26/10/2020 - 08:16

Hơn 20 năm mưu sinh trên ngọn dừa 

Anh Nguyễn Minh Tâm (41 tuổi), ở khu vực 1, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ có hơn 20 năm leo dừa mướn cho các nhà vườn ở quận Bình Thủy. Vất vả và nhiều rủi ro với những ngày mưu sinh, nhưng anh hạnh phúc vì có điều kiện chăm lo cho gia đình bé nhỏ của mình.

Anh Tâm trải nhiều nhọc nhằn với nghề “ăn cơm dưới đất làm chuyện trên trời”, nhưng cũng tìm được niềm vui từ công việc chính đáng bằng sức lao động.

Cha mất sớm, mẹ đi thêm bước nữa nên Tâm sống với bà ngoại. Cuộc sống túng thiếu, bà cháu nương tựa nhau. Không được đi học như bạn bè trang lứa, khi trở thành cậu thiếu niên, Tâm phụ vác gạch, phụ hồ, gánh vác cuộc sống cơm áo tiếp với bà. Rồi lần tình cờ, bác hàng xóm nhờ Tâm bẻ hộ mấy trái dừa để kho thịt, vậy là Tâm bắt đầu mưu sinh trên ngọn dừa từ đó..., nay đã hơn 20 năm.

Anh Tâm kể, nghề leo dừa mướn không có gì lạ ở xứ miền Tây này. Nhưng ở khu vực đô thị, thanh niên đi làm công nhân, bảo vệ, ít người chịu làm nghề leo trèo chót vót trên cao. Ban đầu, anh chỉ leo những cây dừa thấp, dần dần thuần thục rồi leo cây cao hơn, giờ những cây dừa cao tới 12m-15m là chuyện thường.

Không chỉ làm mỗi việc bẻ dừa, Tâm còn dọn mo nang, chặt bỏ bẹ dừa hư cho cây phát triển tốt hơn. Công việc trên cao nhiều rủi ro, vất vả là vậy, nhưng anh Tâm mê nghề: “Mấy hôm mưa dầm không đi bẻ dừa được, tôi thấy buồn, cảm giác thiếu thiếu”. Các chủ vườn thường gọi điện thoại hẹn anh thời gian bẻ dừa. Ngày không ai gọi, anh nhắm chừng nhà vườn nào tới đợt bẻ dừa mà chưa thấy gọi, anh đạp xe đến nhà hỏi thăm. Nhờ vậy mà công việc ngày nào cũng có.

Lúc anh Tâm mới vào nghề, leo một cây dừa được trả tiền công 1.000 đồng, rồi tăng dần, đến nay 30.000 đồng. Anh Tâm cho biết, ngày nắng tốt, anh leo khoảng 10 cây. Nhiều chủ vườn tốt bụng, thương anh nghèo khó, ngoài trả tiền công còn cho thêm tiền uống cà phê, gởi về cho vợ con anh mấy trái dừa, nắm rau xanh trong vườn.

Anh Tâm bộc bạch: “Mình dốt, một chữ bẻ đôi cũng không biết. Nghề này nhiều nguy cơ rủi ro nhưng là công việc chính đáng để nuôi vợ con. Khỏe ngày nào làm ngày đó, tới đâu hay tới đó”. Dì Chín ở đường Thái Thị Nhạn, khu vực 1, phường An Thới, cho biết: “Nhà có gần chục cây dừa nhưng con cái đi làm việc hết, đâu có ai bẻ. Cậu Tâm bẻ dừa cho nhà tôi nhiều năm rồi, tính cậu hiền lành, thiệt thà, làm việc kỹ lưỡng”.

Những tháng mưa, thu nhập của anh Tâm cũng giảm do mưa dừa trơn rất khó trèo lên cao. Vậy nên anh dùng chiếc phao to thay cho xuồng, bơi dọc sông Bình Thủy, Cồn Sơn, thả tay lưới giăng cá. Có những bữa gặp may kiếm đủ ăn qua ngày. Vợ anh Tâm cũng đi phụ việc ở các hàng quán, cuộc sống đắp đổi qua ngày nhưng rất chan hòa. Người dân trong xóm thường tấm tắc khen, vợ chồng anh Tâm rất hòa thuận.

Vợ chồng anh Tâm chỉ có một cô con gái đang học lớp 3, họ không dám sinh thêm con, vì sợ không kham nổi chuyện cho con học hành. Tài sản lớn nhất của gia đình anh Tâm là căn nhà nhỏ gần bờ sông, ở hẻm 5, đường Lê Hồng Phong, khu vực 1, phường Bình Thủy. Căn nhà đã xuống cấp trầm trọng, mưa dột từ nóc nhà, ngày thủy triều lên, nước ngập gần tới mé chiếu trên giường. Anh Tâm nói: “Chăm lo làm lụng để xoay sở qua ngày, không để lâm cảnh nợ nần đã khó. Muốn dành dụm sửa chữa nhà nhưng không thể”.

Chú Huỳnh Văn Hải, Bí thư - Trưởng khu vực 1, phường Bình Thủy cho biết, vợ chồng Tâm hiền lành, sống chan hòa với lối xóm. Họ chăm chỉ làm thuê nhưng cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, nhà cửa lụp xụp. Ðịa phương cũng quan tâm hỗ trợ cho gia đình vào những dịp lễ, Tết nhưng chỉ tiêu về nhà ở có hạn nên chưa xem xét giúp gia đình sửa chữa được.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết