22/08/2017 - 08:54

Chia sẻ lợi nhuận, rủi ro trong chuỗi nông sản 

Người tiêu dùng có nhu cầu, người nông dân cần bán sản phẩm, nhà phân phối mong muốn mang nông sản sạch, an toàn tới tay người tiêu dùng. Thế nhưng, một thực tế đang diễn ra là các đối tác trong chuỗi cung ứng này vẫn chưa gặp được nhau. Bàn giải pháp liên kết “4 nhà” được đặt ra tại Hội thảo “Kết nối cung cầu nông sản sạch và an toàn 2017” vừa diễn ra tại TP Cần Thơ.

Khách hàng chọn mua rau quả đạt chuẩn VietGAP tại Cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.

Những nghịch lý

Không khó để nhận thấy, một nghịch lý đã và đang diễn ra là người tiêu dùng có nhu cầu tìm mua sản phẩm nông sản sạch, an toàn nhưng không biết đâu là điểm đến tin cậy. Trong khi đó, người sản xuất làm ra sản phẩm sạch, an toàn lại không tiêu thụ được sản phẩm. “Ở khu vực đô thị, người dân tận dụng khoảng trống trước sân, sau nhà, sân thượng để trồng rau; chia sẻ nhau cách trồng rau sạch, an toàn. Trong khi sản phẩm nông sản sạch của người nông dân lại không bán được. Thực trạng này là do các tác nhân trong chuỗi thiếu tin tưởng lẫn nhau và hoài nghi về chất lượng sản phẩm” - ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ phân tích.

Không chỉ vậy, sự kết nối giữa các bên trong chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản sạch, an toàn còn lỏng lẻo. Theo ông Trần Thế Như Hiệp, Viện Kinh tế-xã hội TP Cần Thơ, một bộ phận người tiêu dùng – “cầu”, hiện nay vẫn “thờ ơ” với những lợi ích, giá trị của nông sản sạch, an toàn mang lại; tâm lý e ngại về giá, về truy nguyên nguồn gốc của thực phẩm sạch; khó tìm mua nông sản sạch, an toàn do mạng lưới phân phối chưa rộng khắp… Về phía nhà sản xuất – “cung” còn nhỏ lẻ, chất lượng chưa ổn định, giá thành cao, chưa ứng dụng rộng rãi tự động hóa, cơ giới hóa, thủy canh, hữu cơ vào sản xuất; khâu sơ chế, bảo quản còn thô sơ. Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước về nguồn gốc xuất xứ, kiểm tra dán nhãn, kiểm định và công nhận sản phẩm sạch, an toàn thiếu triệt để; hoạt động tuyên truyền, vận động làm thay đổi hành vi tiêu dùng thực phẩm sạch, an toàn còn yếu… 

Theo ông Phạm Nhật Trường, Phó Giám đốc Phòng Kinh doanh Hệ thống siêu thị Co.opmart, vấn đề sản xuất nông sản sạch, an toàn hiện nay vẫn chưa đáp ứng tốt các yêu cầu siêu thị đưa ra. Đơn cử như việc sản xuất nhỏ lẻ, cơ sở ở xa, thông tin giao dịch chậm không thuận tiện cho việc giao nhận hàng hóa; nguồn cung không ổn định do ảnh hưởng yếu tố thời vụ, thời tiết; thị trường biến động, lúc giá cao, nông dân không giữ giá bán sản phẩm... Đó là những cản ngại không nhỏ để nông sản sạch, an toàn vào siêu thị. Nhiều ý kiến cho rằng, sản phẩm nông sản sạch, an toàn của TP Cần Thơ đa phần là sản phẩm nông nghiệp ngắn ngày, chưa đạt giá trị cao. Chẳng hạn, các sản phẩm rau an toàn ở TP Cần Thơ là hẹ, dưa leo, khổ qua, rau muống và rau mùi chưa thật sự đa dạng và chưa áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật mới như trồng thủy canh, giá thể, sinh học,…

Hoàn thiện chuỗi cung ứng

Tìm giải pháp tháo gỡ nút thắt nói trên, ông Trần Thế Như Hiệp, Viện Kinh tế-xã hội TP Cần Thơ, cho rằng Nhà nước cần tổ chức vùng sản xuất nông sản sạch, an toàn, tập trung quy mô lớn; tăng cường công tác chứng nhận nông sản sạch, an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế và công bố rộng rãi đến người tiêu dùng. Tăng cường các biện pháp truyền thông đối với người tiêu dùng về ý thức sử dụng sản phẩm sạch; khuyến khích các khâu trong chuỗi cung ứng làm tốt công tác xử lý thông tin thị trường; định hướng rõ kênh tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Nhiều ý kiến cũng đồng tình cho rằng, chi phí sơ chế, đóng gói đã đẩy giá thành nông sản sạch, an toàn cao hơn sản phẩm thông thường, nên người tiêu dùng e ngại. Để tăng tính cạnh tranh của nông sản sạch, an toàn, giải pháp được đề xuất là cần có sự hỗ trợ của các cơ quan nghiên cứu đối với công nghệ sơ chế, đóng gói để từng bước cắt giảm chi phí này. Về liên kết chuỗi, theo các chuyên gia kinh tế, chuỗi kết nối cung cầu nông sản sạch, an toàn không thể một ngày một bữa mà hoàn thiện được. Điểm mấu chốt là các tác nhân trong chuỗi phải có ý thức gắn kết để cùng chia sẻ lợi nhuận, rủi ro.

Nhà sản xuất và nhà phân phối trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Hội thảo.

Theo ông Phạm Nhật Trường, Phó Giám đốc Phòng Kinh doanh Hệ thống siêu thị Co.opmart, các nhà sản xuất cần xây dựng kế hoạch lâu dài, đầu tư kỹ thuật cao nhằm tạo ra các sản phẩm mới, độc, lạ, có giá trị kinh tế cao, sản phẩm đặc sản... Các hộ nuôi, trồng lưu ý ngoài việc chọn lọc sản phẩm đầu tư theo xu hướng tiêu dùng, nên phân khu vực nuôi, trồng ra thành ao, vèo nhỏ để đáp ứng tốt nhu cầu của kênh phân phối lẻ. Ngoài ra, Saigon Co.op cũng cần phía người sản xuất cùng chia sẻ lợi nhuận, rủi ro trong thời điểm giá cả hàng hóa biến động; thực hiện cam kết về sản lượng và bảo đảm chất lượng hàng hóa đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, TP Cần Thơ cần lồng ghép hoạt động tham quan vùng sản xuất nông sản sạch, an toàn với các sản phẩm du lịch; các buổi ngoại khóa của trường học… để người tiêu dùng nhận thức tốt hơn về nông sản sạch và người sản xuất nắm bắt nhu cầu thị trường tốt hơn.

“Tới đây, TP Cần Thơ sẽ phối hợp với Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và một số bên có liên quan để xây dựng một số mô hình kết nối cung cầu nông sản sạch, an toàn như: phiên chợ nông sản sạch định kỳ mỗi cuối tuần; hình thành “mạng lưới các điểm bán nông sản sạch”, mạng lưới thương mại điện tử nông sản sạch… Đây là các điểm đến hấp dẫn để người tiêu dùng tham quan, mua sắm, hình thành thói quen tiêu dùng nông sản sạch, an toàn và tạo sức lan tỏa, thu hút nhiều khách hàng tiềm năng khác”-ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết