06/04/2016 - 20:57

Hôn nhân có phải là “Lâu đài cát”?

Tình yêu của đôi trai tài gái sắc kết thúc bằng một đám cưới đẹp. Nhưng hạnh phúc chưa bao lâu, họ đối mặt với nhiều sóng gió và có nguy cơ tan vỡ hôn nhân. Liệu tình yêu có giúp họ giữ cho "lâu đài tình ái" không biến thành lâu đài cát? Nữ nhà văn Magdalena Witkiewicz sẽ có câu trả lời cho bạn đọc trong tiểu thuyết "Lâu đài cát" (NXB Trẻ - 2015).

Magdalena Witkiewicz là cái tên quen thuộc của dòng văn học lãng mạn Ba Lan. Một số tác phẩm nổi tiếng của bà đã được xuất bản tại Việt Nam, như: "Trường học dành cho các bà vợ", "Chuyện kể của người đàn bà không chung thủy"... và tạo được dấu ấn với độc giả bởi đề tài gần gũi, cách dẫn dắt khéo léo, văn phong mềm mại. Vẫn tiếp tục đề tài phụ nữ và gia đình, nhưng lần này, tiểu thuyết "Lâu đài cát" khai thác về khát vọng làm mẹ, về nỗi niềm của một cặp vợ chồng hiếm muộn.

 

Sau 6 năm yêu nhau, Veronika và Marek có một đám cưới hạnh phúc. Vấn đề phát sinh với cặp vợ chồng trẻ sau 2 năm chung sống mà chưa có con. Các xét nghiệm y khoa cho thấy, thể trạng của Veronika hoàn toàn bình thường, vấn đề là ở chồng cô: Marek. Đời sống hôn nhân của họ trở nên ngột ngạt, bức bối. Đúng lúc đó Kuba xuất hiện. Bằng sự tinh tế và nhạy cảm của một người đàn ông từng trải ngoài 40 tuổi, anh mang đến cho Veronika những lời khuyên hữu ích, làm tâm trạng của cô nhẹ nhàng hơn. Khi Marek quyết định ly thân, dọn ra ở riêng, Veronika và Kuba nhanh chóng chuyển từ tình bạn sang tình yêu. Thế nhưng, khi nghi ngờ mình mang thai với Kuba, Veronika lại không cảm thấy vui sướng, hạnh phúc mà hoang mang, lo lắng...

Viết về tình yêu và hôn nhân, tác giả đã rất tinh tế khi vẽ lên bức tranh không hoàn hảo bởi nhiều yếu tố. Từ chỗ rất hợp ý, rất yêu nhau, tưởng rằng Veronika và Marek sẽ dễ dàng vượt qua những khó khăn, thách thức trong đời sống vợ chồng. Nhưng không, họ đã tự đẩy con thuyền hôn nhân vào vòng nước xoáy chỉ vì sự ích kỷ cá nhân. Khao khát làm mẹ khiến Veronika gây áp lực cho chồng, trong khi sự hời hợt và không dám hy sinh của Marek khiến anh ngày càng xa cách với vợ. Tình cảm rạn nứt, lại có sự xuất hiện của người thứ ba thì hôn nhân tan vỡ chỉ là điều sớm muộn.

Qua "Lâu đài cát", tác giả gửi gắm một thông điệp tuy cũ nhưng luôn có giá trị. Đó là tình yêu không thể vĩnh cửu nếu không biết vun đắp, giữ gìn và thiếu sự đồng cảm, sẻ chia khi đối mặt với khó khăn. Mặt khác, tác phẩm cũng đề cập đến quan niệm: liệu gia đình có hoàn mỹ nếu thiếu những đứa con? Veronika luôn nghĩ gia đình sẽ hạnh phúc hơn nếu có con. Thế nhưng, khi nghi ngờ mình đã có thai, cô hoàn toàn không vui bởi đây không phải là đứa con của chồng cô, của người cô thực sự yêu thương. Cùng với sự nhu nhược, trốn tránh trách nhiệm của Kuba; sự trở lại của Marek với mong muốn nối lại tình xưa, Veronika nhận ra rằng, dù có con hay không, chỉ cần yêu thương nhau thật lòng thì vẫn có được hạnh phúc.

"Lâu đài cát" đã có một kết thúc nhân văn khi 3 nhân vật chính: Veronika, Marek, Kuba và những nhân vật phụ như bố mẹ Veronika, hai cô bạn Eva, Dominika sau những sóng gió, đều nhận ra giá trị thực sự của tình yêu, hôn nhân. Và họ đã tích cực sửa sai, trân trọng giữ gìn tình cảm sau khi suýt đánh mất bởi những mâu thuẫn, ích kỷ, hiểu lầm...

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết