03/07/2008 - 09:16

Hội thảo bàn tròn "Tác động của tình hình kinh tế thế giới đến Việt Nam - lựa chọn đối sách và mô hình phát triển"

“Tác động của tình hình kinh tế thế giới đến kinh tế Việt Nam - lựa chọn đối sách và mô hình phát triển’’ là chủ đề của cuộc hội thảo bàn tròn diễn ra tại Hà Nội, ngày 2-7, trong khuôn khổ Chương trình Đối thoại Chính sách do Bộ Ngoại giao phối hợp với Chương trình Việt Nam của Trường John Kennedy School of Goverment, Đại học Tổng hợp Harvard và Chương trình Fullbright Economics Teaching Program (the Fullbright School), thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện trong 3 năm 2008 - 2010, với sự tham gia và tài trợ của Tập đoàn dầu khí BP, Anh Quốc.

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành kinh tế, lãnh đạo một số tỉnh, thành phố, các công ty, tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam; giáo sư Dwight Perkins, Chủ nhiệm Chương trình Việt Nam, Đại học Tổng hợp Harvard, các chuyên gia cao cấp, nhà phân tích kinh tế Việt Nam uy tín trong nước và quốc tế.

Thừa ủy quyền của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, phát biểu khai mạc Hội thảo. Thứ trưởng Vũ Dũng nhấn mạnh: Sau hơn 20 năm đổi mới và hội nhập, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu kinh tế đáng khích lệ. Tuy nhiên, con đường phát triển vẫn còn nhiều thách thức. Một trong những thách thức quan trọng hiện nay là ổn định kinh tế vĩ mô và tạo đà cho bước phát triển mới trong thời gian tới. Đứng trước những khó khăn vừa qua của nền kinh tế, Chính phủ Việt Nam đã đề ra và đang thực hiện một loạt các biện pháp cụ thể nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Các số liệu kinh tế mới nhất cho thấy các biện pháp đó đã bắt đầu phát huy tác dụng. Thứ trưởng bày tỏ hy vọng, Hội thảo sẽ đưa ra các khuyến nghị hữu ích cho các chính sách ổn định kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian trước mắt cũng như dài hạn.

Phát biểu tại hội thảo, Giáo sư Dwight Perkins, Chủ nhiệm Chương trình Việt Nam Đại học Tổng hợp Harvard cho biết: Ngay từ năm 1989, Đại học Harvard đã tham gia đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu sâu về kinh tế Việt Nam. 20 năm qua, kinh tế vĩ mô Việt Nam có những thành tựu và phát triển. Trước khó khăn kinh tế hiện thời, chúng tôi sẽ tập trung phân tích lý do và đưa ra những khuyến nghị khác nhau.

Hội thảo được tổ chức trong ba ngày, tập trung vào ba vấn đề cấp bách: Việt Nam và nền kinh tế quốc dân, Chính sách năng lượng, Phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng. Các chủ đề này được thảo luận theo các phiên với các nội dung: Kinh nghiệm phát triển ở Đông và Đông Nam Á, ý nghĩa đối với Việt Nam; Các chính sách phát triển hiện nay của Việt Nam; Xu hướng toàn cầu và triển vọng của ngành năng lượng; phát triển đô thị: tiếp nhiên liệu cho cỗ máy tăng trưởng của nền kinh tế quốc gia; Tình hình kinh tế vĩ mô: nguyên nhân, triệu chứng và chính sách bình ổn kinh tế vĩ mô trong ngắn hạn và thúc đẩy tăng trưởng dài hạn. Phương pháp cơ bản của các cuộc thảo luận là trên cơ sở xem xét kinh nghiệm quốc tế ở các lĩnh vực đã nêu để hình thành khuôn khổ phân tích trường hợp Việt Nam.

HOÀNG THỊ HOA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết