Truyện ngắn NHÃ THI
Tốt nghiệp trung học phổ thông, Hùng trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Ngày lên đường, người thân tiễn bước, xe thị đội đưa quân, ánh nắng trong veo nhảy nhót trên gương mặt trẻ măng của Hùng.
Những ngày đầu nơi đơn vị, Hùng cùng đồng đội nhanh chóng hòa nhập cuộc sống binh ngũ. Ngoài những giờ miệt mài trên thao trường, rồi tập lối sống kỷ luật, Hùng còn theo đơn vị làm nhiều việc công ích quanh nơi doanh trại đóng quân. Lúc thì cùng bà con giặm vá đoạn đường sụt lún, khi lại cất nhà giúp cụ bà sống một mình ở đầu vàm, đôi lúc phát quang cỏ rác dọc các tuyến đường. Sau mỗi đợt đơn vị công tác giúp dân, tình thân với bà con quanh doanh trại dần hình thành, bền chặt. Có một cô bé đang học lớp tám trường huyện, mà Hùng đặt cho biệt danh Bé Đồng Tiền, vì cô bé hễ nói chuyện là đôi má lún đồng tiền sâu hoắm, ưa gọi Hùng là "anh Cải Trời" vì thấy anh thường cầm rổ đi tìm hái rau cải trời về nấu canh.
Từ thuở nhỏ, Hùng đã quen mùi thơm đặc biệt của cải trời. Bà nội của Hùng thường nấu canh cải trời với cá trê trắng, cá trèn bầu. Hương cải thơm hòa cùng vị ngọt của cá, mùi ngạt ngào lừng lên mũi, mát xuống dạ dày. Có khi trở bữa, bà dùng cải trời làm rau sống gói tép luộc hoặc tép chấy.
Hùng nhớ ông Ba thuốc nam ở quê thường nói cải trời ăn nên thuốc. Ông Ba thuốc nam hằng ngày ra vườn nhổ cỏ cú, cỏ vườn trầu, cây cam thảo, cải trời
mang ra cây cầu ván ở mé sông rửa sạch, phơi nắng, rồi dồn vào bao lớn cột sau xe đạp, chở tới nhà thuốc nam của ông thầy Tám Đậu ở dưới cây số Mười Một, để ông hốt thuốc cho dân nghèo. Người quê thường thơm thảo như vậy, có gì cũng chia sớt nhau. Bởi thế, đi xa, Hùng không chỉ nhớ nhà, còn nhớ người quê mình.
Hùng vào quân ngũ đã mấy tháng, nhưng cái cảm giác thân thương vẫn quanh quẩn vì nơi đây cũng có ông Tư vườn dừa, Bà Sáu vườn sơri, chú Bảy đìa cá
luôn hết mình với chuyện xóm làng. Thân thiện nhất Bé Đồng Tiền, cháu ngoại ông Tư vườn dừa. Bé Đồng Tiền hay theo Hùng đến từng góc vườn, mé rào lom khom hái cải trời cùng anh. Vừa hái rau vừa liến thoắng chuyện ông ngoại của bé cũng thích ăn rau cải trời.
Mỗi khi hái đến rổ đựng đầy ém cải trời, không cơi lên được nữa, cô bé nhanh trí bước đến bên tàu lá chuối bị gió vặt xụ xuống, tước lấy tấm lá to, bó số cải trời dôi ra từ cái rổ mà Hùng đang bưng, bó gọn vào, lấy dây, cũng từ cọng của tàu lá chuối khô tước ra, câu mối cột chặt có vòng máng vào ngón tay để tiện cho Hùng vừa bưng rổ, vừa xách thêm bó cải trời.
Hùng thích cải trời vì loại rau dân dã này có hương vị quê nhà, tình thân gia đình, khiến lòng anh lính trẻ dù sống xa quê, xa cha mẹ ông bà nhưng vẫn thấy tình thân thuộc chan hòa.
***
Ngày giải ngũ, trong khi bạn bè đều bừng bừng khí thế đi xa lập nghiệp, nhất là lên các thành phố lớn, Hùng lại trở về quê. Gia đình anh vốn neo đơn, cha mẹ đều sớm đi xa trong một trận lũ, Hùng sống với ông bà nội từ nhỏ. Giờ ông nội tuổi cao nhiều bệnh, cần người kề cận chăm sóc thuốc thang, đỡ đần chuyện ruộng vườn. Không ít bạn bè tiếc cho Hùng. Anh cũng có lúc chạnh lòng, nhưng lại nghĩ: ai cũng có số phận và trách nhiệm của mình, huống chi Hùng muốn tận hiếu với ông bà và anh cũng yêu cuộc sống làng quê, thậm chí còn nghĩ mình sinh ra là để ở quê. Bằng chứng là anh có xa được hương vị cải trời đâu.
