05/06/2011 - 20:38

Ngành công thương ĐBSCL

Hướng đến phát triển nhanh và bền vững

Ngành công thương ĐBSCL “bắt tay” nhau cùng liên kết, hợp tác phát triển.

Với những kết quả thiết thực đạt được qua Chương trình liên kết hợp tác phát triển công thương giai đoạn 2008-2010, ngành công thương các tỉnh, thành ĐBSCL đã xác định chương trình liên kết toàn diện và đồng bộ hơn trong giai đoạn 2011-2015. Qua đó, giúp các tỉnh, thành trong vùng khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh riêng của từng địa phương và tạo nên sức mạnh chung cho vùng.

* Liên kết, hợp tác vùng: Một xu thế tất yếu!

Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, từ năm 2008, sau khi Sở Công nghiệp và Thương mại được hợp nhất thành Sở Công thương, ngành công thương thành phố rất quan tâm đến việc liên kết, hợp tác với ngành công thương các tỉnh trong vùng. Trong 3 năm qua (2008-2010), Sở Công thương TP Cần Thơ đã ký kết và triển khai thực hiện Chương trình liên kết, hợp tác phát triển công thương với 11 tỉnh ĐBSCL (gồm các tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Trà Vinh, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang, Bến Tre). Ngoài việc trao đổi, cung cấp thông tin, kinh nghiệm trong việc quy hoạch, phát triển công thương, công tác quản lý nhà nước, xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư còn tạo cầu nối để nông dân và các doanh nghiệp trong vùng hợp tác, phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... Đặc biệt, ngành công thương các địa phương còn hỗ trợ nhau thực hiện các nhiệm vụ mới như: phát triển thương mại điện tử, sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng...

Mặc dù còn một số hạn chế nhất định trong việc liên kết, hợp tác trong giai đoạn đầu, nhưng các địa phương đều thừa nhận: Liên kết là xu hướng để phát triển nhanh, bền vững trong hội nhập kinh tế. Qua đó, các địa phương sẽ tìm được tiếng nói chung để cùng nhau giải quyết những yếu kém, hạn chế của vùng. Đồng thời, xây dựng hình ảnh và thương hiệu cho những sản phẩm thế mạnh của vùng, nhất là các loại nông sản xuất khẩu như: gạo, thủy sản, trái cây...

Ông Lê Hữu Dư, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp, cho rằng: “Dù có những khác biệt nhau, nhưng nhìn chung các tỉnh, thành trong vùng có xu thế phát triển khá giống nhau. Vì vậy, việc hợp tác, liên kết sẽ giúp các địa phương trao đổi kinh nghiệm. Từ đó, xây dựng các kế hoạch phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ tại địa phương mình một cách xác thực và hiệu quả”. Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang, TP Cần Thơ giữ vai trò trung tâm động lực phát triển của vùng. Do vậy, các tỉnh cùng liên kết với Cần Thơ là xu thế tất yếu. Liên kết mới có thể tạo ra sản phẩm mang thương hiệu của quốc gia và của vùng; đồng thời, giúp nâng cao giá trị, thu nhập của nông dân. Ngoài ra, ngành công thương trong vùng cũng có điều kiện phát triển nhanh và bền vững, tránh giẫm chân lên nhau.

* Hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực

Tại hội nghị tổng kết chương trình liên kết, hợp tác ngành công thương TP Cần Thơ với các tỉnh ĐBSCL giai đoạn 2008-2010 tổ chức mới đây ở Cần Thơ, các địa phương đều đánh giá cao nỗ lực, cũng như kết quả đạt được thời gian qua. Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống nhấn mạnh: “Thời gian qua việc ký kết Chương trình liên kết, hợp tác phát triển công thương giữa các địa phương trong vùng đã góp phần đẩy nhanh sự phát triển chung của vùng và của từng địa phương. Tuy nhiên, cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế. Để ngành công thương trong vùng tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, việc hợp tác phát triển toàn diện là yếu tố quan trọng, giúp các địa phương trong vùng phát triển đồng bộ, toàn diện hơn”...

Trong giai đoạn 2011-2015, lãnh đạo ngành công thương thành phố Cần Thơ và 11 địa phương vùng ĐBSCL đã đồng quan điểm thống nhất là: phối hợp chặt chẽ hơn và cần có các chương trình liên kết, hợp tác cụ thể hơn. Ông Nguyễn Văn Bảnh, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Trà Vinh, cho biết: “Trà Vinh là một trong những tỉnh nghèo nhất trong vùng, nhờ liên kết, hợp tác với các địa phương trong vùng và TP Hồ Chí Minh mà lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ của địa phương có nhiều phát triển. Đồng thời, qua hợp tác, Trà Vinh thu hút thêm nhiều doanh nghiệp ở nơi khác đến địa phương làm ăn”. Theo ông Bảnh, nếu có sự liên kết chặt chẽ và có “nhạc trưởng” sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong vùng mở rộng mạng lưới thu mua, tiêu thụ nông sản.

Theo ông Phạm Việt Trung, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, mục tiêu của liên kết ngành công thương vùng ĐBSCL còn để thúc đẩy tiến độ thực hiện các khu, cụm công nghiệp của các địa phương thông qua các dự án, chương trình xúc tiến đầu tư của ngành công thương. Mặt khác, các địa phương cũng cần có các chương trình liên kết, hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực xây dựng phát triển hệ thống bán buôn, tiêu thụ nông sản cho nông dân, phát triển các hợp tác xã nông thôn; liên kết hợp tác trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa, đào tạo nguồn nhân lực và công tác đưa hàng Việt về nông thôn do các địa phương trong vùng tổ chức...

Sự thống nhất và quyết tâm tăng cường hơn nữa mối liên kết, hợp tác phát triển công thương giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL giai đoạn 2011-2015 sẽ nâng tầm hoạt động của ngành công thương vùng trong giai đoạn mới. Bởi nội dung hợp tác bao gồm nhiều lĩnh vực như: tăng cường mối quan hệ, liên kết hợp tác trong công tác quản lý ngành công thương, công tác xúc tiến thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế, thu hút đầu tư; phát triển công nghiệp, chợ, siêu thị; xây dựng và phát triển hợp tác xã nông thôn, tiêu thụ nông sản cho nông dân...

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Ngành công thương ĐBSCL “bắt tay” nhau cùng liên kết, hợp tác phát triển.

Chia sẻ bài viết