15/06/2013 - 08:32

Căng thẳng tranh chấp chủ quyền giữa Nhật Bản và Trung Quốc

Học giả Trung Quốc lại giở chiêu trò mới

Vấn đề liên quan chuỗi đảo Okinawa có thể sẽ "nóng" lên khi Thời báo New York (NYT) cho biết, một nhóm học giả và các nhà phân tích cùng quan chức quân sự Trung Quốc mới đây đã tổ chức nhóm họp tại Đại học Nhân dân nhằm tiếp tục lôi kéo sự chú ý quanh vấn đề tranh chấp lãnh thổ âm ỉ bấy lâu nay giữa Trung Quốc và Nhật Bản.


Máy bay quân sự Mỹ đóng tại căn cứ không quân Futenma ở Ginowan, Okinawa. Ảnh: Reuters 

Theo NYT, nội dung buổi thảo luận không tập trung về vấn đề liên quan khu vực quần đảo tranh chấp Senkaku hiện do Tokyo kiểm soát mà phía Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Thay vào đó, nhóm lại xoáy vào chuỗi đảo Ryukyu ở cực Nam Nhật Bản, bao gồm "cột trụ chiến lược" Okinawa - với 1,3 triệu công dân Nhật và là nơi đồn trú của khoảng 27.000 binh lính Mỹ.

Trong trường hợp này, tờ NYT cho rằng mục tiêu của buổi thảo luận là nhằm tăng cường yêu sách của Trung Quốc đối với vấn đề Senkaku/ Điếu Ngư. Những người tham gia buổi thảo luận cho rằng, Trung Quốc có thể sử dụng việc tranh chấp trên chuỗi đảo Okinawa để tăng cường vị thế thương lượng trong quá trình đàm phán với Nhật Bản. Theo Trương Hải Bằng - một trong hai tác giả bài viết về vấn đề Okinawa trên Nhân dân Nhật báo thì vấn đề "Okinawa rất quan trọng" đối với việc triển khai sức mạnh Hải quân Trung Quốc khi lực lượng này muốn thông qua các quần đảo để tiếp cận phía Đông Thái Bình Dương.

Tại hội thảo, Phó chủ nhiệm khoa Khoa học chính trị và Nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh Zhang Shengjun xác định việc đặt nghi vấn về quyền sở hữu Okinawa là hữu ích đối với chiến lược trở thành cường quốc khu vực của Trung Quốc. "Mọi người nghĩ rằng chính sách đối ngoại của Trung Quốc chỉ có một mặt - muốn một thế giới hài hòa. Nhưng vấn đề Okinawa sẽ cho thấy mặt còn lại với hình tượng đại diện cho tính cách bền bỉ, táo bạo trong chính sách đối ngoại Trung Quốc"- ông này nói.

Mặc dù Chính phủ Trung Quốc trước nay đều không tuyên bố chủ quyền ở Okinawa hoặc các đảo khác trong chuỗi đảo Ryukyu, nhưng NYT nhận định hầu như tất cả những "tiếng nói" trong nước về vấn đề này theo phương thức nào đó đều có liên kết với chính phủ. Ví như đợt hội thảo, phần lớn người tham gia ngoài giới nghiên cứu đều chủ yếu là những cựu cán bộ lão làng thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Trước hội thảo một tuần, một quan chức quân sự theo đường lối cứng rắn của Trung Quốc cũng từng lên tiếng khẳng định Nhật Bản không có chủ quyền đối với quần đảo Ryukyu vì "Ryukyu là một nước chư hầu của Trung Quốc trước khi quần đảo này sáp nhập vào Nhật Bản".

Tuy nhiên, cựu tướng Noboru Yamaguchi thuộc quân đội Nhật Bản và hiện là Giáo sư tại Học viện Quốc gia ở Tokyo đưa ra nhận xét rằng phương pháp tiếp cận của Trung Quốc có thể phản tác dụng. Theo ông, Nhật Bản sẽ thể hiện thái độ cứng rắn hơn nữa trước những "chiêu trò" của Trung Quốc trong vấn đề giành quyền kiểm soát quần đảo Senkaku /Điếu Ngư. "Tôi không nghĩ đây là kế sách khôn ngoan, nó sẽ khiến uy tín của Trung Quốc sụt giảm nghiêm trọng trong mắt cộng đồng quốc tế" – ông cho biết.

VI VI (Theo New York Times)

Chia sẻ bài viết