04/02/2022 - 08:09

Kết nối “cung - cầu” lao động trên nền tảng số 

Bài, ảnh: Hồng Vân

Hòa cùng không khí nhộn nhịp của những ngày cuối năm, các trung tâm dịch vụ việc làm (DVVL) trên địa bàn thành phố đang rộn ràng nhiều hoạt động: ngày hội việc làm thời vụ Tết, gặp gỡ nhà tuyển dụng... theo hình thức trực tuyến. Dù ảnh hưởng dịch COVID-19 nhưng với sự phát triển của công nghệ, chỉ cần vài cú nhấp chuột, ai cũng có thể tham gia lớp đào tạo nghề, hoặc tìm việc làm phù hợp...

Cảnh quay clip dạy nghề làm tranh gạo tại Trung tâm DVVL Thanh niên Cần Thơ.

Chuyển đổi số trong đào tạo nghề

Trước giờ khai giảng lớp tin học ứng dụng online tại Trung tâm DVVL Thanh niên Cần Thơ, thầy Trần Quốc Cường vừa cẩn thận kiểm tra các thiết bị, đường truyền, vừa chia sẻ: “Với phần mềm Google Meet, người dạy và người học dễ dàng tương tác với nhau. Lớp học này nhận được phản hồi tích cực từ nhiều học viên. Chỉ với 8 buổi học, học viên có thể tiếp thu nhiều kỹ năng về Word, Excel…”.

Theo anh Nguyễn Duy Phúc, Giám đốc Trung tâm DVVL Thanh niên Cần Thơ, lớp nghề tin học ứng dụng online miễn phí đang có hơn 70 học viên. Ðây là “phát lệnh” đầu tiên, bắt đầu cho chuỗi các lớp nghề miễn phí, được Trung tâm tổ chức vào tháng 12-2021, tập trung vào những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao: pha chế, đồ họa, điện lạnh,… Trước đó, Trung tâm DVVL Thanh niên Cần Thơ đã thiết kế nhiều clip hướng nghiệp, dạy nghề, thu hút hàng ngàn lượt xem trên mạng xã hội. Nhân vật khách mời trong clip là những thanh niên trẻ khởi nghiệp thành công để không chỉ hướng nghiệp mà còn “thổi bùng” ước vọng lập thân khởi nghiệp trong lớp trẻ…

Với một chiếc smartphone, học viên sẽ được trải nghiệm nhiều điều thú vị khi tham gia khóa dạy nghề tóc online của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp phụ nữ TP Cần Thơ (thuộc Hội LHPN TP Cần Thơ). Ngay thời điểm thành phố thực hiện giãn cách xã hội, lớp học vẫn khá sôi nổi. Chị Lê Thị Dung, giáo viên kiêm quản lý Công ty TNHH L’Oreal Việt Nam, chia sẻ: “Trước đây, mỗi năm, chúng tôi dạy 2-4 lớp nghề tóc. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, để tránh lớp nghề bị gián đoạn, tôi chuyển sang dạy online. Cách thức này vừa giúp học viên làm quen phương pháp học tập mới, vừa là cơ hội để đội ngũ giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong giảng dạy”.

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, Trung tâm Anh ngữ Wiser English ở quận Ninh Kiều, đã chuyển sang dạy trực tuyến. Người học được chia thành nhóm nhỏ, cùng tương tác thực hành giao tiếp; giáo viên theo dõi sát và kịp thời điều chỉnh những lỗi sai trong phát âm, ngữ pháp... Anh Lê Hoàng, Giám đốc Trung tâm Anh ngữ Wiser English kể, với những cá nhân chưa theo kịp bài học, Trung tâm có thể linh hoạt điều chỉnh chương trình phù hợp. Trung tâm Anh ngữ Wiser English còn duy trì lớp dạy kỹ năng viết thư và CV xin việc bằng tiếng Anh, góp phần trang bị những kỹ năng mềm, giúp lao động trẻ đón đầu những cơ hội mới.

Các trung tâm DVVL, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố, đã và đang nỗ lực linh hoạt thích ứng với bối cảnh mới. Thạc sĩ Trang Vũ Phương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ, chia sẻ: Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ hiện đang tổ chức 20 lớp nghề trực tuyến. Việc tổ chức thi, đánh giá học phần cũng bằng hình thức trực tuyến, phù hợp với thực tế. Trường còn kết nối với các doanh nghiệp tổ chức cho sinh viên thực tập trực tuyến; phối hợp các trung tâm DVVL tổ chức các phiên gặp gỡ giữa sinh viên với doanh nghiệp… mở ra nhiều hướng đi cho sinh viên sau tốt nghiệp.

“Mở luồng xanh” cho cơ hội việc làm

Sau một thời gian thất nghiệp, tháng 10-2021, chị Nguyễn Ngọc Ðào ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ, truy cập vào website: vieclamcantho.vn của Trung tâm DVVL TP Cần Thơ để tìm việc. Qua website, chị Ðào tiếp cận hàng loạt thông tin về các chuỗi sự kiện giao dịch việc làm miễn phí cũng như các vị trí tuyển dụng lao động với thông tin cụ thể về mức lương, yêu cầu công việc… Sau khi chọn được công việc phù hợp, chị Ðào liên hệ với Trung tâm DVVL TP Cần Thơ và nhanh chóng được kết nối, phỏng vấn trực tuyến. Với cách làm đơn giản như thế, chị Ðào cũng như nhiều người lao động (NLÐ) khác đã tìm được công việc trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Trong các doanh nghiệp gửi tuyển dụng lao động về Trung tâm DVVL Cần Thơ, Công ty TNHH Taekwang Cần Thơ là đơn vị cần tuyển nhiều nhất, với 1.500 chỉ tiêu. Nhận định về hiệu quả của phỏng vấn online, anh Bùi Công Thành, Trưởng nhóm tuyển dụng Công ty TNHH Taekwang Cần Thơ, cho biết: “Khi phỏng vấn online, chúng tôi không thể cùng một lúc chia sẻ thông tin với nhiều lao động. Ðổi lại, tại thời điểm dịch bệnh phức tạp, việc kết nối trực tuyến là hiệu quả nhất vì NLÐ không phải mất thời gian di chuyển, đảm bảo công tác phòng, chống dịch”.

Doanh nghiệp tuyển dụng lao động tại Phiên giao dịch việc làm trực tuyến khu vực ÐBSCL - TP Hồ Chí Minh - Bình Dương do Trung tâm DVVL TP Cần Thơ phối hợp tổ chức.

Kết nối trực tuyến đang là xu hướng. Nhiều năm qua, Trung tâm DVVL Cần Thơ đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu việc làm thông qua các phiên giao dịch việc làm trực tuyến; ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm vào tất cả các hoạt động nghiệp vụ của đơn vị. Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Trung tâm DVVL TP Cần Thơ, năm 2021, Cổng thông tin việc làm Cần Thơ có hơn 8,8 triệu lượt người truy cập; đã tiếp nhận 393 lượt NLÐ đăng ký nhu cầu tìm việc làm; tư vấn cho 103 lượt khách hàng. Các thông tin đăng trên trang Facebook của trung tâm có hơn 322.104 lượt người tiếp cận; tư vấn, giải đáp cho 14.508 lượt khách hàng. Qua Zalo, có 69.998 lượt người tiếp cận thông tin; tư vấn và giải đáp cho 15.191 lượt NLÐ. Tổng đài Call-center đã tư vấn 4.548 lượt khách hàng, giải đáp kịp thời cho khách hàng với số lượng cuộc gọi đến tổng đài trong năm 2021 tăng 130% so với năm 2020. Tại Trung tâm DVVL Thanh niên Cần Thơ, năm 2021, đã tư vấn việc làm, tư vấn hướng nghiệp cho hơn 22.039 lượt, đạt 80,1% so với kế hoạch. Trung tâm đã giới thiệu việc làm cho hơn 4.302 lao động, đạt 78,2% so với kế hoạch và nhận tuyển dụng ủy thác cho hơn 605 doanh nghiệp, đạt 75,6% so với kế hoạch. Qua đó, góp phần giúp NLÐ, nhất là những lao động bị mất việc làm do dịch COVID-19, sớm quay trở lại thị trường việc làm.

Theo ông Tiêu Minh Dưỡng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, việc áp dụng công nghệ thông tin, tận dụng ưu thế mạng xã hội trong đào tạo, hướng nghiệp, giao dịch việc làm là một bước đi phù hợp, cần duy trì và phát huy. Ðể thích ứng ngày càng hiệu quả hơn với tình hình dịch COVID-19 trong công tác giáo dục nghề nghiệp, giới thiệu việc làm, Sở sẽ phối hợp nghiên cứu, đề xuất đầu tư, xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến chuyên nghiệp, bao gồm việc học tập trực tuyến, hệ thống quản lý học tập trực tuyến, hệ thống quản lý nội dung học tập, giới thiệu việc làm nhằm phục vụ mục tiêu đào tạo trước mắt và lâu dài cho cả hệ thống giáo dục nghề nghiệp và DVVL trên địa bàn thành phố.

Chia sẻ bài viết