29/07/2023 - 11:03

Hội thảo hiệu quả đầu tư cầu cạn đường cao tốc vùng ĐBSCL và vấn đề phát triển bền vững 

(CT) - Sáng 29-7, tạp chí Xây dựng (Bộ Xây dựng) tổ chức hội thảo trực tuyến chủ đề “Hiệu quả đầu tư cầu cạn đường cao tốc vùng ĐBSCL và vấn đề phát triển bền vững”, nhằm làm rõ nội dung liên quan đến hiệu quả đầu tư cả vòng đời dự án cầu cạn đối với vùng ĐBSCL và những vấn đề liên quan đến phát triển bền vững. Hội thảo có sự tham gia của hàng trăm điểm cầu từ các bộ chuyên ngành xây dựng, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh, các viện, trường, hội nghề nghiệp ngành xây dựng và các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng.

Quang cảnh hội thảo

Tại hội thảo, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ các viện, trường đại học và doanh nghiệp trình bày tham luận về những vấn đề: thách thức trong xây dựng hệ thống cao tốc vùng ĐBSCL; hiệu quả đầu tư của giải pháp cầu cạn nhịp lớn sử dụng dầm bê tông tính năng siêu cao cho vùng ĐBSCL; giải pháp cấp bê tông các công trình trên sông, rạch vùng ĐBSCL; dự đoán độ bền của cầu cạn đường cao tốc khi làm việc trong môi trường xâm thực vùng ĐBSCL. Đồng thời, phân tích suất đầu tư đường cao tốc tại Việt Nam; so sánh phương án cầu cạn với các phương án nền đường đắp qua vùng đất yếu trong bối cảnh khan hiếm vật liệu đắp nền; nhu cầu đầu tư và các giải pháp thiết kế các dự án đường bộ cao tốc vùng ĐBSCL; xây dựng hệ thống đường cao tốc vì sự phát triển bền vững của vùng ĐBSCL.

Tại Việt Nam, giải pháp cầu cạn cho xây dựng cao tốc vùng ĐBSCL không phải là vấn đề hoàn toàn mới, bởi trước đó, đã có những công trình cầu cạn như cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, Thái Nguyên - Chợ Mới, Diễn Châu - Bãi Vọt hay Quy Nhơn - Chí Thạnh… Tuy nhiên, trong bối cảnh hầu hết các dự án cao tốc đi qua ĐBSCL đã được phê duyệt phương án thiết kế, đặt ra không ít vấn đề cần được Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm, chỉ đạo các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn xem xét, nghiên cứu thấu đáo để bảo đảm việc áp dụng giải pháp cầu cạn, áp dụng kết cấu vật liệu mới không làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án nhưng vẫn bảo đảm hiệu quả đầu tư cả vòng đời dự án, bảo đảm phát triển bền vững vùng ĐBSCL.

Nhiều dự án đường cao tốc đã được đầu tư xây dựng để ĐBSCL phát triển. Trong ảnh: Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ thuận đang khai thác.   

Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 2-4-2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định: Đến năm 2030, hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc kết nối vùng với vùng Đông Nam Bộ, hệ thống cảng biển và các cửa khẩu quốc tế gồm các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bắc - Nam phía Tây, TP Hồ Chí Minh - Sóc Trăng, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, Hồng Ngự - Trà Vinh… Về quy hoạch hệ thống đường bộ cao tốc, khu vực ĐBSCL đã hoạch định đến năm 2050 có 1.188km/9.014km của cả nước, được phân bổ đồng đều trên toàn vùng với 3 trục dọc và 3 trục ngang; trong đó đến năm 2030 có khoảng 760km và sau năm 2030 tiếp tục đầu tư thêm khoảng 420km. Hiện nay, đã hoàn thành đưa vào khai thác hơn 90km (tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận), đang triển khai thi công và đến năm 2025 cơ bản hoàn thành thêm 458km. Như vậy, đến năm 2025 vùng ĐBSCL có khoảng 548km đường bộ cao tốc, trong đó hoàn thành trục dọc cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ TP Hồ Chí Minh đến Cà Mau, một số đoạn trục dọc cao tốc Bắc - Nam phía Tây và cơ bản hoàn thành trục ngang cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

ANH KHOA

Chia sẻ bài viết