03/08/2010 - 21:20

DẠY NGHỀ VÀ TẠO VIỆC LÀM CHO PHỤ NỮ

Hướng đến sự tiến bộ và bình đẳng...

Dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhất là lao động nữ ở các địa phương là vấn đề luôn được các ngành, các cấp chính quyền đoàn thể địa phương quan tâm, góp phần tích cực trong giải quyết việc làm, từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo ở các quận, huyện. Thời gian qua, được sự hỗ trợ của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Cần Thơ, thông qua các Đề án Đào tạo nghề, rất nhiều phụ nữ được học nghề, có việc làm, có thêm thu nhập gia đình, từng bước giúp chị em hiểu được rằng việc làm sẽ nâng cao vai trò, vị trí của chị em trong gia đình và xã hội…

Được học nghề, có việc làm là mong muốn của nhiều phụ nữ ngoại thành.
Lớp dạy nghề kỹ thuật uốn tóc cho phụ nữ phường Long Hưng, quận Ô Môn (ảnh trên).
Lớp dạy nghề kết cườm cho phụ nữ phường Trà An, quận Bình Thủy (ảnh dưới).

Học nghề, thêm thu nhập

Lễ bế giảng và cấp bằng nghề cho 30 học viên nữ lớp dạy nghề đan thảm vải miễn phí ở phường Trường Lạc, quận Ô Môn, rất vui vẻ. Cầm tấm bằng nghề, các học viên đều cảm động và phấn khởi, vì từ nay mình có được nghề trong tay và cơ hội có thêm thu nhập ngoài thời gian làm ruộng vườn hay làm thuê mướn. Bà Nguyễn Thị Thê, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Trường Lạc, cho biết: “Đa số chị em tham gia học nghề đều lớn tuổi và việc làm không thường xuyên. Chi tiêu hàng ngày chỉ chăm bẵm vào tiền làm mướn hay đồng lời ít ỏi của nghề buôn bán nhỏ. Chị em rất siêng học nghề, không bỏ buổi học nào. Ai cũng muốn có thêm thu nhập từ nghề này”. Chỉ sau 1 tuần đầu, nhiều chị em đã có sản phẩm chào hàng và bán được ngay. Trừ chi phí, mỗi sản phẩm chị em lời khoảng 15.000 đồng. Hội Phụ nữ phường đã giúp chị em tìm đầu mối tiêu thụ sản phẩm làm ra. Trước đây, phường đã tổ chức các lớp dạy nghề may gia dụng, đan ghế nhựa, đan thảm vải... cho gần 90 chị em. Hiện nay, dù thu nhập chưa nhiều nhưng nhiều chị em vẫn còn theo nghề.

Khoe với chúng tôi một số sản phẩm móc khóa kết từ hạt cườm đủ hình dáng, màu sắc của chị em lớp học nghề kết cườm, bà Huỳnh Thị Hải Yến, Phó Chủ tịch UBND phường Trà An, quận Bình Thủy, phấn khởi cho biết: “Trước khi đăng ký lớp học này, chúng tôi đã khảo sát nhu cầu học nghề của chị em. Đa số học viên làm nội trợ, số khác vừa tốt nghiệp THPT nên có thời gian theo học nghề xuyên suốt”. Học nghề xong, các chị còn hướng dẫn lại cho một số chị em khác trong xóm. Phường đang chuẩn bị thành lập câu lạc bộ kết cườm, bầu ra ban chủ nhiệm chủ động liên hệ với các gian hàng ở chợ, khu du lịch để có nơi đặt hàng tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm cho chị em. Phường đã đăng ký cho 30 chị em học nghề nấu ăn để nâng cao tay nghề, có thể nhận nấu đám tiệc và vào làm việc tại các nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống. Theo Phó Chủ tịch phường Trà An, sắp tới, phường sẽ đăng ký mở các lớp dạy nghề nâng cao, giúp chị em có tay nghề vững vàng, dễ tìm việc làm hơn.

Còn nhớ, hôm Trung tâm Dạy nghề Phụ nữ TP Cần Thơ tổ chức bế giảng lớp dạy nghề chằm nón cho 30 lao động nữ xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, chị em xúm xít, khoe với nhau chứng chỉ nghề mới nhận. Chị Nguyễn Thị Cẩm Nương, học viên khuyết tật ở ấp Thới Bình A3, cho biết: “Tôi thấy nghề này phù hợp với mình vì tôi bị khuyết tật từ nhỏ, việc đi lại rất khó khăn. Tôi nhận nguyên liệu ở nhà cô giáo rồi đem về nhà làm. Mỗi ngày, tôi chằm 1 cái nón, bán được 18.000 đồng. Trừ chi phí tôi còn lãi 8.000 đồng”. Cùng với thu nhập từ nghề làm móng tay dạo, Nương đã phụ tiếp cha mẹ việc chi tiêu hàng ngày nên cảm thấy rất vui.

Trường Trung cấp nghề Thới Lai cũng vừa bế giảng lớp dạy nghề uốn tóc, trang điểm ở xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, với kết quả thi cuối khóa khá khả quan: 4 học viên xuất sắc và 22 học viên giỏi trong tổng số 30 học viên theo học nghề. Từ đầu năm đến nay, trong tổng số 10 lớp dạy nghề được triển khai, có 3 lớp dạy nghề cho 90 phụ nữ các xã.

Được sự hỗ trợ của Quỹ Châu Á, đầu tháng 7-2010, Trung tâm dạy nghề Phụ nữ TP Cần Thơ kết hợp Trường Trung cấp Du lịch Cần Thơ kết thúc khóa dạy nghề nấu ăn, cấp chứng chỉ nghề cho 18 học viên nữ. Sau 5 tháng học nghề, hầu hết các học viên đều có việc làm ở các nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ăn uống trong thành phố, với mức thu nhập từ 1-1,5 triệu đồng/tháng.

Thay đổi nhận thức, nâng cao vị thế

Theo Phòng Quản lý – ĐTN, Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, từ năm 2006 đến tháng 6-2010, toàn thành phố có khoảng 17.280 lao động tham gia trên 590 lớp dạy nghề sơ cấp. Riêng năm 2010, thành phố tổ chức khoảng 120 lớp dạy nghề cho 3.600 lao động, trong đó trên 2/3 học viên là phụ nữ theo học các nghề phù hợp, như: May gia dụng, uốn tóc, trang điểm, chằm nón, đan đát, đan thảm vải, kết cườm... Thời gian đào tạo từ 2 đến 4 tháng tùy ngành nghề, theo hình thức lưu động tại các xã, phường, thị trấn, tạo điều kiện thuận lợi cho chị em tham gia học nghề, tăng cường kỹ năng thực hành. Thời gian qua, ngành LĐ-TB&XH kết hợp với Hội Phụ nữ các xã, phường, thị trấn triển khai khảo sát, điều tra nhu cầu học nghề, việc làm của lao động nữ để đăng ký ngành nghề phù hợp và tạo điều kiện việc làm tại chỗ hay vào các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh.

Theo nhận định của ngành chức năng, có thể nói, các Đề án Đào tạo nghề của thành phố thời gian qua đã tạo điều kiện giúp các địa phương giải quyết cơ bản về việc làm, thu nhập cho người lao động, trong đó tỷ lệ lao động nữ khá đông. Tham gia các lớp học nghề, ngoài việc được trang bị tay nghề, việc làm, thêm thu nhập, chị em còn được tiếp cận các kiến thức về các vấn đề xã hội, gia đình và qua đó, khẳng định vị trí của mình trong gia đình. Bà Nguyễn Thị Trường Hận, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, cho biết: “Trong thời gian học nghề, chị em đã cùng trao đổi kinh nghiệm về sản xuất, phát triển kinh tế gia đình và nuôi dạy con cái. Chị em mong muốn được giúp đỡ học thêm các nghề phù hợp với trình độ, hoàn cảnh gia đình”.

Thuận lợi trong việc tạo điều kiện học nghề miễn phí, nhưng quá trình triển khai các lớp nghề vẫn còn những hạn chế nhất định, phần nào làm giảm hiệu quả công tác đào tạo nghề. Đó là vấn đề giải quyết việc làm sau học nghề cho chị em và thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của việc trang bị tay nghề, việc làm miễn phí, sẽ giúp chị em yêu thích học nghề và có việc làm. Bà Nguyễn Thị Thê, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Trường Lạc, bộc bạch: “Tham gia học nghề chị em tiến bộ hơn về suy nghĩ, tác phong làm việc, hạn chế tình trạng bạo lực gia đình và thực hiện bình đẳng giới thông qua việc làm, thu nhập...”. Theo các cấp Hội Phụ nữ, khó khăn nhất lâu nay chưa khắc phục được là việc tìm đầu mối ổn định để tiêu thụ sản phẩm, giá gia công còn thấp so với công sức lao động và chi tiêu hàng ngày. Hiện nay, chị em vẫn tiếp tục hình thức tự sản tự tiêu với số lượng nhỏ lẻ, đầu ra khá bấp bênh, không ổn định khiến người lao động chưa an tâm học nghề, theo nghề lâu dài”. Bên cạnh đó, một bộ phận phụ nữ chưa thật sự tự giác đến với nghề, thụ động trong thái độ, tác phong học nghề, tìm việc; thiếu nhiệt tình, quyết tâm và vượt khó để học nghề; suy nghĩ cái lợi hiện tại, không quan tâm nghề nghiệp, việc làm, đời sống và thu nhập ra sao trong bối cảnh thành phố phát triển không ngừng thì chất lượng nguồn lao động cung ứng phải khác hơn.

Theo Hội Phụ nữ TP Cần Thơ, sau khi chị em học nghề, Hội Phụ nữ cơ sở có trách nhiệm tạo điều kiện cho chị em vay vốn lãi suất ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội để phát triển ngành nghề, tạo việc làm tại chỗ, thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn. Ngoài ra, Hội khuyến khích chị em thành lập các chi hội nghề nghiệp, giúp nhau tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao tay nghề, tìm giải pháp tiêu thụ sản phẩm...

Việc Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt và ban hành Quyết định dạy nghề cho phụ nữ nông thôn giai đoạn 2011-2015 và nhất là việc triển khai thực hiện Đề án Dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 với quy mô lớn nhất từ trước đến nay là tiền đề giúp thành phố chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho phụ nữ. Đây cũng là thách thức lớn trong việc giúp chị em định hướng học nghề, việc làm lâu dài, từng bước khẳng định vai trò, vị trí người phụ nữ trong thời kỳ mới tiến bộ và bình đẳng.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

 

Chia sẻ bài viết