11/10/2017 - 22:02

Kết nối đưa nông sản sạch tới người tiêu dùng 

Mới đây, tại Hội nghị “Quảng bá và tổ chức liên kết tiêu thụ các sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên địa bàn TP Cần Thơ”, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NLS&TS) TP Cần  Thơ và Chi cục Quản lý NLS&TS tỉnh Lâm Đồng đã ký kết Bản Thỏa thuận hợp tác Cung ứng, tiêu thụ sản phẩm an toàn giữa TP Cần Thơ và tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2017-2020. Sự kiện này thể hiện quyết tâm của 2 địa phương trong hành trình tạo lập niềm tin, đưa sản phẩm nông sản sạch, an toàn đến tận tay người tiêu dùng.

Các đại biểu tham quan khu vực trưng bày nông sản an toàn. 

Khai thác lợi thế

Theo ông Nguyễn Minh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý NLS&TS TP Cần Thơ, thống kê sơ bộ mỗi năm TP Cần Thơ tiêu thụ 151.000 tấn gạo, 23.800 tấn thịt heo, 7.600 tấn thịt gia cầm, 136.000 tấn rau củ các loại, 4.500 tấn trái cây và 38.000 tấn thủy sản các loại. Nguồn hàng nông sản của thành phố nhìn chung dồi dào, phong phú. TP Cần Thơ còn là đầu mối để cung ứng hàng hóa nông sản đi một số tỉnh ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, một số nông sản phải nhập từ địa phương khác như: thịt gia cầm của Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng; thủy hải sản từ An Giang, Kiên Giang, Cà Mau; các loại rau, củ, quả từ Lâm Đồng. “Người dân TP Cần Thơ đang có xu hướng sử dụng các sản phẩm nông sản an toàn, có nguồn gốc rõ ràng. Các loại nông sản của Lâm Đồng được sản xuất theo công nghệ cao, an toàn, đang được sự quan tâm rất lớn từ người tiêu dùng tại Cần Thơ” - ông Nguyễn Minh Hải nói.

Ông Nguyễn Văn Lục, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý NLS&TS tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Lâm Đồng có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; hình thành chuỗi cung ứng nông sản an toàn… Ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng được 54 chuỗi thực phẩm an toàn. Trong đó, 29 chuỗi rau, 17 chuỗi chè, 1 chuỗi quả, 3 chuỗi hoa và 4 hộ chăn nuôi an toàn theo hướng liên kết. Với những kết quả đạt được, chúng tôi mong muốn đưa một số sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao: rau, củ, quả, hoa, thực phẩm sấy khô, chè… vào các kênh phân phối tại Cần Thơ. Ngược lại, phía Cần Thơ có thể cung ứng cho chúng tôi một số nông sản đặc sản của địa phương, như:  gạo, các loại khô, thủy sản…”. Theo ông Nguyễn Văn Lục, tỉnh Lâm Đồng và TP Cần Thơ thỏa thuận quản lý chặt chẽ chất lượng an toàn sản phẩm nông lâm thủy sản khi đưa vào kênh phân phối, tiêu thụ của 2 địa phương.

Bản Thỏa thuận hợp tác Cung ứng, tiêu thụ sản phẩm an toàn giữa TP Cần Thơ và tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2017-2020 tập trung vào các nội dung: tạo điều kiện để doanh nghiệp 2 địa phương liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm an toàn; phối hợp xây dựng, phát triển mô hình chuỗi cung ứng nông sản an toàn từ sản xuất, sơ chế, chế biến ở Lâm Đồng để tiêu thụ tại Cần Thơ. Ngoài ra, 2 bên phối hợp kiểm soát chặt chẽ (an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ…) các sản phẩm được sản xuất ở Lâm Đồng đưa đến tiêu thụ tại Cần Thơ và sản phẩm thủy sản chủ lực của Cần Thơ tiêu thụ tại Lâm Đồng. TP Cần Thơ và tỉnh Lâm Đồng thống nhất cung cấp thông tin kịp thời về các lô hàng nông thủy sản không đảm bảo an toàn thực phẩm để thực hiện truy xuất nguồn gốc và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định trước khi đưa vào tiêu thụ tại 2 địa phương.

