Trong những ngày này, nước lũ thượng nguồn sông Cửu Long đã dâng cao gần mức báo động 2. Chúng tôi đứng trên cầu Rạch Miễu, độ cao gần 40m so với mặt nước sông, thấy dòng sông Tiền đỏ nặng phù sa, lũ tuôn cuồn cuộn. Từ hàng trăm năm nay, thường là vào mùa này, những chuyến phà qua sông Tiền phải vận chuyển cật lực và khó khăn, xe qua phà nhiều hôm phải chờ đợi, xếp hàng qua phà dài đến vài cây số. Nhưng sáng 20-8-2008, các tài xế qua phà Rạch Miễu đều phấn khởi nhìn cây cầu hợp long. Chỉ còn một tháng nữa, sau lễ hợp long, cầu Rạch Miễu sẽ được thông xe kỹ thuật, nối hai bờ Tiền Giang và Bến Tre.
Đứng bên tôi, kỹ sư trẻ Lê Dũng 26 tuổi, ở Công ty VSL mang đồng phục công nhân đã bạc màu hồ hởi nói: “Quê tôi ở Vĩnh Phúc, sau khi tốt nghiệp Đại học Giao thông vận tải, tôi đăng ký tham gia ngay xây dựng cầu Rạch Miễu. Tôi rất tự hào lần đầu tiên được góp công sức của mình tại một công trình xây dựng cầu, công trình quốc gia, một cây cầu lớn ở ĐBSCL sau cầu Mỹ Thuận. Đặc biệt, cầu Rạch Miễu là cây cầu dây văng cỡ lớn đầu tiên do Việt Nam “tự chế”, từ thiết kế, thi công, đến vốn liếng, tay nghề đều do nước ta tự lực. Lần đầu tiên, người thợ cầu Việt Nam được lo trọn vẹn từ đầu đến cuối một cây cầu dây văng lớn có tầm cỡ quốc tế. Trong quá trình làm các kỹ sư và thợ cầu chúng tôi cũng rút ra những kinh nghiệm rất bổ ích cho nghề thợ cầu thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.
7 giờ 30 phút ngày 20-8, lễ hợp long cầu Rạch Miễu được tổ chức ngay tại hiện trường thi công xây dựng cầu. Đến dự lễ có nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức (đại diện Bộ GTVT) cùng đại diện lãnh đạo hai tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, lãnh đạo một số địa phương vùng ĐBSCL và thành phố Hồ Chí Minh, cùng các đơn vị thi công, nhà thầu và hàng nghìn công nhân và người dân. Mẻ bê tông cuối cùng đã được đổ để hợp long cầu Rạch Miễu. Ông Nguyễn Đình Tuy, Giám đốc Công ty cổ phần Cầu 14 (đơn vị thi công trụ 18 và đúc dầm dây văng cầu Rạch Miễu), nói: “Đây là mẻ bê tông lịch sử, mẻ bê tông hợp long hai bờ trên cầu Rạch Miễu. Anh em rất mừng, lễ hợp long này là công trình chào mừng kỷ niệm lần thứ 63 Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9. Sau hơn 6 năm thi công với nhiều khó khăn thiếu thốn, trầy trật bởi giá cả vật liệu liên tục tăng cao, đây là mẻ bê tông đầy tự hào của người thợ cầu Việt Nam”.
 |
Cầu Rạch Miễu trong ngày hợp long. Ảnh: ANH TÔN - TTXVN |
Ông Huỳnh Văn Be, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre phát biểu:
- Không giống như những cây cầu khác, cầu Rạch Miễu vừa khởi công đã vấp phải một số khó khăn, tuy đã được lường trước, nhưng cũng khiến công trình bị “chựng” lại: Đó là vừa thiếu vốn lại vừa chưa có một chút kinh nghiệm nào trong việc xây dựng cầu dây văng cỡ lớn như thế này. Cầu Rạch Miễu là trường hợp đầu tiên các kỹ sư Việt Nam được giao thiết kế và thi công xây dựng. Trên 500 công nhân lành nghề và gần 60 kỹ sư phụ trách kỹ thuật luôn có mặt tại công trường. Cầu Rạch Miễu sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, nhất là tỉnh Bến Tre sẽ hoàn toàn được tháo gỡ thế “ốc đảo” và cùng với Quốc lộ 60, qua cầu Hàm Luông, cầu Cổ Chiên đang được xây dựng sẽ hình thành hành lang giao thông phía Đông của ĐBSCL từ thành phố Hồ Chí Minh đi bán đảo Cà Mau...
Dự án cầu Rạch Miễu được đầu tư theo phương thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), dự kiến thời gian hoàn vốn là 11 năm. Theo số liệu thống kê được thì trung bình mỗi ngày phà Rạch Miễu có khoảng từ 20 - 25 ngàn lượt xe ô tô, mô tô qua lại giữa 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, riêng những ngày lễ, tết lượng xe tăng lên 30 đến 40 ngàn lượt mỗi ngày, thậm chí nhiều lúc có những xe tải lớn dừng chờ xuống phà Rạch Miễu cả một đoàn dài đến vài cây số. Khi cầu Rạch Miễu hoàn thành, xe qua cầu chỉ mất 5 - 7 phút và lưu lượng có thể phát huy tối đa, cảnh nối đuôi nhau chờ phà, ùn tắc giao thông sẽ vĩnh viễn đi vào quá khứ.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch UBND xã Thới Sơn, một xã cù lao trên sông Tiền (tỉnh Tiền Giang) cảm động nói:
- Tới đây cù lao Thới Sơn của huyện Châu Thành cũng sẽ không còn là “ốc đảo” cheo leo giữa sông Tiền. Có cầu Rạch Miễu, chắc chắn kinh tế- xã hội trên cù lao Thới Sơn sẽ phát triển rất nhanh, sẽ có nhiều khách du lịch đến với vùng cù lao. Cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Thới Sơn tin rằng, với “thương hiệu” sẵn có của mình, chắc chắn Thới Sơn sẽ tiếp tục trở thành điểm dừng chân hấp dẫn đối với du khách qua lại cầu Rạch Miễu.
Trong không khí thi đua sôi nổi những ngày tháng Tám với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại, các công nhân đã tập trung làm các phần việc như xây trạm thu phí, lắp lan can, thảm bê tông nhựa nóng mặt cầu và nút giao số 2 từ M58-M0. Riêng trên trụ T18, T19 có khoảng trên 300 công nhân ngày đêm chạy đua nước rút để bảo đảm tiến độ. Công ty cầu 12 (thi công trụ T19) đã vượt thời gian và kế hoạch đổ bê tông đến K13. Cầu chính số 01 là phần cầu dây văng có trụ tháp cao 106,54m; 02 trụ tháp, mỗi trụ được đặt trên 20 cọc khoan nhồi có đường kính 02m khoan sâu vào lòng đất 90m, cầu dẫn bằng dầm super T. Cầu chính số 02 được thiết kế theo phương pháp đúc hẫng cân bằng, nhịp dẫn bằng dầm super T.
Bà Nguyễn Thị Mãnh, Bí thư Đảng ủy xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, tâm sự: “Cầu Rạch Miễu hoàn thành, đó là điều mơ ước lớn nhất của người dân, tin tưởng đời sống kinh tế xã hội của người dân sẽ nâng lên. Đảng ủy, UBND xã có chủ trương phát triển kinh tế, đưa ngành thương mại, du lịch phát triển đi lên khi cầu Rạch Miễu hoàn thành”.
Theo kỹ sư Nguyễn Văn Sáu, Trưởng phòng kỹ thuật của Công ty trách nhiệm hữu hạn BOT cầu Rạch Miễu: Cầu dây văng đã và đang được xây dựng nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, cây cầu dây văng đầu tiên là cầu Đăc Rông (Quảng Trị) được xây dựng từ năm 1976. Đến nay có thêm cầu Mỹ Thuận, cầu Kiều, cầu Bính, cầu Bãi Cháy. Nhưng duy nhất chỉ có cầu Rạch Miễu là hoàn toàn do đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân Việt Nam tự thiết kế và thi công, trong đó phải kể đến là Cienco - là những đơn vị của Bộ Giao thông Vận tải, thi công trực tiếp. Đội ngũ kỹ sư Cienco 1 ở cây cầu này đã ứng dụng công nghệ thi công bằng ván khuôn leo và đúc dầm cầu bằng xe. Anh Sáu tính toán: “Nếu theo đơn giá chào hàng của nước ngoài, thì mỗi phần sáng tạo trên, chúng tôi giảm được chi phí trên 4 tỉ đồng, chưa kể chi phí vận chuyển, kho bãi, chuyển giao công nghệ và thuê chuyên gia”. Với công trình cầu Rạch Miễu, Cienco 1 đã tự đào tạo, xây dựng được một đội ngũ cán bộ có trình độ kỹ thuật cao, tiến lên làm chủ một công nghệ tiên tiến, xây dựng được cây cầu lớn hơn, phức tạp hơn trong tương lai.
Người dân Tiền Giang, Bến Tre và cả ĐBSCL hôm nay hào hứng đón nhận tin vui cầu Rạch Miễu được hợp long, nối liền 2 bờ sông Tiền. Anh Lê Văn Hùng, ở xã An Điền, huyện Thạnh Phú (Bến Tre) cười rạng rỡ. Nhìn cây cầu uy nghi, hiện đại, lừng lững vượt sông Tiền, anh xúc động nói: “Mỗi khi về thăm quê hương, thấy các trụ tháp của cầu vươn cao lên giữa sông, tôi mừng cho quê hương sắp thoát khỏi cảnh đò giang cách trở. Từ nay, trái cây và tôm, cá tươi đưa lên thành phố Hồ Chí Minh, miền Đông Nam bộ và miền Trung không còn phải chờ đợi lâu nữa. Tôi nghĩ chiếc cầu sẽ mở ra cho quê hương Bến Tre của chúng tôi một hướng phát triển kinh tế, giúp người dân quê tôi thoát nghèo”.
Theo ông Phạm Văn Long, Giám đốc Sở GTVT Bến Tre: Cầu Rạch Miễu hoàn thành sẽ rút ngắn khoảng cách giữa TPHCM và miền Tây hơn rất nhiều. Từ TPHCM đi Trà Vinh theo quốc lộ 60 qua cầu Rạch Miễu sẽ gần hơn đi quốc lộ 1A qua cầu Mỹ Thuận tới hơn 60km. Nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài khi biết cầu Rạch Miễu hoàn thành cuối năm 2008, đã khẩn trương làm dự án và trình UBND tỉnh Bến Tre hơn 20 hồ sơ xin đầu tư. Trong năm 2007 tỉnh Bến Tre thu hút 71 triệu USD vốn FDI và năm 2008 dự kiến sẽ đạt tới hơn 100 triệu USD. Sau khi có cầu Rạch Miễu, chắc chắn Bến Tre và các tỉnh ĐBSCL giáp với Bến Tre sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ thu hút mạnh các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện UBND tỉnh Bến Tre đã đồng ý chủ trương và chỉ đạo cho các ngành chức năng hướng dẫn khảo sát chọn địa điểm, chủ yếu tập trung ở 3 huyện Châu Thành, Mỏ Cày, Giồng Trôm. Dự kiến, từ nay đến năm 2015, tỉnh sẽ giải tỏa từ 1.500 - 1.600 ha để làm các khu công nghiệp.
CHU MÃ GIANG
* Cầu Rạch Miễu được khởi công xây dựng ngày 30-4-2002. Tổng chiều dài toàn tuyến là 11.130m, trong đó phần đường dẫn và cầu chính dài 8.331m (thiết kế bằng bê tông và dây văng). Phần cầu dây văng dài 1.710m, rộng 15m, khoảng thông thuyền rộng 220m, độ tĩnh không thông thuyền 37,5m (bằng cầu Mỹ Thuận)... Cầu nằm trên tuyến quốc lộ 60, nối hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre.
* Cầu được xây dựng theo phương thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), với tổng kinh phí đầu tư xây dựng gần 1.000 tỉ đồng. Cầu Rạch Miễu bắc qua sông Tiền, có 2 làn xe ô tô, 2 làn xe thô sơ và người đi bộ. Chủ đầu tư phần vốn BOT là Liên doanh các tổng công ty Cienco1, Cienco 5 và Cienco 6 (Bộ GTVT). |