30/10/2017 - 20:27

Học sinh lớp 11 tạo thuốc trừ sâu từ lá cây 

Qua sự tìm tòi, sáng tạo và cần mẫn của đôi bạn học sinh giỏi Trần Quang Huy- Nguyễn Anh Khoa (học sinh lớp 11A8, Trường THPT Châu Văn Liêm), lá của các loại cây: sả, tía tô, tần dày lá được bào chế thành thuốc trừ sâu sinh học. Đề tài này vừa đạt giải Nhất Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng TP Cần Thơ năm 2017.

Giá trị thực tiễn cao

Một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư ngày càng gia tăng hiện nay do thực phẩm bẩn, có dư lượng thuốc trừ sâu. Làm gì để hạn chế được dư lượng thuốc trừ sâu, tránh làm ảnh hưởng sức khỏe con người? Đó là ý tưởng ấp ủ từ lâu của Huy và Khoa. Những lần về quê cùng gia đình thăm ông bà, Huy phát hiện cây sả có khả năng chống muỗi. Để ý một vài lần, Huy phát hiện, ngoài khả năng đuổi muỗi, tinh dầu trong cây sả còn có thể diệt trừ côn trùng khác, nhất là sâu.

Thế là, thay vì chọn chuyến du lịch, dịp hè năm học 2016-2017, Huy và Khoa cùng tìm hiểu thêm một vài loại cây khác có khả năng chống lại côn trùng. Anh Khoa chia sẻ: “Trong nhiều tuần liền, chúng em phát hiện và kiểm chứng ngoài cây sả còn có tía tô, tần dày lá là những loài cây có khả năng phòng trừ sâu bệnh, kích thích cây trồng phát triển xanh tốt hơn. Từ đó, chúng em lập kế hoạch điều chế loại thuốc trừ sâu sinh học từ những lá cây này”.

Hai bạn Huy và Khoa đang thực hành trong phòng thí nghiệm. Ảnh: NG.NGÂN

Ý tưởng là vậy nhưng thực tế triển khai không dễ. Quang Huy kể, hai bạn trình bày ý tưởng này với giáo viên chủ nhiệm, cũng là giáo viên dạy môn Hóa học. Được giáo viên chủ nhiệm đồng ý, hướng dẫn và Ban Giám hiệu trường hỗ trợ, hai bạn bắt tay vào triển khai đề tài. Huy và Khoa đi tìm hái hoặc hỏi mua về 3 loại lá trên, rửa sạch, ngâm với rượu 600  trong 20 ngày. Các dược chất diệt sâu từ thực vật hòa tan vào rượu, cho ra lọ thuốc diệt sâu sinh học an toàn.

Quang Huy cho biết: “Ban đầu, chúng em loay hoay mãi vẫn chưa tìm ra cách chiết lấy tinh chất trong thực vật làm thuốc trừ sâu. Đến khi tìm được phương pháp, chúng em làm thí nghiệm rất nhiều lần. Đây là công đoạn khó khăn nhất, bởi chúng em phải thử nghiệm pha theo nhiều tỷ lệ khác nhau 1:10, 1:20, 1:30 và 1:50. Kết quả, pha ở tỷ lệ 1:20, thuốc đạt hiệu quả nhất, diệt được côn trùng và tiết kiệm lượng thuốc đáng kể. Quan trọng hơn, thuốc thân thiện môi trường, không lo ảnh hưởng sức khỏe nông dân khi phun xịt và người sử dụng sản phẩm từ rau màu”.

Theo đánh giá của Ban tổ chức Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng TP Cần Thơ năm 2017, kết quả thử nghiệm cho thấy thuốc trừ sâu sinh học từ sả, tía tô và tần dày lá có mức độ diệt sâu gần ngang bằng với loại thuốc trừ sâu hóa học đã sử dụng. Trong quá trình khảo sát các luống được phun thuốc hóa học và được bón thêm phân, cây vẫn phát triển chậm hơn luống được phun loại thuốc trừ sâu sinh học. Giá thành của sản phẩm rẻ, nguyên liệu dễ tìm, dễ áp dụng nên có thể sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp giúp tăng hiệu quả sản xuất.

Đưa kiến thức ứng dụng vào cuộc sống

Lý thuyết trên ghế nhà trường khi được ứng dụng vào thực tế cuộc sống, giúp người học hiểu sâu, nhớ lâu, nâng cao hiệu quả dạy và học. Điều này, Huy và Khoa được trải nghiệm trong hơn 2 tháng tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học. Anh Khoa chia sẻ: “Lần đầu tiên tham gia cuộc thi, chúng em học hỏi được rất nhiều, không chỉ đào sâu thêm kiến thức đã học mà còn nâng cao kỹ năng mềm khác. Chúng em chủ động, sắp xếp thời gian khoa học, khả năng thuyết trình, làm việc nhóm đạt hiệu quả hơn”.

Quang Huy nói thêm: Trong quá trình thực nghiệm, những kiến thức liên quan đến môn sinh, hóa, địa lý, chúng em đều vận dụng. Đơn cử, khi tìm hiểu loại cây chống lại côn trùng, em biết thêm điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, khả năng sinh trưởng của cây. Đến khi thực hành thí nghiệm, em vận dụng môn Hóa học để chia tỷ lệ, thử phản ứng,… Chúng em càng thử nghiệm lại càng hứng thú. Cuộc thi này đã giúp chúng em có nơi thực hiện ước mơ, ý tưởng sáng tạo của mình”.

Theo Khoa và Huy, kết quả cao trong cuộc thi có sự hỗ trợ rất lớn từ Ban giám hiệu, thầy cô Trường THPT Châu Văn Liêm trong tạo điều kiện về thời gian, chi phí; thầy, cô quan tâm, động viên, hỗ trợ thực hiện đề tài. Huy tâm tình: “Nhược điểm đề tài của chúng em là vẫn chưa thử ở nhiều loại sâu khác. Phương pháp chiết tinh dầu vẫn còn làm thủ công, đơn giản nên sản phẩm điều chế không nhiều. Sắp tới, chúng em sẽ tiếp tục phát triển thêm đề tài này, nghiên cứu khả năng kháng sâu bệnh của các loài thực vật khác để có thể tham gia cuộc thi năm sau”.

Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng TP Cần Thơ năm 2017, ngoài giải Nhất, nhóm học sinh lớp 12A6 của Trường THPT Châu Văn Liêm còn “rinh” thêm giải Khuyến khích. Cô Lê Di Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Châu Văn Liêm, cho biết: “Khoa và Huy là học sinh giỏi, cần cù và nỗ lực trong học tập". 

"Đề tài đạt giải Nhất là kết quả nỗ lực phấn đấu của hai em và giáo viên hướng dẫn. Trường luôn tạo mọi điều kiện để học sinh toàn trường tham gia các cuộc thi sáng tạo khoa học- kỹ thuật. Bởi, giáo viên cùng học sinh tự tìm tòi nghiên cứu, học hỏi thêm kiến thức thực tế, bổ sung vào kiến thức trên sách giáo khoa. Quan trọng, những học sinh đạt giải thưởng cao sẽ tạo động lực thúc đẩy thi đua học tốt cho những em khác” - Cô Lê Di Thanh nói.

NG.NGÂN

Chia sẻ bài viết