Tại Hội thảo “Ðáp ứng nhu cầu phát triển Nguồn nhân lực các tỉnh ÐBSCL - Mô hình hợp tác hiệu quả với Australia” do Trường Ðại học Cần Thơ (ÐHCT), Cơ quan Thương Mại và Ðầu tư Chính phủ Australia và Tổng Lãnh sự quán Australia tổ chức mới đây, vấn đề hợp tác trong giáo dục và đào tạo (GD&ÐT) giữa các cơ sở giáo dục ở Australia và Việt Nam được quan tâm bàn luận. Qua đó, nhằm tăng cường quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - Australia nói chung, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ vùng ÐBSCL nói riêng.

Một buổi học của sinh viên Trường ĐHCT.
Còn những khó khăn...
ÐBSCL được đánh giá là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội; nhưng sự phát triển của vùng thời gian qua vẫn chưa tương xứng. Một trong những nguyên nhân là thiếu nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. TS Huỳnh Anh Huy, Trưởng Khoa Sư phạm, Trường ÐHCT, cho biết theo thống kê, ở ÐBSCL tỷ lệ người trong độ tuổi lao động được đào tạo ở bậc đại học trở lên chiếm 6,8% trên tổng dân số, chỉ bằng 2/3 trung bình cả nước. Thị trường lao động chưa phát triển để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, chưa tạo động cơ khuyến khích lao động trẻ theo đuổi việc học tập. Khó khăn của vùng là số lượng các trường đại học, cao đẳng tuy nhiều nhưng do mới thành lập hoặc chưa tạo được chỗ đứng nên vẫn chưa thu hút được người học. Thu nhập của người dân còn thấp nên chưa có khả năng trả các khoản chi phí ngày càng cao ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp hay các trường dạy nghề…
Một khó khăn khác đối với GD&ÐT vùng ÐBSCL là trình độ ngoại ngữ của học sinh, sinh viên còn thấp, nên gặp hạn chế khi các em muốn đi du học hoặc sau khi tốt nghiệp ra trường tìm việc làm muốn đi làm ở công ty nước ngoài. Ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ÐT TP Cần Thơ, cho biết thêm rằng thời gian qua ngành đã tập trung xây dựng phát triển mạng lưới trường lớp và đội ngũ công chức, viên chức đủ về số lượng, mạnh về chất lượng; tăng cường công tác hội nhập quốc tế trong giáo dục. Thành phố rất quan tâm đến việc nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh tại các cơ sở giáo dục; nhưng trình độ ngoại ngữ đội ngũ nhà giáo, học sinh vẫn chưa xứng tầm với thành phố.
Theo bà Cao Thị Hồng Tho, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ, nhà trường đang đào tạo các nghề phục vụ phát triển kinh tế - xã hội TP Cần Thơ và ÐBSCL. Trong đó, có một số chương trình do trường hợp tác đào tạo với các đối tác nước ngoài; nhưng đầu ra sinh viên còn thấp vì trình độ ngoại ngữ chưa đáp ứng yêu cầu, số sinh viên xuất khẩu lao động chưa cao. Nhà trường rất cần sự hỗ trợ từ Trường ÐHCT, các đối tác quốc tế trong đào tạo chuyên môn, nâng cao trình độ ngoại ngữ cho sinh viên.
Giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho vùng
Vùng ÐBSCL có 17 trường đại học. Riêng TP Cần Thơ có 5 trường đại học, 2 phân hiệu đại học, 14 trường cao đẳng, 8 trường trung cấp. Trong đó, Trường ÐHCT là trường trọng điểm trong khu vực, đến nay trường đã đào tạo trên 200.000 kỹ sư, giáo viên, bác sĩ; 2.200 thạc sĩ, tiến sĩ; góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội vùng ÐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. Từ một trường có truyền thống và thế mạnh trong các lĩnh vực nông nghiệp (hiện là đơn vị duy nhất của Việt Nam đứng hạng 300-350 toàn cầu theo Q5 Ranking 2022), Trường ÐHCT đã có bước phát triển vượt bậc và toàn diện trong hầu hết các lĩnh vực, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển ÐBSCL trong bối cảnh mới.
Theo GS.TS Trần Ngọc Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ÐHCT, với bề dày 57 năm hình thành và phát triển, trường đã và đang nỗ lực không ngừng cho sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ phục vụ cộng đồng. Thời gian qua, Trường ÐHCT có mối quan hệ hợp tác hiệu quả với nhiều đối tác nước ngoài. Trong đó có các trường đại học tại Australia đã đào tạo nhân lực cho trường 126 thạc sĩ và tiến sĩ; chương trình Mekong 1.000 đào tạo 116 thạc sĩ, tiến sĩ cho toàn vùng. Các đối tác Australia cũng hỗ trợ 20 dự án lớn và toàn diện cho vùng. “Nhà trường rất mong tiếp tục làm cầu nối hỗ trợ và thúc đẩy cho các hoạt động hợp tác và phát triển giữa các đối tác Việt Nam - Australia trong thời gian tới”, GS.TS Trần Ngọc Hải cho biết.
Tại Hội thảo “Ðáp ứng nhu cầu phát triển Nguồn nhân lực các tỉnh ÐBSCL - Mô hình hợp tác hiệu quả với Australia”, nhiều đại biểu cho rằng để nâng chất, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho TP Cần Thơ và ÐBSCL, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó việc hợp tác, liên kết trong đào tạo giữa các cơ sở giáo dục Việt Nam và đối tác Australia rất cần thiết. TS Huỳnh Anh Huy, Trưởng Khoa Sư phạm, Trường ÐHCT, đề xuất: Ðể giải quyết bài toán nhân lực cho vùng, trước hết phải có một chính sách ưu tiên cho phát triển GD&ÐT vùng ÐBSCL; tăng cường liên kết giữa cơ sở đào tạo với nhau; giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp; giữa cơ sở đào tạo với các trường THPT để hướng nghiệp để học sinh xác định năng lực bản thân, điều kiện gia đình, từ đó đào tạo nhân lực chất lượng, cũng như thu hút người tài đến và làm việc tại ÐBSCL.
Theo ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó Giám đốc Sở GD&ÐT tỉnh Vĩnh Long, tỉnh luôn tạo điều kiện, mời gọi đầu tư trong lĩnh vực GD&ÐT để xây dựng các trường mầm non, phổ thông; các chương trình hợp tác đào tạo trong lĩnh vực giáo dục, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, khoa học công nghệ… Ngành giáo dục tỉnh cũng đang rất cần hỗ trợ từ Trường ÐHCT, từ các trường của Australia để phát triển GD&ÐT tỉnh. Ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ÐT TP Cần Thơ, cho rằng TP Cần Thơ rất cần sự hỗ trợ, hợp tác từ Trường ÐHCT, các đối tác nước ngoài để giúp Cần Thơ nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh của thành phố.
Bà Rebecca Ball, Phó Tổng Lãnh sự Thương mại Australia, cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ làm việc lại các trường ở TP Cần Thơ nói riêng, vùng ÐBSCL nói chung để giới thiệu các dự án, chương trình học bổng của Australia, với mong muốn thu hút học sinh theo học các chương trình quốc tế này. Ðồng thời giới thiệu những công nghệ giáo dục mới của Australia đến với khu vực ÐBSCL. Tiếp tục tăng cường kết nối hơn nữa giữa các đối tác Australia và Việt Nam”.
* * *
Các ý tưởng đề xuất, cũng như những kỳ vọng hợp tác giữa các đơn vị trong vùng ÐBSCL với đối tác Australia sẽ là cơ hội mới, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời tăng cường quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam – Australia.
Bài, ảnh: B.Kiên