06/12/2020 - 12:17

Indonesia dùng vệ tinh theo dõi vấn đề rác thải nhựa đại dương

Mỗi năm, những trận mưa lớn lại cuốn theo hàng tấn rác thải từ các đường phố ở Thủ đô Jakarta ra biển, có khi rác còn trôi dạt ra tận các bãi biển đảo Bali xa xôi. Vì vậy, giới khoa học đã nhờ đến các vệ tinh nhân tạo để truy dấu rác thải và tìm cách tháo gỡ vấn đề.

Theo số liệu thống kê chính thức, mỗi năm, quốc đảo 270 triệu dân này thải khoảng 620.000 tấn rác thải nhựa ra các nguồn nước và là một trong những quốc gia thải nhiều rác ra đại dương nhất trên thế giới. Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu cắt giảm khoảng 2/3 con số này trong 5 năm tới.

Dự án dùng vệ tinh theo dõi xuất phát từ hy vọng rằng việc theo dấu di chuyển của rác thải sẽ giúp giới khoa học hiểu vấn đề một cách đầy đủ hơn và tìm ra cách tốt nhất để thu gom rác tùy theo mùa, hướng gió thổi và nước chảy. Dự án do một đội chuyên gia thuộc Bộ Các vấn đề biển Indonesia phối hợp với CLS, một chi nhánh của Cơ quan Vũ trụ Pháp phối hợp thực hiện và được Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ.

Để thực hiện dự án, nhóm chuyên gia đã triển khai các máy phát tín hiệu vệ tinh (GPS) tại các cửa sông quanh khu vực Jakarta, Bandung ở Trung Java và Palembang trên đảo Sumatra, để theo dõi các rác thải đổ ra biển, địa điểm rác thải tập hợp và dừng lại. Các máy phát tín hiệu, chạy bằng pin có tuổi thọ 1 năm, sẽ thu thập dữ liệu để chuyển tới một vệ tinh. Thông tin từ vệ tinh này sau đó được CLS tổng hợp và chuyển cho giới chức Indonesia.

Theo Tổ chức Bảo tồn đại dương có trụ sở tại Mỹ, ngày nay, có khoảng 150 triệu tấn rác thải nhựa trôi nổi trên các đại dương trên toàn thế giới và mỗi phút vẫn có thêm nhiều rác thải bị đẩy ra môi trường đại dương. Ô nhiễm rác thải nhựa trên đại dương dẫn tới những nguy cơ sức khỏe với con người và đe dọa môi sinh của các sinh vật biển.

LÊ ÁNH (TTXVN)

Chia sẻ bài viết