyễn Thành Kiên, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy mở đầu phần giới thiệu về tác phẩm Di chúc của Người như vậy tại buổi giao lưu. Đồng chí Nguyễn Thành Kiên cho rằng, Di chúc của Bác thấm đẫm tính nhân văn, bởi phần lớn nội dung Di chúc Bác đều viết về việc chung của đất nước, còn về phần riêng chỉ vỏn vẹn trong 79 từ. Thật vậy, đọc Di chúc càng thấy Bác Hồ dành tình cảm yêu thương đối với tất cả mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội, từ những người có công với cách mạng, như: Liệt sĩ, thương binh, thanh niên xung phong đến phụ nữ và nhân dân lao động… Riêng đối với thế hệ trẻ, Người viết ngắn gọn "Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ", qua đó nhấn mạnh vai trò và sự cống hiến của tuổi trẻ đối với sự nghiệp cách mạng.

Đoàn viên tham gia chương trình giao lưu "Tuổi trẻ Cần Thơ học tập và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh".

Đinh Hoài Thương, sinh viên ngành Văn học, Phó Bí thư Đoàn Khoa Ngữ văn (Trường Đại học Tây Đô), bộc bạch: "Bác là tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước, điều đó đã thôi thúc Người sớm ra đi tìm đường cứu nước. Người đã mở ra chân trời mới, dẫn dắt cho những người trẻ có cùng chí hướng đứng lên bẻ xích phá kiềng, góp sức giải phóng dân tộc. Từ đó, vai trò xung kích của thanh niên luôn được phát huy trên mọi chặng đường cách mạng". Khắc ghi lời Bác, hiện nay thế hệ trẻ phấn đấu học tập, rèn luyện, đi đầu trên mọi lĩnh vực. Hoài Thương chia sẻ, ngày nay, trong tiến trình phát triển của đất nước, sinh viên cần phải nỗ lực học tập, tích lũy kiến thức, góp sức xây dựng quê hương đất nước. Suy nghĩ vậy nên Thương luôn cố gắng học tập tốt, năm nào kết quả học tập của Thương cũng đạt giỏi. Không chỉ học giỏi, người "thủ lĩnh" sinh viên này còn tổ chức nhiều hoạt động phong trào đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội. Từ những chuyến thăm và tặng quà cho gia đình chính sách, thương bệnh binh đến thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ... giúp khơi dậy tinh thần, đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc, khơi dậy truyền thống yêu nước trong lòng đoàn viên thanh niên.

Càng trân trọng giá trị của hòa bình, Lê Thị Thu Nhi, sinh viên ngành Văn học (Trường Đại học Tây Đô), càng tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, giúp ích cho cộng đồng, như: Hiến máu nhân đạo, thăm và tặng quà cho trẻ em lang thang cơ nhỡ, nhiễm chất độc dioxin. Thu Nhi tâm sự: "Trong kháng chiến, thanh niên nô nức tham gia các phong trào, như: Ba sẵn sàng, Năm xung phong, thì nay trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vai trò của thanh niên lại được thể hiện ở các phong trào thi đua học tập, lập thân lập nghiệp, thanh niên chung sức xây dựng nông thôn mới… Đó cũng là trách nhiệm của mỗi người trẻ đối với quê hương đất nước".

Còn Huỳnh Bảo Trang, học sinh lớp 12A2, Trường THPT Nguyễn Việt Hồng (quận Ninh Kiều) tâm đắc chia sẻ, buổi giao lưu không chỉ giúp học sinh hiểu rõ hơn về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác, mà còn cung cấp thêm nhiều thông tin chi tiết về hoàn cảnh lịch sử của đất nước giai đoạn Bác viết Di chúc. Theo Bảo Trang, nội dung Di chúc của Bác Hồ là tư liệu lịch sử quý giá, qua đó còn cho thấy tầm chiến lược của một bậc danh nhân văn hóa thế giới và càng trân trọng tấm lòng vì nước vì dân của Bác Hồ. Buổi giao lưu cũng là dịp để thế hệ trẻ soi rọi lại bản thân, từ đó xác định mục tiêu phấn đấu, đồng thời học tập và làm theo lời Bác bằng những việc làm cụ thể. Noi gương Bác, nhiều năm qua, Bảo Trang luôn nỗ lực học tập tốt, 2 năm học liền (2012-2013 và 2013 – 2014), kết quả học tập của Bảo Trang luôn đứng đầu khối lớp 10 và lớp 11. Bảo Trang chia sẻ: "Ở Bác có rất nhiều đức tính cao đẹp mà mỗi người cần học tập và noi theo. Vì vậy thời gian tới, chúng em mong có nhiều cuộc thi, tọa đàm, giao lưu tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng; những tác phẩm do Bác Hồ viết, cũng như giới thiệu những quyển sách hay viết về Bác Hồ". Những hoạt động trên sẽ góp phần tạo sự đa dạng, phong phú, đẩy mạnh việc học tập và làm theo lời Bác lan tỏa trong thế hệ trẻ…

Bài, ảnh: TÚ ANH

Chia sẻ bài viết