13/10/2008 - 08:02

Hội đồng Dân tộc Quốc hội thảo luận hai dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Thi hành án dân sự

Ngày 12-10, tại Hà Nội, tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ tư, Hội đồng dân tộc (HĐDT) Quốc hội đã tập trung thảo luận, phối hợp thẩm tra hai dự án Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) (sửa đổi) và Luật Thi hành án dân sự, chuẩn bị cho việc thông qua hai Dự thảo Luật này trong kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII sắp tới.

* Cần ưu tiên ngân sách cho hệ thống đường bộ vùng sâu, vùng xa

Về Dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi), các thành viên trong HĐDT quan tâm nhiều về chính sách, quy hoạch phát triển và kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Đa số tán thành việc bổ sung các chế tài về biển báo, biển hiệu giao thông tại các tỉnh miền núi. Do mưa lũ, sạt lở thường xuyên, đường bộ miền núi xuống cấp rất nhanh. Hệ thống đường bộ vùng sâu, vùng xa cần được ưu tiên ngân sách đầu tư, nâng cấp và có quỹ bảo trì đường bộ để kịp thời duy tu, nâng cấp các tuyến đường.

Các thành viên HĐDT cũng tán thành với quy định về việc đội mũ bảo hiểm, cấp giấy phép lái xe cho người điều khiển xe máy điện, xe đạp điện; độ tuổi trẻ em phải đội mũ bảo hiểm..., đồng thời lưu ý đến các đối tượng là chức sắc tôn giáo và phong tục tập quán của người dân vùng sâu, vùng xa trong việc đội mũ, khăn.

Đối với các hành vi bị nghiêm cấm, nhiều đại biểu cho rằng nên quy định rõ việc đào khoan đường bộ nên thực hiện vào ban đêm; nghiêm cấm hành vi chăn thả gia súc trên lòng, lề đường quốc lộ, tỉnh lộ... Các đại biểu nhất trí cao với quy định về nồng độ cồn trong máu cho phép đối với người điều khiển xe. Tuy nhiên, cũng còn ý kiến băn khoăn về tính khả thi của điều khoản này do phong tục, tập quán của nhiều địa phương miền núi.

Các đại biểu còn góp ý kiến về chế tài xử lý trách nhiệm của người điều khiển phương tiện, cơ quan thiết kế, thi công đường giao thông... khi để xảy ra tai nạn GTĐB; độ tuổi làm việc đối với lái xe; biện pháp bảo vệ tài sản hành khách; tốc độ các phương tiện tham gia giao thông trên đường cao tốc; ý thức chấp hành Luật của người tham gia GTĐB...

* Cần có phiên dịch để bảo đảm quyền lợi đồng bào dân tộc thiểu số

Về Dự án Luật thi hành án dân sự, các thành viên trong HĐDT quan tâm nhiều đến mô hình tổ chức thi hành án dân sự; ngạch và tiêu chuẩn bổ nhiệm Chấp hành viên, nhấn mạnh đến chính sách thu hút và đào tạo cán bộ có năng lực thi hành án; nhất trí giữ nguyên quy định tại Điều 9 (Về tiếng nói và chữ viết dùng trong thi hành án) là “đương sự là người dân tộc thiểu số của Việt Nam mà không biết tiếng Việt, thì cơ quan thi hành án dân sự phải bố trí phiên dịch“. Trong thực tế, nhiều người phiên dịch chưa thật hiểu biết về pháp luật, tiếng nói, chữ viết và khả năng diễn đạt ngôn ngữ chưa chuẩn nên có trường hợp dịch sai nội dung thi hành án, dẫn đến thi hành án sai. Cần giải thích rõ ràng, dùng từ ngữ dễ hiểu, đơn nghĩa, phổ thông khi phiên dịch nhằm giúp đương sự hiểu rõ và đúng nội dung thi hành án. Trong Dự thảo cũng cần quy định rõ thêm về việc phiên dịch tiếng nước ngoài, tiêu chuẩn chung về người phiên dịch, chính sách đào tạo người phiên dịch tiếng dân tộc...

HĐDT thống nhất với việc bỏ Điều 14 về xã hội hóa hoạt động thi hành án trong Dự thảo Luật và cho rằng vấn đề này nên đưa vào Nghị quyết Quốc hội về thi hành Luật thi hành án dân sự; đồng ý việc giữ nguyên quy định về thời hiệu yêu cầu thi hành án là 5 năm như Dự thảo Luật (Điều 32). HĐDT cho rằng thời hiệu yêu cầu thi hành án được kéo dài so với quy định hiện hành nhằm bảo đảm tốt hơn quyền lợi của đương sự, tạo điều kiện cho đương sự lựa chọn thời điểm phù hợp để yêu cầu thi hành án, góp phần giảm áp lực công việc cho cơ quan thi hành án dân sự. Đối với đồng bào vùng dân tộc thiểu số, đây cũng là cơ hội tích lũy tài sản, bảo đảm hiệu quả thi hành án.

PHÚC HẰNG (TTXVN)

 

Chia sẻ bài viết