08/09/2022 - 10:45

Hợp lực số hóa sản xuất nông nghiệp 

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, nhất là sự bùng nổ của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực được TP Cần Thơ ưu tiên chuyển đổi số (CĐS). Từ định hướng này, các sở ngành hữu quan, chuyên gia, doanh nghiệp, nông dân cùng nỗ lực đưa ra sáng kiến, giải pháp về công nghệ số cũng như mạnh dạn ứng dụng vào thực tế sản xuất. Qua đó, thúc đẩy hành trình số hóa nền nông nghiệp của thành phố diễn ra nhanh hơn, mang lại hiệu quả thiết thực hơn. 

Mang công nghệ số đến cộng đồng

Mô hình quản lý môi trường ao nuôi tôm thông minh bảo vệ môi trường sinh thái của Trường Cao đẳng Cần Thơ.

Mô hình quản lý môi trường ao nuôi tôm thông minh bảo vệ môi trường sinh thái của Trường Cao đẳng Cần Thơ.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: Từ thực tế sản xuất cho thấy, nông dân và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố rất quan tâm và đón nhận công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, CĐS trong sản xuất nông nghiệp của thành phố là một vấn đề khá mới so với hiểu biết, nhận thức và tập quán sản xuất của nông dân, doanh nghiệp nên việc ứng dụng chưa dược sâu rộng, còn mang tính tự phát, quy mô ứng dụng còn nhỏ lẻ, chưa tập trung, chưa theo kịp định hướng. Chính vì vậy, ngành Nông nghiệp phối hợp với các sở ngành hữu quan, viện trường, doanh nghiệp tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn, mô hình điểm để mang công nghệ làm nông 4.0 đến với cộng đồng.

Theo TS Trương Minh Thái, Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trường Đại học Cần Thơ, các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, môi trường, công nghệ và công nghệ thông tin của Đại học Cần Thơ có nhiều nghiên cứu, phát triển mô hình ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong sản xuất nông nghiệp và thủy sản vùng ĐBSCL. Đơn cử như mô hình hệ thống quản lý sản xuất và truy xuất nguồn gốc dựa trên công nghệ Blockchain, Internet of Things (IoT), viễn thám và trí tuệ nhân tạo; hệ thống trạm quan trắc môi trường phục vụ sản xuất và nuôi trồng thủy sản… Việc triển khai thí điểm các mô hình trên thực tế giúp nông dân số hóa hoạt động sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, kết nối các bên liên quan trong nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp của vùng.

Ngoài các viện trường, nhiều doanh nghiệp công nghệ cũng tham gia tích cực vào việc cung ứng các giải pháp phục vụ CĐS nông nghiệp. Ông Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc Thinksmart Cần Thơ, cho biết: “Công ty chuyên cung cấp công nghệ mô phỏng EDEM được hỗ trợ bởi phương pháp phần tử rời rạc (DEM). Phần mềm EDEM được sử dụng trong thiết kế máy móc nông nghiệp dự đoán hành vi của vật liệu (xác định nguy cơ tắc nghẽn, hao mòn…); thử nghiệm nhiều loại vật liệu với các đặc tính khác nhau; hiểu được sự tương tác giữa máy và cây trồng, giữa máy và đất; thử nghiệm ảo các thiết kế mới mà không cần xây dựng mô hình thực nghiệm… 

Ông Đinh Trọng Hải, Giám đốc Công ty TNHH hSpace cho rằng, CĐS để tạo ra tăng trưởng mới, tạo sự chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả sang chuỗi liên kết giá trị, hệ sinh thái; chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; chuyển từ chỉ tiêu sản lượng xuất khẩu sang nền nông nghiệp hàng hóa lớn, chất lượng cao, bền vững. Vì vậy, hSpace cung cấp giải pháp hệ sinh thái mạng nông nghiệp - hAgri tập hợp các giải pháp CĐS trong nông nghiệp: sàn thương mại điện tử nông nghiệp, số hóa nhà máy sản xuất và chế biến, mạng cộng đồng nông nghiệp, số hóa vùng nuôi/trồng, truy xuất nguồn gốc và truy nguyên.

Kết nối, hỗ trợ

Ông Trần Thái Nghiêm cho biết: Nhằm tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp, thành phố tập trung nâng cao chất lượng cổng thông tin kết nối tiêu thụ nông sản để quảng bá sản phẩm nông nghiệp của địa phương; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đưa sản phẩm nông nghiệp lên cổng thông tin, đặc biệt là sản phẩm OCOP. Đồng thời, ứng dụng công nghệ số trong quản lý vùng sản xuất gắn với truy xuất nguồn gốc thông qua xây dựng ứng dụng hỗ trợ định vị vùng sản xuất, quản lý cơ sở dữ liệu về vùng sản xuất nông sản, thực hiện truy xuất nguồn gốc nông sản, tích hợp kết nối tiêu thụ với các nội dung: xây dựng và phát triển bản đồ số về các loại nông sản chủ lực của thành phố; sổ nhật ký điện tử, sử dụng định vị để lưu lại vị trí vùng trồng ứng với nhật ký; ứng dụng nền tảng số, công nghệ AI khuyến cáo kỹ thuật trực tuyến cho người sản xuất…

Ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, khẳng định: Sở tiếp tục đồng hành, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp. Hiện sở đang triển khai thực hiện Sàn giao dịch ĐBSCL giúp thương mại hóa các sản phẩm nông nghiệp trên nền tảng số và hỗ trợ thêm nhiều sản phẩm nông nghiệp gắn mã QR truy xuất nguồn gốc. Nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng trong quá trình CĐS. Vì vậy, Sở KH&CN sẽ phối hợp với các bên có liên quan tổ chức thêm nhiều hội nghị, tập huấn về CĐS, kỹ năng sử dụng nền tảng công nghệ thông tin để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong sản xuất, tìm kiếm thị trường và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo TS Trương Minh Thái, để thúc đẩy CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp của vùng ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng, vấn đề cấp thiết hiện nay là xây dựng một mô hình mẫu, chuẩn nhằm giúp theo dõi các chỉ số môi trường, quản lý hoạt động sản xuất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm giúp công tác đánh giá chất lượng môi trường và cung cấp thông tin nhanh, hữu ích cho người sản xuất, nhà quản lý, nhà khoa học và người tiêu dùng. Đồng thời, xây dựng một hệ thống thông tin hỗ trợ kết nối, trao đổi thông tin giữa nông dân, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà quản lý. Có như vậy, vấn đề CĐS trong nông nghiệp, thủy sản mới có tính tương tác cao, từ đó tạo sự thông suốt và mang lại kết quả như mong đợi.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết