Israel đang dẫn đầu thế giới về chủng ngừa COVID-19, khi hơn 10% dân số nước này đã được tiêm liều vaccine đầu tiên chỉ trong 2 tuần.

Thủ tướng Netanyahu được tiêm vaccine hôm 19-12-2020. Ảnh: AF
Israel bắt đầu chiến dịch tiêm chủng từ ngày 19-12-2020 và đến hôm 1-1, người thứ 1 triệu đã được tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech (Mỹ - Ðức), chiếm hơn 10% trong tổng số 9 triệu dân. Tỷ lệ này cho thấy Israel đã phân phối vaccine cho dân chúng nhanh gấp 3 lần quốc gia có tốc độ nhanh thứ nhì trên thế giới là Bahrain, theo số liệu của tổ chức Our World in Data. Trong khi đó, chưa tới 1% dân số Mỹ và chỉ một phần rất nhỏ dân số ở nhiều nước châu Âu được tiêm vaccine.
Giới chức Israel không công khai chính xác số liều vaccine mà họ đã nhận được hoặc số tiền đã chi để mua chúng, với lý do các thỏa thuận là thông tin mật. Nhưng Bộ trưởng Y tế Israel Yuli Edelstein cho rằng nếu Tel Aviv trả nhiều tiền hơn so với các quốc gia khác, chi phí đó vẫn xứng đáng để sớm mở cửa lại nền kinh tế. Với việc Israel ưu tiên nhân viên y tế và công dân từ 60 tuổi trở lên, ông Edelstein tin rằng phần lớn dân số trong nhóm nguy cơ cao có thể được tiêm mũi vaccine thứ hai trước cuối tháng 1 này. Nước này cũng đang đàm phán với Pfizer để đẩy thời điểm giao lô vaccine mới từ tháng 2 sang tháng 1. Hiện khoảng 150.000 người Israel đang được tiêm phòng mỗi ngày.
Những lợi thế và nỗ lực
Theo tờ Irish Times, Israel có những lợi thế riêng bao gồm diện tích và quy mô dân số nhỏ, hệ thống y tế công cộng được trang bị đầy đủ cũng như kinh nghiệm đối phó với những tình huống khẩn cấp quốc gia. Ngoài ra, nỗ lực triển khai nhanh chóng của chính phủ nước này cũng đóng vai trò quan trọng. Israel được cho là đã sớm thương thảo với các nhà sản xuất.
Trong khi đó, Thủ tướng Benjamin Netanyahu, đang bị xét xử với cáo buộc hối lộ, gian lận và lạm dụng tín nhiệm, đã biến chiến dịch tiêm chủng trở thành sứ mệnh cá nhân. Ông thể hiện rằng mình có công trong việc ký kết thỏa thuận và đảm bảo hàng triệu liều vaccine từ các hãng dược. Ðầu tháng 12-2020, sau khi Pfizer công bố kết quả sơ bộ khả quan, Thủ tướng Netanyahu cho biết ông đã làm việc “suốt ngày đêm” để đạt được thỏa thuận, thậm chí 13 lần nói chuyện với Giám đốc điều hành của Pfizer và nhiều lần gọi điện cho lãnh đạo của Hãng Moderna (Mỹ). Ông Netanyahu còn nêu khả năng Israel trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêm chủng toàn dân.
Tháng rồi, vị lãnh đạo này đã trở thành người Israel đầu tiên tiêm vaccine, vì ông muốn làm gương cho dân chúng. Sau đó, ông Netanyahu còn đến một cơ sở ở Jerusalem để chúc mừng người Israel thứ 500.000 nhận vaccine và thăm trung tâm tiêm chủng ở thị trấn Tira nhằm khuyến khích cộng đồng thiểu số Arab đi tiêm nhiều hơn. Người Arab, chiếm 1/5 dân số Israel, do dự về tiêm phòng hơn những cộng đồng khác. Cộng đồng Do Thái bảo thủ, nhóm chịu ảnh hưởng đặc biệt nặng nề trong đại dịch, cũng được coi là nhóm người có thể phản đối tiêm chủng. Tuy nhiên, những lo ngại ban đầu đó đã biến mất.
Ở khâu hậu cần, Israel tìm cách tái đóng gói vaccine, tạo điều kiện thuận lợi để vận chuyển đến những khu vực xa xôi chẳng hạn như viện dưỡng lão, thay vì yêu cầu người dân đến các trung tâm tiêm chủng. Ngoài ra, khoảng 700 quân nhân dự bị Israel đang được huy động để giúp tăng tốc chương trình tiêm vaccine, trong khi quân đội nước này nằm trong số những lực lượng vũ trang đầu tiên trên thế giới bắt đầu tiêm ngừa cho binh sĩ của họ.
Dự kiến trước cuối tháng 3 tới, Israel có 5 triệu người được tiêm vaccine, trong khi nước này sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 23-3, lần thứ tư trong chưa đầy 2 năm. Bởi vậy, giới phân tích nhận định ông Netanyahu đang lấy viễn cảnh Israel nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng kinh tế và y tế làm nền tảng cho chiến dịch tranh cử của mình.
Giới chức Mỹ bảo vệ chương trình tiêm chủng quốc gia
Ngày 3-1, giới chức Mỹ đã lên tiếng bảo vệ chiến dịch tiêm chủng đại trà, vốn đang bị chỉ trích là chậm trễ và không đạt mục tiêu như ban đầu đề ra.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ABC, Tiến sĩ Anthony Fauci, người đứng đầu nhóm đặc trách chống COVID-19 của Nhà Trắng, cho hay đã có vài sự cố nhỏ trong chiến dịch này và điều đó hoàn toàn dễ hiểu. Ông cho biết luôn có những thách thức trong việc khởi động một chương trình chủng ngừa quy mô lớn và thực hiện theo đúng lộ trình. Tuy nhiên, Tiến sĩ Fauci đánh giá đã có tiến triển trong chương trình tiêm chủng quốc gia khi trên thực tế mỗi ngày có 500.000 người được chủng ngừa, tăng so với lúc mới khởi động chương trình.
Cho đến nay, mới chỉ có khoảng 4,2 triệu người dân Mỹ được tiêm mũi đầu tiên trong 2 mũi tiêm bắt buộc vaccine COVID-19 của Pfizer/BioNTech hoặc Moderna, trong khi chính quyền Tổng thống Donald Trump đề ra mục tiêu tiêm chủng cho 20 triệu người cho đến cuối năm 2020.
HẠNH NGUYÊN