05/04/2012 - 08:01

Phát triển sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ở ĐBSCL

Hợp tác, liên kết để tăng sức cạnh tranh

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trọng điểm lúa gạo của cả nước, chiếm trên 90% lượng gạo xuất khẩu. Từ 4,2 triệu tấn lúa năm 1976, ĐBSCL đã nâng sản lượng lên trên 23 triệu tấn vào năm 2011. Tuy nhiên, những năm qua, sản xuất và tiêu thụ lúa gạo Việt Nam nói chung và ĐBSCL đã bộc lộ không ít khó khăn, bất cập. Mới đây, tại tỉnh Đồng Tháp, những vấn đề gút mắc trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo đã được các chuyên gia ngành lúa gạo bàn bạc tìm hướng đi tại hội thảo “Những giải pháp phát triển sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ở ĐBSCL”.

Nhiều thách thức...

Thời kỳ 2006-2011, xuất khẩu gạo của cả nước đã đạt trên 33,8 triệu tấn, đạt giá trị trên 14,1 tỉ USD, nâng lũy kế xuất khẩu gạo trong 22 năm từ 1989-2011 đạt trên 83,6 triệu tấn, giá trị đạt trên 25 tỉ USD. Nếu như năm 2006, lượng gạo xuất khẩu gần 4,69 triệu tấn, trị giá 1,195 tỉ USD thì đến năm 2011, mặc dù tình hình xuất khẩu tiếp tục có những diễn biến phức tạp nhưng xuất khẩu gạo vẫn đạt cao kỷ lục với 7,105 triệu tấn. Những kết quả này, nước ta không chỉ tiếp tục khẳng định và giữ vững vị trí là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới mà còn đảm bảo an ninh lương thực trong nước, đời sống người nông dân trồng lúa ngày càng được nâng cao. Lúa gạo Việt Nam và doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo của Việt Nam ngày càng khẳng định được uy tín và vị thế trên thị trường quốc tế.

Thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp là một trong những giải pháp góp phần nâng cao giá trị hạt gạo.Ảnh: TUYẾT NHUNG 

Tuy nhiên, trong sản xuất lúa gạo, tính đến thời điểm này, vẫn còn nhiều bất cập. Ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng: Quy mô sản xuất lúa của các nông hộ ở ĐBSCL quá nhỏ, khả năng đạt được lợi ích kinh tế thấp. Ở ĐBSCL hiện có khoảng 4 triệu hộ trồng lúa, phần lớn các hộ này có diện tích trồng lúa nhỏ hơn 1 ha nên sản xuất chỉ đủ tiêu dùng. Chỉ một phần nhỏ nông dân có diện tích trên 1 ha, sản xuất có khả năng dư và bán. Theo Giáo sư Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, ở Việt Nam, hầu hết mọi người đều thích trồng lúa năng suất cao, ngắn ngày và thông thường đây là những giống lúa chất lượng thấp. Việc tạo một loại giống đáp ứng các yếu tố năng suất cao, ngắn ngày, chất lượng cao là một vấn đề nan giải cho các nhà khoa học. Ngoài ra, người nông dân không cần học cách trồng lúa, bón phân, thuốc trừ sâu và tiêu thụ lúa mà thường theo kinh nghiệm riêng của mình. Nước ta có rất nhiều DN lớn, vừa và nhỏ nhưng DN hoạt động trong ngành sản xuất lúa gạo thì rất ít. Các DN hầu như không có vùng nguyên liệu, thị trường đầu ra không ổn định... Hậu quả của tình trạng “mạnh ai nấy lo” khiến trên cùng cánh đồng có hàng chục giống lúa dẫn đến chất lượng không đồng đều, sản phẩm gạo không có thương hiệu. Theo Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, là vùng sản xuất lúa gạo chính nhưng nông dân vùng ĐBSCL vẫn còn nghèo và gặp nhiều khó khăn, như: thiếu các giống lúa có năng suất và chất lượng cao thích nghi với đặc thù từng tiểu vùng sinh thái của ĐBSCL, mặt bằng về trình độ sản xuất, kỹ năng và kỹ thuật còn thấp, chưa đồng bộ. Hệ thống kho tàng dùng bảo quản, chế biến lương thực còn nhiều bất cập, tổn thất khâu thu hoạch và sau thu hoạch còn rất cao (12-14%). Nông dân sản xuất lúa còn gặp nhiều rủi ro do sâu bệnh, hạn hán, lũ lụt...

Ngoài những khó khăn trên, từ năm 2011 trở lại đây, với sự tham gia xuất khẩu trở lại của Ấn Độ, Pakistan và Myanmar, gạo Việt Nam đang phải chịu áp lực cạnh tranh gay gắt. Ấn Độ với ưu thế về địa lý và lượng dự trữ gạo lớn (hiện nay có khoảng 33 triệu tấn gạo trong kho quốc gia, chưa kể lượng gạo của DN và trong dân) đang dần chiếm lĩnh thị trường gạo cấp thấp tại châu Phi. Gạo Việt Nam từ trước tới nay luôn sử dụng ưu thế giá rẻ để giành lợi thế trong đàm phán. Nhưng hiện một số nước xuất khẩu (Pakistan và Myanmar) lại đang dùng chính ưu thế này để cạnh tranh với gạo Việt Nam. Năm 2012 được cho rằng sẽ là năm khó khăn của xuất khẩu gạo Việt Nam vì phải cạnh tranh với các thị trường Thái Lan và nhất là các thị trường gạo giá rẻ như: Ấn Độ, Pakistan, Miến Điện. Ngoài ra, ngành gạo Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu, nhất là khâu vận chuyển. Theo ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương, sản xuất lúa gạo nhìn chung vẫn “nặng nề” về năng suất, số lượng, chưa gắn với quy hoạch và thị trường tiêu thụ. Hạt gạo Việt Nam chưa có thương hiệu ấn tượng trên thị trường thế giới cũng như người tiêu dùng; công tác thị trường, xây dựng và quảng bá thương hiệu chưa được chú trọng đúng mức. Cơ chế gắn kết người sản xuất với nhà khoa học và các DN kinh doanh, tiêu thụ lúa gạo mặc dù đã hình thành nhưng chậm được nhân rộng và chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn...

Đâu là giải pháp?

Tại hội nghị “Những giải pháp phát triển sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ở ĐBSCL”, các chuyên gia ngành lúa gạo cho rằng: Lúa gạo là mặt hàng quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Do đó, cần có chính sách và giải pháp để nghề trồng lúa ở Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng trở nên hấp dẫn và phát huy tối đa chuỗi giá trị hạt gạo trên thị trường. Vấn đề này đòi hỏi phải cần triển khai thực hiện nhiều giải pháp.

Theo ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cần tổ chức lại các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ để đảm bảo hài hòa lợi ích của các tác nhân trong chuỗi giá trị hạt gạo (người nông dân-thương lái - các thương nhân sản xuất chế biến và xuất khẩu gạo) theo hướng tăng cường gắn kết chặt chẽ và trực tiếp giữa người sản xuất và DN kinh doanh, xuất khẩu gạo, giảm dần các khâu chi phí trung gian, tăng lợi nhuận cho người sản xuất. Cần tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, thành lập trung tâm xúc tiến xuất khẩu gạo cao cấp Việt Nam để trao đổi thông tin, giới thiệu sản phẩm và hỗ trợ dịch vụ xuất khẩu ở thị trường tiềm năng. Ngoài ra, cần thúc đẩy thực hiện chương trình liên doanh liên kết sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu để ổn định và nâng cao chất lượng sản phẩm, xác định các loại gạo chất lượng cao và gạo đặc sản tiềm năng để khuyến khích sản xuất và xây dựng thương hiệu riêng, đáp ứng nhu cầu thị trường gạo cao cấp ngày càng tăng.

Giáo sư Tiến sĩ Võ Tòng Xuân đề xuất: Xây dựng nông thôn kiểu mới, trong đó có nông dân kiểu mới tối thiểu phải được đào tạo tay nghề hiện đại, kiến thức và kỹ năng đủ để tham gia hoạt động kinh tế cạnh tranh. Trong thời kỳ kinh tế thị trường, cạnh tranh gay gắt, cần có những sản phẩm khối lượng lớn, chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế, giao hàng đúng lúc, giá thành cạnh tranh. Vì vậy, nông dân cần liên kết với nông dân để cùng tồn tại. DN cần quy hoạch vùng nguyên liệu theo thế mạnh của vùng, sản xuất tập trung cùng một sản phẩm theo quy trình GAP đạt chất lượng VietGAP hay GlobalGAP.

Để đáp ứng nhu cầu sản xuất lúa hàng hóa trong giai đoạn hội nhập, việc ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất để tăng năng suất, đảm bảo chất lượng sản phẩm, giảm tối đa tổn thất sau thu hoạch là nhu cầu bức thiết. Nhiều ý kiến cho rằng: Nhà nước cần tiếp tục bổ sung hoàn thiện một số chính sách thúc đẩy ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa; đẩy mạnh quy hoạch xây dựng mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, nhằm phát huy tối đa vai trò liên kết “4 nhà”, đặc biệt là vai trò chủ động của các DN kinh doanh, xuất khẩu gạo trong việc đầu tư hệ thống lò sấy, kho chứa... để thu mua, tạm trữ lúa, nhất là giai đoạn thu hoạch rộ. Đây chính là giải pháp thiết thực góp phần ổn định sản xuất, khắc phục tình trạng “được mùa, mất giá” trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng.

Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, kiến nghị: Để nâng cao giá trị hạt gạo, ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng, cải thiện an sinh xã hội nông thôn, quy hoạch lại đất đai trong sản xuất nông nghiệp, chính sách cho nông dân mà đặc biệt là người trồng lúa, đào tạo nhân lực cho ngành nông nghiệp (cả trong nghiên cứu, quản lý và sản xuất)... Nhà nước cần có chiến lược lâu dài cho sản xuất và tiêu thụ lúa gạo. Trong đó, liên kết vùng và liên kết “4 nhà”, mỗi nhà cần được phân vai cụ thể, nếu vai nào cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình thì công tác sản xuất gạo mới đi vào ổn định và phát triển...

T.TRINH - T.NHUNG

Chia sẻ bài viết