18/10/2019 - 09:32

Kết nối giao thông miền Tây 

Giao thông vận tải (GTVT) vùng ĐBSCL hiện có 4 phương thức vận tải chủ yếu, gồm: đường bộ; đường thủy nội địa; đường biển; đường hàng không. Trong đó, phương thức vận tải chính là đường bộ và đường thủy nội địa. Hệ thống đường bộ có tổng chiều dài là 44.352km, trong đó: Quốc lộ (QL) và cao tốc 2.173km, đường tỉnh 3.450km, đường đô thị 2.210km, đường giao thông nông thôn dài 35.518km; đường thủy trên 13.000km phân bổ đồng đều trên toàn vùng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi kiểm tra Dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận ngày 27-9-2019. Ảnh: N.K

Theo Bộ GTVT, mạng đường bộ vùng ĐBSCL hình thành trên 5 tuyến trục dọc (không bao gồm tuyến đường bộ ven biển) và các tuyến trục ngang kết nối với trục dọc. Trong đó, trục dọc: Tuyến QL1 đã đầu tư cơ bản, còn lại đoạn từ thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng (20km) chưa đầu tư mở rộng; tuyến cao tốc phía Đông mới hoàn thành 40km từ TP HCM đến Trung Lương, đoạn Trung Lương-Cần Thơ mới triển khai; tuyến đường Hồ Chí Minh đi trùng tuyến N2 chưa đầu tư. Trục hành lang ven biển phía Đông còn một số điểm nghẽn thường xuyên ùn tắc giao thông như: cầu Rạch Miễu, phà Đại Ngãi; Tuyến N1 mới hoàn thành khoảng 90km từ Châu Đốc – Hà Tiên, còn lại chưa được bố trí vốn để triển khai. Về trục ngang, mới có một số đoạn tuyến được đầu tư, nâng cấp phù hợp với quy hoạch, như: QL80 đoạn Mỹ Thuận–Vàm Cống, QL91 đoạn Cần Thơ–An Giang, đường Nam Sông Hậu, Quản Lộ-Phụng Hiệp, đường Hành lang ven biển phía Nam; một số đoạn trên tuyến QL53, QL54, QL63... chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải của các tỉnh trong vùng.

Về đường thủy nội địa, vùng ĐBSCL có 6 tuyến vận tải thủy chính kết nối TP HCM- Đông Nam bộ với vùng ĐBSCL. Các tuyến đường thủy kết nối giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL cơ bản đã được đầu tư, nâng cấp đạt tiêu chuẩn cấp III. Riêng 28,5km kênh Chợ Gạo hiện mới nâng cấp giai đoạn 1 đạt cấp II, tàu trọng tải 800-1.000 tấn lợi dụng thủy triều hành thủy, đã góp phần nâng cao năng lực vận tải thủy của vùng. Theo lãnh đạo Bộ GTVT, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khu vực vẫn là điểm nghẽn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng do thiếu nguồn vốn đầu tư. Tại vùng, các tuyến trục dọc chưa được đầu tư hoàn chỉnh, nên tạo thành những điểm nghẽn, thường xuyên gây ùn tắc giao thông, đặc biệt là ngày lễ, Tết. Các tuyến trục ngang đã cơ bản hình thành, tuy nhiên quy mô và chất lượng đường còn hạn chế; không đủ nguồn lực để đầu tư, nâng cấp theo quy hoạch. Gỡ khó cho giao thông đồng bằng là vấn đề rất cấp bách hiện nay.

Vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ sau chuyến đi kiểm tra tình hình xây dựng, quản lý, khai thác các công trình hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL vào cuối tháng 9-1019. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng GTVT khu vực còn nhiều khó khăn, vướng mắc; do đó, Bộ GTVT và các bộ, ngành, địa phương liên quan phải tiếp tục sát sao hơn nữa mới đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Kết luận nêu rõ, phương án quản lý, khai thác tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Tài chính khẩn trương làm rõ cơ sở pháp lý để xây dựng Đề án cũng như thẩm quyền quyết định các vấn đề có liên quan, nhất là công tác thu phí sử dụng đường bộ thông qua trạm thu phí. Đồng thời, nghiên cứu phương án đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường nhằm đáp ứng yêu cầu GTVT.

Còn dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho Dự án là 2.186 tỉ đồng. Vì vậy, nhà đầu tư Dự án phải đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm chất lượng công trình. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại sớm đàm phán để ký lại Hợp đồng tín dụng cho dự án; các nhà đầu tư đã cam kết chủ động tăng vốn từ 2.500 tỉ đồng lên 3.400 tỉ đồng là nỗ lực rất lớn. Do đó, UBND tỉnh Tiền Giang, Bộ GTVT và các bên liên quan phải phối hợp, hỗ trợ triển khai dự án; đảm bảo 31-12-2020 thông tuyến và khánh thành vào 30-4-2021.

Đối với dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Thủ tướng đã đồng ý bố trí 932 tỉ đồng cho dự án từ nguồn ngân sách nhà nước. Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT và các bộ liên quan khẩn trương triển khai các thủ tục, bảo đảm khởi công Dự án trong quý I-2020. Dự án cầu Mỹ Thuận 2, Thủ tướng cũng yêu cầu đảm bảo triển khai các thủ tục đầu tư hạng mục thành phần cầu chính, bảo đảm khởi công trong quý I-2020, phấn đấu hoàn thành, đưa Dự án vào sử dụng đồng bộ với tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Song song đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu đầu tư tuyến đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau trong kế hoạch đầu tư giai đoạn 2021-2026; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh triển khai đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng giao thông (đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không) tại khu vực ĐBSCL theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Song Nguyên

Chia sẻ bài viết