Kết nối cung cầu

Dịp này, TP Cần Thơ giới thiệu 8 cở sở sản xuất, doanh nghiệp với các nhóm sản phẩm: gạo, chả cá, chả lụa, thịt nguội, cá tra sấy, cá lóc phi-lê sấy khô… có nhu cầu kết nối, đưa sản phẩm tiêu thụ tại tỉnh Lâm Đồng. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của tỉnh Lâm Đồng cũng mang đến TP Cần Thơ nhiều sản phẩm nông sản được sản xuất theo quy trình sạch để quảng bá, tìm kiếm cơ hội hợp tác: trà, rau, củ, quả…

Theo bà Nguyễn Ngọc Thùy Dương, Phó phòng Kinh doanh, Công ty TNHH MTV Phạm Nghĩa T&N, Khu Công nghiệp Tiểu thủ công nghiệp Cái Sơn Hàng Bàng, đến với Hội nghị lần này, công ty muốn mở rộng thị trường tại tỉnh Lâm Đồng với dòng sản phẩm được chế biến từ cá thát lát. “Hiện chúng tôi có các dòng sản phẩm: truyền thống (chả cá thát lát nguyên chất, chả cá thát lát ướp gia vị), đặc trưng (cá viên thát lát, chạo cá thát lát), khác biệt (cá thát lát ướp gia vị nguyên con, cá thát lát rút xương) và sản phẩm khác (cá thát lát ướp gia vị cắt khúc, khổ qua dồn thát lát, cá sặc rằn ướp gia vị). Các sản phẩm này được chế biến từ nguồn nguyên liệu sạch, an toàn, dưới sự kiểm soát trực tiếp từ các vùng nuôi của công ty. Công ty có đầy đủ các chứng nhận về hệ thống quản lý chất lượng trong nuôi trồng và sản xuất”-bà Nguyễn Ngọc Thùy Dương nói.

Ông Trần Văn Hùng, đại diện Nhà máy Trà - Cà phê Thanh Lộc Thọ, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Sản phẩm trà của nhà máy được sản xuất theo quy trình sạch, đảm bảo chất lượng nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Chúng tôi xác định TP Cần Thơ là thị trường tiềm năng và “đòn bẩy” để mở rộng kênh tiêu thụ ra các địa phương vùng ĐBSCL. Đối với TP Cần Thơ, tôi cho rằng gạo là sản phẩm đầy hứa hẹn có thể tiêu thụ mạnh tại Lâm Đồng vì đây là sản phẩm thiết yếu nhà nào cũng có nhu cầu”. Bà Nguyễn Kim Cương, Phó Giám đốc Co.opmart Cần Thơ đề xuất phía Lâm Đồng có thể chọn đơn vị làm đầu mối để phân phối rau, củ, quả sạch an toàn đến tất cả các siêu thị trên địa bàn TP Cần Thơ. Bởi hầu hết các siêu thị đều cần nguồn hàng đa dạng nhưng số lượng ít. Nếu giao dịch lẻ tẻ, rất phức tạp, lại tốn thêm chi phí vận chuyển, bảo quản…

Bản Thỏa thuận hợp tác Cung ứng, tiêu thụ sản phẩm an toàn giữa TP Cần Thơ và tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2017-2020 được ký kết đã mở hướng cho cả 2 địa phương trong việc tìm đầu ra cho các sản phẩm nông sản sạch, an toàn. Ngoài ra, với sự hỗ trợ, quy trình kiểm duyệt chất lượng bài bản từ cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.

Bài, ảnh: MỸ THANH 

Chia sẻ bài viết