27/10/2011 - 08:13

Xuất khẩu Việt Nam

Hướng đến tăng trưởng bền vững

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu của nước ta có thể tăng gấp 3 lần hiện nay. Trong bối cảnh toàn cầu mới, tăng trưởng dựa vào đầu tư xuất khẩu vẫn là mô hình phù hợp với Việt Nam. Song, để đạt được kết quả khả quan này, Việt Nam phải từng bước cải thiện toàn diện hệ thống tạo thuận lợi thương mại, xây dựng chiến lược cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu…

Năng lực cạnh tranh còn hạn chế

Xuất khẩu cá tra là một trong những thế mạnh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: M. HUYỀN 

Theo báo cáo nghiên cứu của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB), hiện nay, 60% giá trị xuất khẩu của Việt Nam tập trung vào các thị trường Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU), Nhật Bản, Úc,... Những sản phẩm xuất khẩu chính được xem là thế mạnh của Việt Nam bao gồm mặt hàng dệt may, thủy sản, dầu thô, than, điện tử và linh kiện, gỗ và sản phẩm gỗ, lúa gạo, cao su, cà phê,... Xét về hiện trạng xuất khẩu của Việt Nam, các chuyên gia cho rằng vấn đề liên kết giữa đầu vào và đầu ra trong nước còn yếu. Trong chuỗi cung ứng hàng hóa, hạ tầng-dịch vụ giao thông, dịch vụ hậu cần và quản lý xuất nhập khẩu là 3 trụ cột chính. Tuy nhiên, theo ông Phạm Minh Đức, chuyên gia của WB tại Việt Nam, các loại hình vận tải trong nước đầu tư chưa đồng bộ và tụt hậu so với thế giới đã làm giảm năng lực vận chuyển, ảnh hưởng nặng nề đến tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu. Dịch vụ hậu cần vẫn còn trong giai đoạn sơ khai, chưa đa dạng. Doanh nghiệp hậu cần thiếu trang thiết bị và phương thức hoạt động hiện đại. Dịch vụ kho bãi chỉ giới hạn ở mức cung cấp dịch vụ lưu kho đơn giản. Hạ tầng giao thông mặc dù được tăng cường đầu tư nhưng vẫn chưa đồng bộ, chưa đảm đương tốt vai trò kết nối giữa các địa phương, vùng kinh tế trong nước cũng như trong khu vực.

Theo đánh giá của WB, về lâu dài, những sản phẩm xuất khẩu có khối lượng lớn của Việt Nam như than và dầu thô sẽ mất dần ưu thế. Riêng sản phẩm nông sản sẽ có nhiều cơ hội đến với thị trường thế giới và trong khu vực. Ông Nguyễn Duy Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bảo vệ Thực vật An Giang, cho rằng: “Xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện đứng thứ 2 thế giới nhưng việc sử dụng nhiều loại giống khác nhau; qui mô canh tác nhỏ, lẻ; phương thức thu mua và chế biến phải qua nhiều cấp... là những nguyên nhân chính khiến chất lượng gạo nguyên liệu Việt Nam không ổn định, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam luôn trong trạng thái bấp bênh”. Ngoài ra, một số sản phẩm xuất khẩu khác như cà phê, trái cây, thủy sản của Việt Nam vẫn chưa phát huy hết thế mạnh của mình. Vì vậy, vấn đề tạo ra những sản phẩm chất lượng, có giá trị gia tăng cao, đáp ứng yêu cầu khắt khe của những thị trường khó tính, từng bước xây dựng thương hiệu cho nông sản là những nhiệm vụ mà DN xuất khẩu của Việt Nam phải nỗ lực thực hiện.

Xây dựng chiến lược tạo vị thế mới

Theo ông Hoàng Tích Phúc, Nguyên Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu Bộ Công thương, thị trường xuất khẩu gạo chủ lực của Việt Nam là Philippines, Indonesia... song nguy cơ mất thị trường này hoàn toàn có thể xảy ra một khi các nước này chủ động được nguồn nguyên liệu gạo phục vụ trong nước. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới có xu hướng giảm dần lượng gạo trong cơ cấu bữa ăn hàng ngày. Vì vậy, mặt hàng gạo xuất khẩu của Việt Nam phải được tập trung nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, chủ động nguồn nguyên liệu gạo bằng chiến lược dự trữ hợp lý, đảm bảo những đơn đặt hàng lớn có khối lượng lớn và giá trị xuất khẩu cao. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có cơ chế hỗ trợ, bảo lãnh cho các hợp đồng đấu thầu quốc tế ở các thị trường cao cấp; có chiến lược tham gia đấu thầu các hợp đồng quốc tế cung ứng cho các thị trường Tây Phi, Bắc Phi, Nhật Bản, Hàn Quốc... Ngoài thế mạnh về gạo, Đồng bằng sông Cửu Long còn có ưu thế về xuất khẩu thủy sản. Theo ông Trần Văn Phẩm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng, mặt hàng thủy sản của Việt Nam cần tập trung theo hướng tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Song, để làm được điều này, DN thủy sản phải thỏa mãn các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, công nghệ nuôi, quản lý nguồn giống, chất lượng nguyên liệu, đầu tư trang thiết bị chế biến hiện đại, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo ước tính của các chuyên gia WB, khi hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang các nước ngoài khu vực thì khâu trung chuyển làm tăng chi phí vận chuyển thêm đến 28%. Chưa kể, việc kéo dài thời gian vận chuyển có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa và uy tín của DN. Ông Phạm Minh Đức, chuyên gia của WB tại Việt Nam cho rằng cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa các dịch vụ hậu cần, tăng cường công tác quản lý mậu biên,... từng bước tạo thuận lợi thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Để tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại của Việt Nam, WB, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã hỗ trợ Việt Nam trong việc lập các dự án hạ tầng cơ sở và xây dựng các quy định mới. Ngoài ra, ở lĩnh vực hậu cần, hạ tầng giao thông, Việt Nam có một số dự án mới hoàn thành và đang triển khai sẽ có tác động tích cực cho hoạt động thương mại trong tương lai, đặc biệt là dự án cảng, đường bộ.

Hiện nay, cùng với cuộc khủng hoảng toàn cầu, xu hướng bảo hộ mậu dịch đã trở lại, nâng mức rào cản đối với thương mại tự do. Bà Lâm Thị Quỳnh Anh, Trưởng phòng Hợp tác Song phương, Văn phòng Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Quốc tế, cho rằng: “Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới thông qua việc ký kết các hiệp định thương mại, tăng cường hợp tác đầu tư... Vấn đề thuận lợi hóa thương mại càng trở nên nóng bỏng, cấp thiết. Quá trình hội nhập sẽ không đạt được hiệu quả nếu chúng ta không tiến hành cải cách toàn diện về mặt thể chế cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong chính sách thương mại của Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Chính phủ đề ra 2 mục tiêu lớn là nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế và gia tăng xuất khẩu, hạn chế tối đa nhập siêu. Song song đó, mối liên kết giữa các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp cũng phải được phát huy cao độ. Bên cạnh những chính sách vĩ mô, cần có những chính sách vi mô để phù hợp với tình hình của từng địa phương và thích ứng với từng hoàn cảnh cụ thể”.

Như vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại cho xuất khẩu của Việt Nam, trước hết, Nhà nước cần có những đòn bẩy chính sách cho 3 trụ cột chính trong chuỗi cung ứng: hạ tầng và dịch vụ giao thông, dịch vụ hậu cần, quản lý xuất nhập khẩu qua biên giới. Song song đó, mô hình tăng trưởng phụ thuộc vào đầu tư xuất khẩu vẫn là mô hình phù hợp nhất hiện nay, vì vậy, Việt Nam cần sớm đưa ra các loại hình hoạt động hậu thuẫn đắc lực cho mô hình tăng trưởng này. Cụ thể như: tăng cường hạ tầng và tạo điều kiện thương mại; mở cửa thị trường vốn một cách thận trọng, giúp huy động vốn cho các hoạt động thương mại và đầu tư; đồng thời đề ra các chính sách xã hội giải quyết những vấn đề chung của tăng trưởng... Có như vậy, tăng trưởng thương mại Việt Nam mới bền vững và xuất khẩu thực sự trở thành nam châm thu hút FDI đóng góp cho sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.

MINH HUYỀN - MỸ THANH

Chia sẻ bài viết