25/01/2014 - 13:46

Hy vọng nào cho Syrie tại Genève 2?

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon (phải) và ông Lakhdar Brahimi trong buổi họp báo hôm 22-1. Ảnh: Press TV

Bình luận diễn biến hội nghị quốc tế lần thứ 2 về Syrie (Genève 2) đang diễn ra tại Thụy Sĩ, giới phân tích không đặt nhiều hy vọng về một bước đột phá giải quyết triệt để cuộc khủng hoảng chính trị ở quốc gia Trung Đông này trong bối cảnh đại diện chính quyền Bashar al-Assad và phe đối lập mâu thuẫn rất lớn và kiên quyết duy trì quan điểm cứng rắn của mình.

Trong phiên họp đầu tiên tại Montreux hôm 22-1, tình hình trở nên căng thẳng do bất đồng quan điểm sâu sắc giữa các bên xung quanh số phận của Tổng thống al-Assad. Theo hãng tin AP, Chính phủ Syrie khẳng định sẽ không thảo luận về yêu cầu buộc ông al-Assad thoái vị khi Ngoại trưởng nước này Walid Muallem tuyên bố không ai có quyền bàn bạc hay bác bỏ tính hợp pháp của tổng thống trừ người dân Syrie, đồng thời cho biết ngừng các hoạt động khủng bố mới là mục tiêu số một của Damas tại hội nghị này. Trong khi đó, phe đối lập và các nước phương Tây hỗ trợ họ nhất quyết không chấp nhận vai trò của Tổng thống al-Assad trong chính phủ chuyển tiếp. Phát biểu với các phóng viên tại Genève 2, Chủ tịch Liên minh Dân tộc Syrie (SNC, nhóm đối lập chính) Ahmad al-Jarba khẳng định tương lai của nước này sẽ không bao gồm ông al-Assad bởi "al-Assad cùng chế độ của ông ta đã kết thúc". Còn Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thì nói rằng Tổng thống al-Assad phải chịu trách nhiệm về nguy cơ tan rã của Syrie và gọi ông này là "siêu nam châm đối với khủng bố".

Trong nỗ lực hòa giải nhằm kết thúc cuộc nội chiến kéo dài gần 3 năm khiến hơn 130.000 người thiệt mạng và 7 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, đặc phái viên chung của Liên Hiệp Quốc và Liên đoàn A-rập (AL) Lakhdar Brahimi đã tổ chức gặp riêng mỗi bên để đánh giá quan điểm cũng như thảo luận những bước tiếp theo cho buổi đàm phán trực tiếp giữa hai bên vào hôm nay.

Liên quan nội dung của cuộc đàm phán, ông Brahimi nói rằng có thể chỉ xoáy vào 3 vấn đề mà hai bên cùng quan tâm hiện nay là cứu trợ nhân đạo, trao đổi tù binh và ngừng bắn tạm thời. Do đó, các chuyên gia cho biết họ không quá kỳ vọng vào khả năng nhanh chóng đưa ra giải pháp kết thúc cuộc khủng hoảng chính trị tại Syrie. Thay vào đó, kết quả họ trông đợi hiện nay chỉ giới hạn về một thỏa thuận khung cho các bên liên quan, song giới phân tích cũng nói rằng cuộc thương thuyết trực tiếp giữa hai bên là bước quan trọng đầu tiên đánh dấu sự tiến bộ của tiến trình hòa giải.

Trong khi đó tại Syrie, các cuộc đụng độ giữa lực lượng nổi dậy chống chính phủ và các chiến binh thuộc nhóm Quốc gia Hồi giáo Iraq và al-Sham (ISIS) có quan hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda vẫn tiếp diễn. Theo ước tính của Tổ chức Quan sát Nhân quyền Syrie, kể từ đầu năm 2014 đến nay đã có khoảng 1.400 người thiệt mạng do các vụ đụng độ giữa hai phe này. Trước tình hình như vậy, thủ lĩnh Al-Qaeda Ayman al-Zawahiri trong một thông điệp hôm 23-1 đã kêu gọi tất cả các tay súng thánh chiến "dừng ngay cuộc đấu đá giữa các huynh đệ".

ĐƯỜNG THẤT (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết