02/12/2019 - 09:01

Hướng đi nào để ngành đường phát triển? 

Khi hạn ngạch nhập khẩu đường theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) bị xóa bỏ, tức đường nhập khẩu (chủ yếu từ Thái Lan) sẽ tự do vào Việt Nam, thì việc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành đường trong nước đã được nhắc đến. Nhưng, đây liệu có phải là đường đi lâu dài cho ngành đường Việt Nam?

Ngành đường gặp khó?

Những yếu kém của ngành mía đường Việt Nam đã được nhắc đến cả chục năm nay và nó càng được "tô đậm" khi thời điểm xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu theo ATIGA chính thức được áp dụng từ ngày 1-1-2020.

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội hôm 6-11, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nhấn mạnh, dù Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu sản xuất 1 triệu tấn đường (hiện nay năng lực sản xuất đạt khoảng 1,2-1,3 triệu tấn/năm), nhưng câu chuyện của ngành này lại đang rất khó khăn, cả về sản xuất, chế biến lẫn tiêu thụ.

"Chẳng hạn, đối với các nhà máy chế biến vì giá thành quá cao so với khu vực và thế giới nên sản phẩm không bán được dẫn đến cả chuỗi ngành đường từ người nông dân, nhà máy cho đến khâu phân phối đều gặp khó khăn" - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT dẫn chứng.

Ông Trần Ngọc Hiếu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (CASUCO) cho rằng, gian lận thương mại, đường lậu từ Thái Lan đã có tác động rất lớn và gây tổn hại nặng nề cho ngành mía đường Việt Nam trong thời gian dài. "Đặc biệt, hai năm qua, gian lận thương mại, buôn lậu quy mô lớn đã khiến hơn 30% các nhà máy đường Việt Nam phải đóng cửa. Nhiều cánh đồng mía rơi vào tình cảnh bỏ hoang hoặc phải chuyển đổi sản xuất do người nông dân thua lỗ" - ông Hiếu cho biết.

Phòng vệ thương mại: được phép, nhưng…

Đi đôi với những tồn tại của ngành mía đường trong nước, hạn ngạch nhập khẩu sẽ chính thức được xóa bỏ từ ngày 1-1-2020. Khi đó, đường nhập khẩu trong khối ASEAN, mà chủ yếu từ Thái Lan sẽ "tự do" xuất khẩu vào Việt Nam. Điều này cũng là lý do khiến biện pháp phòng vệ thương mại được nhắc đến. Một chuyên gia về hội nhập cho rằng, việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm mục đích để bảo vệ người tiêu dùng như: bắt buộc đường nhập khẩu vào phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hay bao bì nhãn mác phải đáp ứng được các quy định của Việt Nam là được phép. Nhưng, nếu mình đặt ra những quy định, tiêu chuẩn cao nhằm mục đích để chặn đường Thái Lan là không được phép, những biện pháp kỹ thuật đưa ra phải chính đáng. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật phải thực hiện đồng thời cả hàng nhập khẩu và hàng trong nước. Đó là những yêu cầu chung, phải đáp ứng, chứ nếu không, nhà xuất khẩu có thể kiện vì cho rằng Việt Nam đã áp dụng các biện pháp gây cản trở cho thương mại, tức vi phạm quy định. Biện pháp này như "con dao hai lưỡi", nghĩa là có thể nếu chặn được đường nhập khẩu, nhưng cũng ảnh hưởng hàng trong nước vì phải tuân thủ các quy định đặt ra.

Tuy nhiên, vẫn có một số nguyên tắc chỉ áp dụng đối với hàng nhập khẩu như bắt buộc phải "ghi rõ" nguồn gốc là từ Thái Lan chẳng hạn. Hay trường hợp ở Thái Lan đang có dịch bệnh xảy trên cây mía, có thể gây hại cho con người, nhưng chỉ có riêng ở Thái Lan, thì được đưa ra những quy định áp dụng với đường Thái Lan... Đường nhập khẩu phải qua kiểm tra tại hải quan nên khi có những nguy cơ như nêu trên, phía Việt Nam có quyền tăng tầng suất kiểm tra lên 70-80% hoặc thậm chí 100% lô hàng nhập khẩu.

Còn việc áp dụng các biện pháp thuế chống bán phá giá hay chống trợ cấp, thì việc này đòi hỏi phải qua một quy trình điều tra rất phức tạp, khó khăn và đòi hỏi phải có tỷ lệ phần trăm doanh nghiệp trong nước ủng hộ đủ theo quy định mới có thể tiến hành.

Rõ ràng, Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng cơ chế về phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước, nhưng việc thực hiện biện pháp này cũng không hề đơn giản, thậm chí có thể bị khởi kiện nếu biện pháp đưa ra không chính đáng.

Việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cho ngành đường là được phép, nhưng vẫn không thể giải quyết được những yếu kém vốn có. Trong ảnh: Nông dân thu hoạch mía.

Cải tổ ngay hay chấp nhận xóa bỏ?

Trước tình hình khó khăn của ngành đường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, cần tập trung rà soát lại tất cả các khâu. Riêng khâu giống, mục tiêu là đưa ra hệ thống giống 3 cấp, qua đó, cố gắng trong năm 2-3 năm phải phủ kín diện tích để năng suất cây mía tăng lên 80, thậm chí 100 tấn/ha, thay vì 66 tấn/ha như hiện nay. Phải đưa cơ giới hóa vào áp dụng ở những nơi địa hình cho phép.

Đối với chế biến, phải cơ cấu lại nhà máy đường vì chỉ những nhà máy có công suất từ 3.000 tấn/ngày trở lên mới có khả năng cạnh tranh. "Vì vậy, bản thân ngành mía đường cũng phải kiện toàn lại để đảm bảo có đủ nhà máy có công suất lớn bằng cách hợp nhất, liên kết" -  Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu chuỗi giá trị ngành mía đường phải được kéo dài hơn. Bởi, cả nước hiện có 4 triệu tấn bã mía, 700.000 tấn rỉ đường và 500.000 tấn bùn xỉ. Nếu những nhóm sản phẩm phụ này được sử dụng hiệu quả sẽ trở thành sản phẩm có giá trị rất cao. Ông còn dẫn chứng với riêng 4 triệu tấn bã mía, nếu áp dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất nấm sẽ cho ra một chuỗi giá trị rất dài với giá trị gia tăng cực kỳ lớn. Ngành nông nghiệp sẵn sàng đầu tư, cử nguồn nhân lực hợp tác với Nhật Bản - nơi có quy trình sản xuất nấm này rất tốt để khai thác nguồn tài nguyên này.

Trong khi đó, dù nhấn mạnh Việt Nam có thể sử dụng các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ ngành đường, nhưng Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, biện pháp tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành phải đảm bảo.

Tuy nhiên, có một điều đáng nói là, trong cả chục năm qua những giải pháp về cải thiện cây giống, đưa cơ giới hóa vào sản xuất hay tái cấu trúc nhà máy đã được nêu ra rất nhiều lần tại các hội nghị, hội thảo, diễn đàn… nhưng những yếu kém của ngành vẫn không hề được giải quyết. Vấn đề do đâu? Có phải nói nhưng không làm? Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng, nếu ngành đường yếu kém, thì nên ngưng sản xuất chuyển sang nhập khẩu. Dĩ nhiên, nó cũng ảnh hưởng đến một bộ phận người nông dân trồng mía. Nhưng, về lợi ích chung của xã hội, nếu ngành nào yếu kém, thì nên nhập khẩu và tập trung vào những ngành có thế mạnh. Trong phát triển kinh tế, nhất là khi Việt Nam đã mở cửa, thì nên chấp nhận "cuộc chơi" loại bỏ yếu kém, tập trung vào cái có lợi thế cạnh tranh.

Bài, ảnh: T. C

Chia sẻ bài viết