25/03/2013 - 21:32

VĨNH THẠNH

Hướng đến hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao

Thu hoạch lúa đông xuân 2012- 2013 trên địa bàn xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh.

Ở TP Cần Thơ, huyện Vĩnh Thạnh là địa phương tiên phong trong việc thực hiện mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” (CĐML). Nỗ lực này đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, được sự đồng tình ủng hộ của nông dân. Tiếp nối những thành quả đạt được, ngành nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh tiếp tục định hướng nông dân áp dụng các tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP vào quá trình sản xuất nhằm nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo…

* Hiệu ứng lan tỏa

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Thạnh, mô hình CĐML trên địa bàn huyện khởi phát với 400ha trong vụ hè thu 2011 ở  ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An. Sang vụ đông xuân 2011-2012, huyện nhân rộng thêm 1 mô hình với quy mô 75ha tại ấp D2, xã Thạnh Lợi. Đến vụ hè thu 2012, huyện tiếp tục duy trì 2 mô hình này, tuy nhiên, diện tích tăng lên 600ha. Qua 3 vụ làm thí điểm, phương thức sản xuất mới này đã thể hiện được những ưu điểm vượt trội. Điển hình, vụ đông xuân 2011-2012, năng suất trong mô hình tăng 4,6% (360 kg/ha), lợi nhuận tăng trên 28,3% (4,83 triệu đồng/ha) so với nông dân sản xuất ngoài mô hình. Ở vụ hè thu 2012, nhờ áp dụng các giải pháp tiên tiến như: “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, sử dụng chế phẩm sinh học, công nghệ sinh thái… tổng chi phí sản xuất lúa giảm từ 600.000 đồng -2 triệu đồng/ha. Trong đó, chi phí phân bón giảm 12,6%, thuốc bảo vệ thực vật và công lao động giảm 1,3%...

Có thể thấy rằng, mô hình CĐML bước đầu giải quyết được khó khăn, vướng mắc trong sản xuất lúa và đem lại lợi nhuận khá cao nên được người dân đồng tình ủng hộ. Do đó, năm 2013, Vĩnh Thạnh phấn đấu mỗi xã đều có 1 mô hình CĐML, diện tích duy trì trên 2.630ha. Tuy nhiên, chỉ mới ở vụ đông xuân 2012-2013, huyện nhân rộng được 15 mô hình CĐML, diện tích trên 3.280ha. Hiện 2.308ha đã được doanh nghiệp bao tiêu. Lúa đông xuân 2012-2013 tại các CĐML ở Vĩnh Thạnh đang bước vào vụ thu hoạch, năng suất dao động ở mức 7-7,5 tấn/ha. Với giá thu mua cao hơn thị trường từ 50-250 đồng/kg lúa, nông dân trong CĐML lời cao hơn 2-3 triệu đồng/ha so với nông dân sản xuất ngoài mô hình. Ông Phan Văn Năm, Phó trưởng Phòng NN&PTNT, cho biết: “Liên kết sản xuất theo mô hình CĐML, nông dân mạnh dạn hơn trong việc chuyển đổi cơ cấu giống. Điển hình trước đây, nông dân ấp D2 có truyền thống sản xuất giống OM2517. Sau khi tham gia mô hình cùng với sự định hướng từ phía ngành nông nghiệp, nông dân chuyển dần sang canh tác giống Jasmine 85. Đến vụ đông xuân này, 100% diện tích (340ha) của ấp sạ giống Jasmine 85...”.

Thực tế cho thấy, nông dân thể hiện tính đồng thuận cao và yên tâm hơn khi có sự hậu thuẫn của các doanh nghiệp. Chính vì vậy, huyện luôn phối hợp với các xã, thị trấn trong việc kết nối, mời gọi doanh nghiệp “vào” CĐML. Hiện doanh nghiệp tham gia hỗ trợ mô hình CĐML tại huyện Vĩnh Thạnh gồm: Công ty Cổ phần Gentraco, Công ty Mekong, Công ty Bảo vệ thực vật An Giang, Công ty Phân bón Bình Điền, Công ty Điền Vạn Lợi…

* Hướng đến nâng cao chất lượng

Quá trình phát triển và nhân rộng mô hình CĐML, Vĩnh Thạnh xác định CĐML là tiền đề để tiến tới sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP. Đây cũng là hướng đi tất yếu của ngành sản xuất lúa gạo TP Cần Thơ trong tương lai. Nếu vụ đông xuân 2011-2012, Vĩnh Thạnh chỉ có 63ha ở ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và 50ha theo GlobalGAP ở ấp D2, xã Thạnh Lợi thì vụ đông xuân 2012-2013, đã có 63ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (ấp Thầy Ký) và 100ha sản xuất theo GlobalGAP (ấp D2).

Ông Nguyễn Ngọc Huấn, Tổ trưởng Tổ hợp tác Khiết Tâm, chia sẻ: “CĐML ở ấp D2 được hình thành trên tinh thần tự nguyện của các hộ nông dân Tổ hợp tác Khiết Tâm. Nằm trong khu vực đê báo khép kín, diện tích liền canh, liền cư, nông dân lại có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, CĐML ấp D2 không chỉ tăng nhanh về quy mô mà còn về chất lượng. Với 48ha,  23 hộ tham gia ban đầu, đến vụ đông xuân 2012-2013, Tổ hợp tác Khiết Tâm mở rộng diện tích lên 340ha, gồm 161 hộ tham gia. Hiện 100ha sản xuất theo quy trình GlobalGAP đã được Công ty Cổ phần Gentraco bao tiêu hoàn toàn, giá đảm bảo cao hơn thị trường từ 8-20%… Theo Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, hiện mô hình CĐML ở ấp Thầy Ký và CĐML ở ấp D2 được Dự án Cạnh tranh nông nghiệp (ACP) bước đầu triển khai tập huấn kỹ thuật cho nông dân. Bên cạnh đó, dự án này cũng thống nhất hỗ trợ lắp đặt cho CĐML ở ấp D2 3 nhà kho, 3 lò sấy và 3 máy gặt đập liên hợp. Ban Quản lý CĐML ấp D2 đang tiến hành thỏa thuận với các chủ hộ về địa điểm xây dựng kho, lắp đặt lò sấy…

Để phát huy ưu thế của kinh tế hợp tác thông qua mô hình CĐML, theo ông Phan Văn Năm, Phó trưởng Phòng NN&PTNT Vĩnh Thạnh, địa phương rất cần được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước trong việc đầu tư xây dựng các công trình mang tính bản lề. Các xã Thạnh An, Thạnh Thắng và Thạnh Lợi là những vùng có diện tích lớn, địa hình thuận lợi cho việc cơ giới hóa trong sản xuất. Tuy nhiên, để thành vùng nguyên liệu có diện tích khoảng 5.000 ha, các xã này cần có kinh phí để nâng cấp các tuyến đê kết hợp với giao thông nội đồng. Đồng thời, phía Bắc Cái Sắn cần đầu tư xây dựng tuyến đường T7 để tạo thuận lợi về giao thông trong việc vận chuyển, thu mua lúa. Đây là cơ sở để mở rộng CĐML ở 3 xã Vĩnh Bình, Thạnh Mỹ và Thạnh Lộc với diện tích khoảng 5.900ha. 

Mới đây, trong đợt kiểm tra tình hình sản xuất lúa đông xuân 2012-2013 trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh: Vĩnh Thạnh là một trong những vùng trồng lúa trọng điểm của TP Cần Thơ và hội đủ những điều kiện để hình thành vùng nguyên liệu lúa hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Thời gian tới, thành phố tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ lãi suất cho nông dân để đầu tư trang thiết bị, máy móc, lò sấy, nhà kho… để đưa ngành sản xuất lúa gạo Vĩnh Thạnh phát triển hơn nữa. Về phía địa phương, cần đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật tiên tiến vào quy trình sản xuất nhằm giảm tối đa chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người trồng lúa…

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết