24/08/2015 - 20:33

Hướng đến nền sản xuất xanh

Hiện nay, hoạt động sản xuất công nghiệp hướng tới bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, năng lượng đang là xu hướng phát triển chung tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tháng 8-2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án "Triển khai sáng kiến Khu công nghiệp (KCN) sinh thái, hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam" (gọi tắt là Dự án) và triển khai thí điểm tại KCN Khánh Phú (Ninh Bình), KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng), KCN Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2 (TP Cần Thơ). Việc triển khai sáng kiến KCN sinh thái nhằm giải quyết thách thức về môi trường, góp phần quan trọng trong việc phát triển công nghiệp bền vững và toàn diện.

* Giải quyết thách thức môi trường

Đến cuối năm 2014, trên toàn quốc có 295 KCN đã đóng góp 49% tổng kim ngạch xuất khẩu, thu hút khoảng 70% vốn FDI của cả nước, tạo việc làm cho trên 2,4 triệu lao động trực tiếp. Các KCN đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình công nghiệp hóa và phát triển các KCN với tốc độ nhanh đang gây ra những thách thức đối với môi trường. Việc thu gom và xử lý chất thải rắn, nước thải cũng như giảm khí thải trong các KCN chưa được thực hiện nghiêm túc. Ông Hienz Leuenberger, Cố vấn trưởng của Dự án, chia sẻ: "Tốc độ tăng trưởng công nghiệp ở Việt Nam đã gây ra nhiều thách thức về chất lượng môi trường cũng như sức khỏe con người trong cộng đồng lân cận. Chẳng hạn như việc ô nhiễm không khí ở KCN chủ yếu do các công ty không được trang bị hệ thống xử lý khí thải hoặc sử dụng công nghệ lạc hậu. Khối lượng chất thải rắn của KCN tăng lên đáng kể và 20% trong số đó là chất thải nguy hại. Có 16% các KCN đang hoạt động chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung".

 TP Cần Thơ là 1 trong 3 địa phương tham gia Dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái, hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam”. Trong ảnh: Nhà máy xử lý nước thải tập trung phục vụ Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2.

Theo các chuyên gia, những thách thức về môi trường trong các KCN đòi hỏi phải được giải quyết thông qua việc sử dụng năng lượng hiệu quả hơn và giảm ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất công nghiệp. Dự án "Triển khai sáng kiến KCN sinh thái, hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) xây dựng với tổng vốn viện trợ không hoàn lại 4,554 triệu USD từ Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF), Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) và UNIDO. Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khẳng định: KCN sinh thái là mô hình mới, lần đầu tiên được nghiên cứu tại Việt Nam. Tại các KCN triển khai thực hiện Dự án, các công ty hợp tác với nhau và với cộng đồng địa phương nhằm giảm tác động tới môi trường và giảm chi phí sản xuất. Việc chuyển đổi các KCN thông thường thành KCN sinh thái sẽ được thực hiện trước hết ở phạm vi doanh nghiệp (DN), thông qua hoạt động đổi mới công nghệ để tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, chất thải nguy hại, các chất gây ô nhiễm nước và hóa chất.

Hiện tại Dự án "Triển khai sáng kiến KCN sinh thái, hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam" đã hoàn tất việc đánh giá lại hoạt động sản xuất và thực trạng về công nghệ tại các DN có tiềm năng tham gia dự án. Điều khích lệ là tất cả các DN tham gia đánh giá đều thể hiện sự quan tâm đến việc tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất. Là một trong ba địa phương được tham gia Dự án, đối với KCN Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2 (TP Cần Thơ), phần lớn các DN tại KCN Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2 của TP Cần Thơ đều nằm trong ngành chế biến thủy sản, thực phẩm sử dụng nhiều năng lượng. "Kết quả đánh giá sơ bộ của Đoàn chuyên gia Dự án thực hiện tại nhóm 16 DN đang hoạt động tại 2 KCN này cho thấy, toàn bộ các DN được khảo sát đều có tiềm năng thực hiện chuyển đổi theo mô hình KCN sinh thái gắn với sản xuất sạch hơn. Mức tiết kiệm được ước tính với điện năng từ 5-30%, nước từ 5-20%. Nếu thực hiện chuyển đổi thành công, các doanh nghiệp được hưởng lợi đáng kể thông qua cắt giảm chi phí sản xuất và qua đó cải thiện đáng kể năng lực cạnh tranh của mình" - Phó giáo sư-Tiến sĩ Trần Văn Nhân, Giám đốc Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam, khẳng định.

* Mở cơ hội cho DN

Dự án "Triển khai sáng kiến KCN sinh thái, hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam" góp phần tăng cường năng lực về lập quy hoạch và quản lý KCN sinh thái, nâng cao trình độ kỹ thuật về chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ sạch và phát thải ít khí cacbon; áp dụng phương thức sản xuất an toàn và sử dụng hiệu quả tài nguyên cho các cơ quan quản lý nhà nước về KCN và DN trong KCN. Theo ông Trần Minh Kiệt, Phó Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, tham gia vào dự án là cơ hội rất tốt để TP Cần Thơ tăng cường chuyển giao ứng dụng và phổ biến công nghệ, phương thức sản xuất sạch hơn để giảm thiểu chất thải nguy hại, phát thải khí nhà kính cũng như các chất gây ô nhiễm nước, phương thức quản lý tốt hóa chất tại các KCN. Các hoạt động hỗ trợ cho DN về sản xuất sạch hơn, hỗ trợ vay vốn ưu đãi để đổi mới công nghệ được xem là sự hỗ trợ rất kịp thời và cần thiết trong giai đoạn hiện nay, giúp DN có nhiều cơ hội và khả năng đổi mới công nghệ hiện tại để tiết kiệm năng lượng và các chi phí sản xuất.

Các hoạt động hỗ trợ DN của Dự án đem lại lợi ích thiết thực về cắt giảm chi phí tiêu dùng năng lượng và nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giảm giá thành, tăng năng lực cạnh tranh. Đồng thời, Dự án sẽ đóng góp tích cực trong việc đạt đến mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính khoảng 182.000 tấn/năm, giảm lượng nước thải 6 triệu m3/năm, chất lượng nước thải đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tiến sĩ Nguyễn Đình Chúc, Phó Viện trưởng Viện Phát triển bền vững Vùng (thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), nhận định: "Đầu tư cho công nghệ sạch và tiết kiệm năng lượng là một nhu cầu cấp thiết giúp DN Việt Nam cải thiện năng lực cạnh tranh, rút ngắn khoảng cách với các đối thủ trong việc làm chủ thị trường trong nước và vươn xa trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, khó khăn cơ bản mà DN trong nước thường gặp phải là tiếp cận tín dụng, đặc biệt là tín dụng cho các khoản đầu tư vào công nghệ do DN hạn chế về năng lực lập hồ sơ kỹ thuật và tài chính. Do đó, với cơ chế hỗ trợ của Dự án sẽ giúp DN vượt qua các rào cản chi phí để đầu tư cho sản xuất và cải thiện công nghệ nhờ tiếp cận các nguồn tài chính ưu đãi từ dự án". Theo các chuyên gia, nguồn tín dụng xanh ngày càng đa dạng với sự hỗ trợ của Nhà nước và nguồn tài trợ quốc tế. Đây là xu thế mà các DN sản xuất cần lưu tâm để tận dụng cơ hội đổi mới công nghệ. Để tiếp cận các nguồn tài chính đầu tư công nghệ sản xuất sạch hơn, DN có thể liên hệ với Quỹ Ủy thác tín dụng xanh (GCTF), Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF), Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khẳng định: Dự án này sẽ đóng góp tích cực cho việc thực hiện Chiến lược và kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh của Việt Nam. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UNIDO và các cơ quan liên quan của Việt Nam hy vọng kết quả của Dự án sẽ góp phần nâng cao nhận thức và khuyến khích sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp trong việc bảo vệ và cải thiện môi trường tại các KCN. Đồng thời, là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước và các nhà tài trợ tiếp tục nhân rộng mô hình KCN sinh thái trên cả nước.

MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết