25/03/2008 - 22:09

Sản xuất rau quả an toàn

Hướng đến mục tiêu xuất khẩu

Thanh long là một trong những mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của tỉnh Tiền Giang. (Trong ảnh: Chọn thanh long xuất khẩu tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang).

Mục tiêu ngành nông nghiệp đặt ra trong năm 2008 là phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 350 triệu USD; tăng 16,7% so với năm 2007. Theo dự báo, kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 25%/năm trong những năm tới. Song, vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để có vùng chuyên canh rau quả tập trung, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Nguồn cung còn “nhỏ giọt”

Các chuyên gia thương mại cho rằng, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về xuất khẩu rau quả nhiệt đới. Hiện tại, rau quả Việt Nam đã có mặt ở hơn 50 quốc gia và khu vực trên thế giới, nhưng kim ngạch xuất khẩu không ổn định. Do chưa có được nguồn hàng cung cấp thường xuyên, chất lượng sản phẩm thấp và không đồng đều, nhiều lô hàng chưa đáp ứng nhu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm. Thêm vào đó, giá thành sản xuất của rau quả an toàn (RQAT) khá cao, nên người trồng gặp khó khăn về đầu ra và làm ảnh hưởng đến mở rộng quy mô sản xuất.

Tiến sĩ Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho biết: “Các sản phẩm RQAT của Việt Nam muốn xuất khẩu sang thị trường khó tính như các nước EU phải sản xuất theo tiêu chuẩn chung của thế giới: GAP/EurepGap, HACCP... Tuy nhiên, việc triển khai mô hình theo những tiêu chuẩn này không đơn giản chút nào. Do vậy, cần phải có nhiều mô hình thí điểm để phát động thành phong trào lớn. Khi đó, kế hoạch xuất khẩu 30% sản lượng rau quả sang thị trường EU vào năm 2010 mới khả thi”.

Hiện tại, rất nhiều cơ sở, doanh nghiệp xuất khẩu rau quả và những tổ hợp tác, hợp tác xã trong cả nước đã bắt đầu chú trọng đến quy trình sản xuất an toàn. Ở TP Cần Thơ, HTX Rau an toàn (RAT) Long Tuyền (phường Long Tuyền, quận Bình Thủy), được xem là mô hình hiệu quả so với các mô hình khác trong thành phố, bởi tìm được đầu ra khi ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm với Metro Hưng Lợi. Hàng ngày, HTX cung cấp khoảng 200 kg rau quả (dưa hấu, dưa lê, bí, khổ qua, dưa leo, đậu, rau ăn lá ...) cho Metro Hưng Lợi. Ông Triệu Công Đỉnh, Chủ nhiệm HTX, cho biết: “Chúng tôi không chủ động được số lượng cung cấp cho siêu thị Metro hàng ngày, mà phụ thuộc vào số lượng nơi đây yêu cầu và bị động đầu ra. Từ giữa tháng 3- 2008 đến nay, chúng tôi đã ngưng cung cấp hàng cho siêu thị Metro, vì không có nguồn hàng và dịch hại phá hoại rau màu rất dữ, có hộ bị thiệt hại đến 60% diện tích”. Theo ông Đỉnh, do chuyển từ đất lúa sang trồng màu và không thay đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, nên dịch hại hoành hành và việc sản xuất theo tiêu chuẩn GAP vẫn chưa thực hiện được. HTX chỉ mới dừng lại ở việc sản xuất an toàn, dù được Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV)TP Cần Thơ tập huấn quy trình GAP. Song, để hiểu và làm theo tiêu chuẩn GAP là cả quá trình dài, bởi trình độ người dân cùng với khả năng tài chính hiện có vẫn chưa áp dụng ngay được.

Vừa qua, Cục Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông- khuyến ngư Quốc gia tổ chức hội thảo “Sử dụng sản phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp sạch- an toàn- bền vững” tại TP Cần Thơ. Tại đây đã giới thiệu phân sinh học WEGH trong sản xuất và nhiều nông dân đang áp dụng mang lại hiệu quả cao, an toàn. Như mô hình trồng rau diếp cá, chanh dây, ổi của ông Nguyễn Văn Y, xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang từ năm 2000 đến nay. Ông Y cho biết: “Ban đầu sử dụng phân WEGH, tôi và nhiều bà con trong xóm còn nghi ngờ. Khi sử dụng phân sinh học, rau màu phát triển tốt, ít bị sâu bệnh và phẩm chất tốt”.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến của nông dân cho rằng, sử dụng phân WEGH vẫn phải sử dụng thêm thuốc BVTV, phân hóa học. Bởi người dân vẫn còn nặng tư tưởng “ăn chắc”, do sử dụng WEGH phải giảm đến 50% lượng phân bón, thuốc BVTV trong sản xuất. Nhiều nông dân lập luận, nếu giảm lượng phân, thuốc thì lỡ thất mùa thì ai sẽ gánh chịu? Do đó, việc kêu gọi nông dân thí điểm trồng RQAT theo quy trình GAP rất khó và nếu có làm thì diện tích chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng diện tích của họ.

Gắn với nhu cầu thị trường

Hiện nay, tình trạng ô nhiễm vi sinh vật, hóa chất, dư lượng thuốc BVTV... trên rau quả đáng lo ngại, trong khi đó tỷ lệ sử dụng phân sinh học vào sản xuất nông nghiệp mới chỉ khoảng 20%. Do đó, Bộ NN&PTNT quy định người sản xuất RAT phải được đào tạo kỹ thuật, đồng thời phải đăng ký và được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất. Đất trồng phải đảm bảo không bị ảnh hưởng bởi chất thải công nghiệp, sinh hoạt và không sử dụng phân có nguy cơ ô nhiễm cao, khuyến khích sử dụng phân sinh học...

Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu rau quả chủ lực của Việt Nam (chiếm khoảng 60% tổng lượng xuất khẩu). Theo thông tin từ Bộ Công Thương, các mặt hàng rau quả xuất khẩu vào Trung Quốc gần đây tăng đột biến cả về sản lượng lẫn giá trị xuất khẩu. Chỉ riêng trong tháng 2-2008, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường này đạt 430.800 USD. Mới đây (ngày 24-3-2008), HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang) đã ký hợp đồng xuất khẩu 17 tấn bưởi Năm Roi sang thị trường Nga. Để chọn được 17 tấn bưởi trái, HTX phải tuyển từ hơn 40 tấn bưởi của Vĩnh Long, TP Cần Thơ mới đạt chất lượng và số lượng. Ngày 13- 3-2008, Chương trình hợp tác “Hỗ trợ xuất khẩu rau, quả sang thị trường EU” giữa Trung tâm Tư vấn hỗ trợ nông nghiệp TP Hồ Chí Minh (HCACS) và Trung tâm Xúc tiến nhập khẩu (CBI)- Hà Lan vừa được ký kết thỏa thuận. Theo đó, nông dân TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận sẽ được hỗ trợ quy trình sản xuất, quy hoạch vùng trồng. Hàng năm, EU tiêu thụ đến 75 triệu tấn trái cây tươi, 62 triệu tấn rau tươi, đây là thị trường rất tiềm năng. Hiện nay, một số nước EU đang chuyển hướng từ nhập khẩu rau quả của Trung Quốc, Thái Lan sang nhập khẩu sản phẩm của Việt Nam. Do vậy, việc qui hoạch vùng trồng rau quả đang là vấn đề đau đầu của nhiều địa phương. Vì chỉ có quy hoạch vùng trồng hợp lý cùng những điều kiện cần thiết để xây dựng chuỗi sản xuất - tiêu thụ RQAT thì mới có số lượng và chất lượng đồng nhất, đáp ứng nhu cầu của đối tác khi cần nguồn hàng ổn định.

Bà Trần Thanh Phong, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tiền Giang, cho biết: “Hiện nay, nông dân đã nắm bắt được kỹ thuật mới để trồng RAT, giúp giảm được lượng phân đạm vô cơ, số lần phun thuốc hóa học, đảm bảo thời gian cách ly cho sản phẩm không để lại dư lượng thuốc BVTV khi thu hoạch. Toàn tỉnh đã có khoảng 75 ha trồng RAT, năng suất 15- 17 tấn/ha, giá bán 1.800- 2.000 đồng/kg (thu 27- 34 triệu đồng/ha, lợi nhuận 10- 14 triệu đồng/ha). Đối với rau ăn quả, đạt năng suất 20- 25 tấn/ha, giá 2.500- 3.000 đồng, lợi nhuận 30- 35 triệu đồng/ha”. Tiền Giang đã quy hoạch vùng sản xuất RAT với quy mô 500 ha (giai đoạn 2007- 2010), tập trung ở khu vực Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, TP Mỹ Tho và thị xã Gò Công. Từ đó tạo cơ sở hình thành hợp tác xã sản xuất RAT cung cấp cho thị trường trong tỉnh và TP Hồ Chí Minh.

Theo quy hoạch của Bộ NN&PTNT, đến năm 2010, diện tích trồng rau quả cả nước đạt 1 triệu ha, sản lượng 10 triệu tấn. Trong đó, diện tích dành cho xuất khẩu khoảng 255.000 ha (sản lượng 430.000 tấn); diện tích rau 700.000 ha (sản lượng 14 triệu tấn)... Đến năm 2010, giá trị xuất khẩu rau quả đạt khoảng 600- 700 triệu USD/năm đến năm 2020 đạt 1,2 tỉ USD/năm.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh, thành phố cần quy hoạch chi tiết các vùng trọng điểm sản xuất rau quả an toàn tập trung và phát triển bền vững theo yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

TP Cần Thơ cũng đã có dự án “Xây dựng mô hình rau an toàn phục vụ tiêu dùng tại TP Cần Thơ” giai đoạn 2007- 2009, tổng kinh phí đầu tư trên 391 triệu đồng. Hiện dự án đã được triển khai ở huyện Phong Điền và quận Bình Thủy nhằm xây dựng mô hình RAT theo hướng GAP, từng bước hình thành vùng chuyên canh rau màu với diện tích 15.000 ha vào năm 2010, tạo thành vành đai thực phẩm của thành phố. Thạc sĩ Phạm Văn Quỳnh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Mô hình trồng RAT đã được tập huấn kỹ thuật sản xuất từ 3 năm qua. Hiện nay, ngành nông nghiệp tiếp tục triển khai dự án RAT ở Bình Thủy và Phong Điền. Ngoài ra, còn mở rộng ra một số quận, huyện như Ô Môn và Thốt Nốt”. Bên cạnh đó, còn có đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất cam mật theo hướng GAP tại huyện Phong Điền” giai đoạn 2007- 2010, tổng kinh phí gần 210 triệu đồng. Đề tài này nhằm khôi phục và phát triển vùng trồng cam mật truyền thống của Phong Điền, một trong những địa bàn được xác định phát triển du lịch sinh thái. Cần Thơ hiện còn 17.000 ha vườn cây ăn trái (cam, nhãn, bưởi, xoài, sầu riêng...) với sản lượng đạt khoảng 130.000 tấn/năm.

Hiện tại, phần lớn các địa phương trong cả nước đều đang khởi động những chương trình, dự án trồng RQAT hướng đến mục tiêu xuất khẩu và một nền nông nghiệp phát triển bền vững theo chủ trương của Bộ NN&PTNT đề ra. Những chương trình, dự án đó với mục tiêu cụ thể, rõ ràng sẽ là nền tảng cho rau quả Việt Nam vươn ra thế giới.

• Bài, ảnh: THU HÀ

Chia sẻ bài viết