Hướng về kỷ niệm 42 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2017), tòa soạn giới thiệu bài viết của tác giả Liêu Ngọc Ân, Tạp chí Văn hóa- Lịch sử An Giang, ghi theo lời kể của Đại úy Mai Xuân Điền, nguyên cán bộ Ban An ninh Khu IX, cán bộ Ban An ninh tỉnh Long Châu Hà; Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tịnh Biên. Ông Mai Xuân Điền tham gia cách mạng từ năm 1962; đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1965; được tặng thưởng nhiều Huân chương, Huy chương trong kháng chiến.
Những ngày đầu năm 1974, tình hình chiến sự trên toàn miền Nam diễn biến thuận lợi cho lực lượng của ta, nhiều trận thắng vang dội được báo về. Ở tỉnh Long Châu Hà (*), các cứ điểm của địch đóng tại Vĩnh Gia (huyện Tri Tôn) trở thành mục tiêu của lực lượng ta. Nơi đây, địch tập trung lực lượng thủy quân lục chiến khá mạnh cùng nhiều đơn vị hỗ trợ. Qua nhiều lần bàn tính, lập kế hoạch, quân ta quyết đánh căn cứ Vĩnh Gia.
|
Cứ điểm Vĩnh Gia (Tri Tôn) năm 1969. Ảnh: L.N. (st) |
Trinh sát nghiên cứu quy luật hoạt động của địch, kết hợp với báo cáo của cơ sở thì quân ta có nhiều thuận lợi khi tấn công cứ điểm Vĩnh Gia. Cặp mé lộ là mương có cỏ và tràm, sau mương là đồng ruộng bỏ hoang nên đế, sậy mọc um tùm, nhiều con kinh nhỏ chạy ngang qua ruộng vào sâu trong đồng tràm. Đồn Vĩnh Gia, quân số hơn 100, một Đại úy làm đồn trưởng, một tiểu đội lính Mỹ trực tiếp chỉ huy. Vì là đồn tiếp giáp căn cứ Campuchia, có quân Mỹ, nên được trang bị hỏa lực mạnh, đủ sức phòng thủ tuyến biên giới từ Tịnh Biên tới Giang Thành. Cách hơn trăm mét phía dưới, hướng ra Tịnh Biên, có một trung đội bình định của địch án ngữ bảo vệ, vũ khí tối tân thời bấy giờ, để bảo vệ cho cứ điểm Vĩnh Gia.
Ngang bên kia sông là chợ, nằm dưới con lộ, liền kề khu dân cư, có hơn 100 hộ dân sinh sống bằng nghề nông, lọp lờ câu lưới. Lính bình định ở đây thường dẫn lính đồn đi biệt kích các đường vận chuyển của ta từ Campuchia qua Việt Nam và ngược lại. Nhiều cán bộ chiến sĩ hy sinh, mất nhiều vũ khí. Điều này góp phần làm cho kinh Vĩnh Tế có thêm tên mới: "Kinh Vĩnh Biệt".
Xuất phát từ tình hình thực tế trên toàn bộ tuyến biên giới, mà đồng chí Trần Minh Khẩn (Ba Khẩn), Trưởng Ban An ninh tỉnh Long Châu Hà, hạ quyết tâm trước Thường vụ Tỉnh ủy, chỉ đạo các đơn vị ta nắm chắc tình hình, kết hợp với du kích xã Vĩnh Gia nhanh chóng tiêu diệt lính bình định, đóng dã ngoại phía dưới chân đồn để bảo vệ cho Đoàn 962 vận chuyển an toàn các loại vũ khí về chiến trường ĐBSCL, chuẩn bị bước vào chiến dịch mùa khô 1974- 1975. Qua nhiều lần điều nghiên của trinh sát, tôi (ông Mai Xuân Điền PV) trình bày trước chi bộ phương án tác chiến, có đồng chí Ba Khẩn tham dự, kế hoạch được chấp thuận.
Ngày 15-01-1974, 12 đồng chí của Ban An ninh tỉnh Long Châu Hà, kết hợp với 6 đồng chí du kích xã Vĩnh Gia, lập thành hai phân đội. Phân đội một có đồng chí: Hiền, Vấn, Út Thẹo, Tư Tòng, Tám Trung, cùng với 3 đồng chí du kích xã là Mười Hòa, Út Mót và Hai Chia; do tôi chỉ huy. Đây là phân đội chủ công, nên trang bị mạnh, có một B.40, hai M.79, bốn AK.47, hai Carbine; phân đội có nhiệm vụ sau ba mươi phút nổ súng phải chiếm lĩnh trận địa.
Phân đội hai có đồng chí: Hai Nghĩa, Tùng, Tám Nam, Muôn, Sáu A cùng ba đồng chí du kích xã là Mười Thơm, Hai Hạnh và Tư Hải; do đồng chí Chín Lạc chỉ huy; phân đội được trang bị bốn AK.47, một M.79, hai Carbine, một tự động. Nhiệm vụ của phân đội phải bí mật đưa quân lên đầu lộ, rồi luồn theo nhà dân, để tiếp cận mục tiêu là cụm quân dã ngoại của địch nằm phía ngoài đồn bảo vệ cho đồn khi bị ta tấn công.
Giả sử khi tiếp cận mục tiêu, chưa tới giờ nổ súng mà bị lộ, thì cũng nổ súng áp đảo, tạo điều kiện cho hai phân đội gặp nhau, nhanh chóng vượt qua mương lộ, tránh được đạn pháo chi viện từ căn cứ Mỹ Vĩnh Gia bắn lại.
Bọn bình định ở đây rất chủ quan; khi phân đội tôi vượt qua mương lộ, tiếp cận mục tiêu, trước giờ nổ súng gần 10 phút nằm chờ, tôi lại muốn ho, mà ho là chết cả đội, tôi móc một cục đất sét nhỏ nuốt để kìm nén.
Đến giờ tôi bắn một phát B.40 khai hỏa rồi quân ta đồng loạt nổ súng. Bọn địch hoảng loạn, một số nhào xuống mương lộ, bị du kích xã tiêu diệt, số còn lại bắn trả yếu ớt. Tôi nghe tiếng hô xung phong từ phân đội của đồng chí Chín Lạc, phải chớp lấy thời cơ không cho địch hoàn hồn; các đồng chí du kích áp sát làm chủ trận địa, tiêu diệt những tên bỏ chạy. Đạn pháo chi viện từ căn cứ Vĩnh Gia bắn lại khá mạnh, phân đội tôi có đồng chí Vấn bị thương; ở phân đội hai đồng chí du kích Tư Hải hy sinh lúc bám dưới sàn nước nhà dân dọc theo bờ kinh Vĩnh Gia. Tôi bắn tiếp một phát B.40 vào khẩu trung liên trong lô cốt địch, khẩu trung liên im bặt. Tôi chạy lên đạp phải đuôi một quả thủ pháo, bị đứt chân khá sâu, ngồi lại mở cuộn băng cá nhân ra cột chặt rồi tiếp tục chiến đấu.
Gần nửa giờ chiến đấu, súng địch im bặt. Hai phân đội gặp nhau, hoàn toàn làm chủ trận địa. Khẩu đại liên, cối 81 từ căn cứ Vĩnh Gia địch bắn lại khá mạnh, tôi cho đơn vị rút ra đồng. Trận này ta tiêu diệt tại chỗ tám tên, bắt sống hai tên liên toán trưởng phòng vệ, thu 12 súng, có 2 trung liên, 20 lựu đạn và một thùng đạn M.16 một ngàn viên.
Chúng tôi về họp rút kinh nghiệm trận đánh, được Ban An ninh biểu dương toàn đơn vị. Đến tháng 4-1974, Ban An ninh của chúng tôi được lệnh chuyển xuống địa bàn xã Nam Thái Sơn và thị trấn Tri Tôn. Ở đây có tên Phạm Quốc Bánh, dân thường gọi là Bánh Thẹo, nổi danh xã trưởng ác ôn. Nếu biết gia đình nào có người theo cách mạng là Bánh Thẹo vu khống làm tiền; thấy nhà nghèo có vợ hoặc con gái đẹp thì mua chuộc, nếu không được thì vu khống, cho lính xét bắt, đánh đập.
Địa bàn hoạt động của Bánh Thẹo khá rộng, nhờ có một số gián điệp con thoi làm tai mắt nên khá nhạy bén, cảnh giác. Nhiều cán bộ ta ra hoạt động vùng Đập Đá, Mỹ Lâm, Tân Hội, Sóc Xoài bị biệt kích của Bánh Thẹo bắn chết. Đồng chí Năm Ngải đơn vị tôi cũng hy sinh tại đây, đặc biệt có năm đồng chí đặc công của Trung đoàn 10 thuộc lực lượng chủ lực Tây Nam Bộ, sau khi điều nghiên căn cứ Tri Tôn về, thì bị bọn biệt kích của Bánh Thẹo bắn chết hết. Cán bộ các xã Mỹ Lâm, Tân Hội, Nam Thái Sơn cũng bị Bánh Thẹo gây nhiều thiệt hại. Trước tình hình đó, Ban An ninh tỉnh Long Châu Hà thành lập chuyên án Z20 do đồng chí Ba Khẩn làm Trưởng ban.
Từ kế hoạch và chỉ đạo của Ban An ninh tỉnh, tôi và đồng chí Tư Quyết xây dựng phương án tiêu diệt Bánh Thẹo. Chúng tôi bố trí cơ sở là chị Sáu Thu. Chị sống bằng nghề bán bánh canh, từ chợ Sóc Xoài ra tới chợ Tri Tôn, bán hết, chị đi rảo qua chợ để nắm quy luật hoạt động của Bánh Thẹo. Qua hơn một tháng, tôi và đồng chí Tư Quyết trong vai người mua bán heo hơi, theo một ghe heo của cơ sở, ra chợ Tri Tôn kiểm tra lại địa điểm dự kiến diệt trừ Bánh Thẹo, rồi báo lại Ban và được nhất trí cho hành động. Đồng chí Tư Quyết trực tiếp nổ súng, còn tôi yểm trợ. Trước 7 giờ sáng ngày 13-7-1974, cơ sở đưa anh em tôi ra chợ Tri Tôn, vẫn trong vai người mua bán heo hơi. Tư Quyết và tôi vô quán ngồi kêu ly cà phê. Tên Bánh Thẹo thường ra quán vào buổi sáng, khoảng 8 giờ. Tôi ra hiệu, đồng chí Tư Quyết bước ngang qua, móc súng bắn luôn hai phát vô ngực, hắn ngã sấp. Anh em tôi chạy lại bến đò, khi ngang qua chỗ chị Sáu Thu, đồng chí Quyết bỏ khẩu súng K54 vào nồi bánh canh của chị rồi xuống đò.
Khi đò lui ra khỏi bờ, nhìn qua bên chợ thấy náo động, bọn lính tràn tới phong tỏa bến đò và chặn mọi nẻo đường vô ra chợ. Chúng tôi về đến đơn vị an toàn.
Chiều tối hôm đó, tôi ra nhà chị Sáu Thu nhận lại khẩu súng, nó vẫn còn nằm nguyên trong nồi bánh canh. Tôi lấy khẩu súng kéo bỏ viên đạn trong nòng và đưa cho chị Sáu Thu năm trăm đồng bạc ông cọp để bù lại nồi bánh canh không bán được của chị Sáu. Sau giải phóng tôi có xác nhận thành tích, đề nghị cấp Huân chương Kháng chiến cho chị Sáu Thu. Đồng chí Tư Quyết đã hy sinh hai tháng sau, trong đợt phá kìm ở Nam Thái Sơn.
Giết được tên tay sai độc ác, quần chúng ở chợ Tri Tôn rất phấn khởi, còn bọn ác ôn thì hoang mang lo sợ. Sau đó, đơn vị chúng tôi được lệnh phối hợp với Tiểu đoàn 8 thuộc lực lượng vũ trang khu Tây Nam Bộ tiếp tục bước vào chiến dịch mùa xuân năm 1975.
(*) Đầu năm 1974, chính quyền cách mạng thành lập tỉnh Long Châu Hà, bao gồm thị xã Long Xuyên, thị xã Châu Đốc và 8 huyện: Châu Thành X, Châu Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên, Huệ Đức (nay là Thoại Sơn), Châu Thành A, Hà Tiên và Phú Quốc.
LIÊU NGỌC ÂN