Trồng cây gì là vấn đề nan giải, bởi lẽ còn tùy thuộc vào biến động giá cả và thị trường tiêu thụ. Vì thế, “điệp khúc trồng rồi chặt” luôn diễn ra hằng năm tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Vài năm trở lại đây, qua áp dụng tiêu chuẩn GAP (thực hành nông nghiệp tốt) các nhà vườn và sản xuất lúa trong khu vực đã phần nào hạn chế được thực trạng trên và đang hướng đến sản xuất bền vững
LÚNG TÚNG CHỌN CÂY TRỒNG “CHẠY” THEO THỊ TRƯỜNG
Anh Phan Thanh Bình ở ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, tỏ ra ngao ngán vì xoài tứ quý tại huyện Chợ Lách bán lẻ với giá 6.000 đồng/kg nhưng rất ít người mua. “Nếu thương lái thu mua tại vườn, giá còn thấp hơn nhiều. Mấy năm qua, mọi khoản chi tiêu trong gia đình tôi đều trông cậy từ vườn xoài. Năm nay, trúng mùa nhưng rớt giá coi như phải chờ mùa sau!”, anh buồn bã bộc bạch. Huyện Cái Bè (Tiền Giang) và huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) cũng là nơi chuyên trồng xoài ở khu vực ĐBSCL, mỗi năm cung ứng cho thị trường các nơi trên 40.000 tấn trái. Năm nay giá rớt thấp, nhiều nhà vườn ở đây đang có ý định thay đổi cây trồng truyền thống này.
Dự án khôi phục cây cam mật Phong Điền do Trung tâm Khuyến nông TP Cần Thơ làm chủ đầu tư đến nay vẫn “án binh bất động!”. Ông Trần Hoàng Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Phong Điền, cho biết: Nguyên nhân do nhà vườn muốn khôi phục phải chọn cây đầu dòng tốt, đòi hỏi tốn kém nhiều thời gian và vốn liếng. Trong khi diện tích cam mật bị thu hẹp dần, hầu hết nhà vườn các xã trong huyện quyết định đốn bỏ các cây cam lão lưu niên và bị bệnh vàng lá gân xanh (greening). Thay vào đó, hiện phong trào trồng dâu bòn bon, dâu Hạ Châu và dâu xanh đang phát triển diện tích gấp ba lần so với 2 năm trước, lên đến 167 ha.
|
Sản xuất cây giống bán ra thị trường ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Anh Khoa |
Ông Phan Văn Mạnh ở xã Hòa Lộc, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, đến Trại cây giống Duy Hiền xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách mua cây giống về trồng. Ông nói: “Tại huyện Mỏ Cày, quê tôi, cũng có bán rất nhiều cây giống nhưng là xoài ruột trắng, bán không có giá bằng xoài tứ quý ruột vàng của Chợ Lách. Đối với nhà vườn miền Tây, ngoài việc chọn cây ăn trái phù hợp vùng thổ nhưỡng, vấn đề giống cây trồng cũng không kém phần quan trọng để nâng cao chất lượng sản phẩm”.
Không chỉ có ông Mạnh, tại trại giống còn có khá đông khách hàng các huyện lân cận như Tam Bình (Vĩnh Long), Châu Thành (Hậu Giang), Phong Điền (TP Cần Thơ)... đến mua các cây giống vú sữa bách thảo, vú sữa bơ, vú sữa lò rèn... để về gây giống tại vườn nhà với hy vọng sẽ gặt hái khả quan cho những mùa sau...
XU THẾ SẢN XUẤT BỀN VỮNG
Để giúp người nông dân định hình trồng cây gì trên đất của mình sao cho có lợi nhất, ngành nông nghiệp ở nhiều địa phương những năm qua đã bền bỉ vận động nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất theo hướng bền vững. Thạc sĩ Nguyễn Văn Tài, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, thông tin: Từ năm 2008 đến nay, Ban điều hành Dự án cây ăn trái của huyện đã phối hợp với UBND các xã vùng dự án tổ chức cho các nhà vườn lên liếp và cải tạo hơn 100ha vườn tạp, xây dựng mô hình trồng xoài áp dụng tiêu chuẩn GAP ở ấp Mỹ Hưng Hòa, xã Mỹ Xương và thực hiện mô hình vườn xoài thâm canh từ nguồn vốn của Chương trình Khuyến nông Quốc gia. Ngoài ra, Ban điều hành dự án còn kết hợp với Trường Đại học Cần Thơ thực hiện mô hình xử lý xoài ra hoa rải vụ theo hướng an toàn và đã hỗ trợ 32.000 bao trái cho các hộ thực hiện mô hình. Đây là những tiền đề thuận lợi giúp nhà vườn nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thương trường.
Kỹ sư Trần Ly Khang, cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh cho biết: “Đề tài Xây dựng và nhân rộng mô hình chuyên canh dừa sáp tại huyện Cầu Kè được đầu tư 688 triệu đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ hơn 433 triệu đồng, phần còn lại do nhà vườn đối ứng vốn sản xuất. Đề tài do ông Ngô Thanh Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện, làm chủ dự án đã và đang được triển khai từ trung tuần tháng 9-2007 đến nay. Theo đó, 39 hộ thực hiện 20,9 ha tuyển chọn 220 cây dừa sáp bố mẹ, ươm giống 6.700 trái trên địa bàn xã Hòa Tân. Hiện tại, cây đang phát triển tốt. Năm 2009, huyện Cầu Kè tiếp tục nhân rộng mô hình trồng 6.720 cây dừa sáp giống trên diện tích 42 ha”.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, hiện nay toàn thành phố có hơn 7.000 ha cây ăn trái có múi (chủ yếu là cam, chanh, bưởi...). Đến nay, Chi cục chưa triển khai áp dụng GAP với đối tượng cây trồng này. Nhưng trong khoảng 5 năm qua, Chi cục đã triển khai tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn nông dân áp dụng IPM (trong đó có hướng dẫn quy trình GAP) trên cây ăn trái có múi tại huyện Phong Điền và các quận Bình Thủy, Ô Môn. Cách nay hơn 1 năm, Chi cục còn tiến hành chọn ra 20 hộ trồng cây ăn trái có múi ở huyện Phong Điền để phát sổ cho nông dân ghi chép lại kỹ thuật canh tác, chi phí đầu tư, giá trị nông sản từng vụ... để sau này làm cơ sở tham gia ứng dụng GAP. Chi cục dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng phát sổ ghi chép thêm cho nhiều hộ ở huyện Phong Điền cũng như một số địa phương khác trong thời gian tới.
Ngoài ra, từ vụ đông xuân 2008-2009 đến nay, Chi cục Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ còn triển khai tập huấn được 8 lớp (mỗi lớp có 25-30 hộ tham gia) cho nông dân các huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và quận Thốt Nốt về quy trình GAP trên lúa. Bà Nguyễn Thị Kiều, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, cho biết: “Hướng tới, Chi cục tiếp tục tập huấn cho nông dân quy trình GAP trên lúa, chủ yếu là phát sổ ghi chép và hướng dẫn kỹ thuật. Sản xuất theo GAP đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo vệ sinh môi trường và sức khỏe cộng đồng, tăng chất lượng nông sản và sức cạnh tranh. Còn năng suất từ bằng đến cao hơn sản xuất theo tập quán cũ...”.
VẪN CÒN KHÔNG ÍT KHÓ KHĂN...
Cách đây chưa đầy 3 tháng, 14 hộ nông dân ở 2 xã Mỹ Thành Nam và Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) trồng 12 ha lúa được chứng nhận sản xuất theo quy trình Global GAP (gọi tắt là lúa GAP). Nông dân tham gia thực hiện làm lúa GAP phải thay đổi nhiều tập quán từ thói quen sinh hoạt tới công việc liên quan tới sản xuất ngoài đồng. Chẳng hạn: trong nhà phải có tủ thuốc gia đình, nhà vệ sinh tự hoại, hầm biogas, sân phơi có lưới che xung quanh; kho chứa thuốc BTVT, dụng cụ bình phun xịt thuốc sâu, kho chứa lúa; nơi pha chế thuốc và dành riêng hẳn một nơi để xử lý rác thải, bao bì thuốc BVTV. Đồng thời, tất cả việc làm hằng ngày có liên quan tới trồng lúa nông dân phải ghi chép đầy đủ. Có nghĩa là nhà nông bắt tay vào cách làm mới có trình tự khoa học và đạt chuẩn an toàn vệ sinh nhất từ ngoài đồng cho tới trong nhà.
Lúa GAP thành công, phía doanh nghiệp (DN), Công ty TNHH ADC, vừa là đơn vị bảo trợ thực hiện chương trình, đồng thời đảm nhận bao tiêu với giá thu mua cao hơn thị trường 20%. Trong vụ đông xuân vừa rồi, 14 hộ nông dân làm với hai giống lúa thơm nhẹ OM 3536 và VND 95-20, bán được 90 tấn lúa GAP. Sau khi trừ chi phí, tính ra có lời khoảng 36 triệu đồng/ha, cao hơn 12 triệu đồng/ha nếu làm theo tập quán cũ.
Thấy có lời khá, hàng trăm hộ nông dân đăng ký vào làm lúa GAP. Làm lúa GAP đòi hỏi điều kiện diện tích phải liền khoảnh, trong vòng 12 tháng không tăng quá 10% và mỗi năm phải được xác nhận lại thì mới có thể mở rộng diện tích. Vì thế, vụ hè thu này chỉ có thể tăng thêm 1 hộ và phải chờ đến vụ đông xuân 2009 - 2010 mới có thể tăng lên 105 ha cho 122 hộ.
Tuy nhiên, gần 3 tháng qua, 90 tấn lúa GAP qua xay xát vẫn nằm yên trong kho. Dù rằng, lúa ngoài đồng đã đạt nhưng khi xay thành gạo, yêu cầu của các siêu thị đòi hỏi phải có giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm của máy đóng gói. Đồng thời, phải duy trì số lượng cung cấp ổn định. Phía Công ty ADC đã đầu tư xong dây chuyền nhà máy đóng gói ở Cần Thơ, nhưng còn phải chờ tới cuối tháng này trình thủ tục đến Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm và nhanh lắm cũng mất thêm nửa tháng nữa. Trong khi đó, lúa GAP vụ hè thu sắp tới cận kề thêm 60 tấn lúa nữa. Thế mới biết đường đi của lúa GAP còn không ít trắc trở...!
PHƯƠNG-KHOA-ĐỨC