Hùng về quê, tuần hai lần lo chuyện đưa đón ông nội tới lui bệnh viện huyện khám bệnh, lấy thuốc, cẩn thận chia thuốc từng gói nhỏ, lo chuyện ăn uống ngủ nghỉ, uống thuốc đúng giờ của ông. Buông ra thì lo tới năm nay làm đất lúc nào, rồi đi dọc xóm tính chuyện vần công, trồng giống lúa gì, mấy bờ bao trồng hoa màu cây trái gì cho hợp thổ nhưỡng. Chuyện này quấn chuyện kia, cùng đưa thời gian đi như tên bắn. Thoắt cái năm năm đã trôi qua.
Bà con xóm làng thường khen ông bà nội của Hùng có phúc con cháu. Bởi nhờ Hùng tận tụy chăm sóc, mà ông nội không còn bệnh đến mức không thể rời giường. Đồng lúa nhà Hùng đang lúc chín vàng, bông trĩu kép cây lúa ngả về một phía. Phía bờ bao là xoài, ổi, mận
cho thu hoạch mùa nào thức nấy. Anh còn nuôi cá trên ruộng, để đất được nghỉ ngơi. Bây giờ, ông nội hay cùng Hùng rảo quanh thăm đồng, thăm vườn mỗi ngày. Đôi khi bà cũng theo hai ông cháu, cầm rổ hái cải trời nấu canh. Vài ba trẻ nhỏ hàng xóm cũng lom khom hái phụ bà, chúng huyên thuyên nói nói cười cười rộn cả góc vườn:
- Ông nội con nói cải trời rất tốt cho phổi đó bà, là vị thuốc hay- một bé gái thỏ thẻ.
- Hôm qua, con lấy cây vợt mà ba làm cho con, đi xúc tép, ngay luồng tép bơi, nên đầy vợt, cả nhà xúm lại lặt đầu bỏ râu ria chân cẳng sạch sẽ, nấu thành mấy món luôn đó bà- tiếng một cậu bé vang lên.
Bọn trẻ bên bà nội hái phụ cải trời, lời và tiếng nói của chúng khiến Hùng nhớ tuổi thơ của mình, lại chợt nhớ Bé Đồng Tiền vẫn hay liếng thoắng kể chuyện ông bà, chuyện trường lớp những lúc theo Hùng hái rau. Từ ngày giải ngũ đến nay, chưa lần nào anh trở lại nơi đóng quân năm xưa thăm những người dân quê hiền lành. Lúc này đây, nỗi nhớ cũng như hương vị cải trời, cứ quanh quẩn bên Hùng giữa buổi thăm đồng.
***
Hùng thay mặt ông nội dự hội thảo đầu bờ về trồng rau sạch an toàn. Anh cũng đã nghĩ đến hướng phát triển này nhưng chưa có kinh nghiệm, nay gặp dịp nên hăng hái lên đường tham dự. Đến mô hình điểm, ngoài niềm vui được học mô hình trồng trọt mới, còn bất ngờ gặp ông ngoại của Bé Đồng Tiền. Anh mừng khôn tả. Dứt lời ông, tới lời anh, họ thay phiên nối tiếp hỏi về chuyện trong thời gian dài đã qua. Ông Tư vườn dừa nói, Bé Đồng Tiền đã học trung cấp nghề ra trường đi làm bên bảo vệ thực vật. Đất vườn nhà ông rộng, xưa kia còn nhiều chỗ trống, cây trồng lưa thưa, giờ đây Bé Đồng Tiền "bố trí" lại, nên có thêm những hàng cây ăn trái, bé còn khoanh mấy mảnh đất thành vườn rau xanh, có cả những vuông đất trồng cải trời.
Ông Tư vườn dừa nói, đáng lẽ hôm nay Bé Đồng Tiền cũng tới hội thảo này, nhưng bà Tư trở bệnh, bé ở nhà chăm sóc. Hùng nghe mà không ngừng tưởng tượng đến dáng vẻ tháo vát hiếu thuận của Bé Đồng Tiền. Ông Tư nói, thôi sẵn đây một hồi về qua nhà ông tham quan vườn rau của Bé Đồng Tiền. Hùng dạ một cách đinh ninh chắc chắn, ánh mắt nhu hòa ngắm vườn rau xanh nõn giữa nắng sớm.