09/02/2019 - 14:27

Học cả sàng khôn... 

Tết năm nay, với gia đình anh Nguyễn Hữu Phước (ở ấp Phước Lộc, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ) có lẽ là cái Tết vui nhất trong nhiều năm qua. Hơn nửa đời người vất vả mưu sinh, lo cho các con ăn học, giờ vợ chồng anh mới thật sự cất đi gánh nặng lo toan. Vui đón năm mới trong ngôi nhà khang trang do con trai lớn Nguyễn Hữu Lộc đi làm việc ở Nhật Bản gửi tiền về xây cất, vợ chồng anh Phước càng vui hơn khi Hữu Lộc vừa về nước tổ chức đám cưới, rồi cùng vợ tiếp tục sang Nhật làm việc…
Tết này, ở nhiều địa phương trong thành phố, hàng trăm gia đình có con đi làm việc ở nước ngoài cũng đón Tết vui vầy, no ấm như gia đình anh Hữu Phước…

Dấn thân

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà tường khang trang, đầy đủ tiện nghi, vợ chồng anh Hữu Phước luôn miệng kể về cuộc sống các con ở Nhật. Đưa tôi xem album cưới của con trai Hữu Lộc, anh Hữu Phước kể với giọng tự hào: “Lúc mới nghe thằng Lộc bàn đi làm việc ở Nhật, vợ chồng tôi rất lo lắng, vì trong dòng họ chưa ai đi làm ở nước ngoài như nó. Nhưng thấy con suy nghĩ chín chắn, biết tự lập, sống có trách nhiệm nên vợ chồng tôi ủng hộ. Thời điểm đó (năm 2014), chi phí đi Nhật khoảng 150 triệu đồng, vợ chồng tôi gom góp tiền dành dụm và mượn thêm anh em, người thân…”.

Ngắm ảnh cưới của vợ chồng Lộc, anh Phước chia sẻ rằng anh có phần "nể phục" con trai về nghị lực vượt khó, ý chí dấn thân để tạo dựng sự nghiệp. Sáu năm trước, Lộc tốt nghiệp đại học và tìm được việc làm gần nhà. Tuy nhiên, gia cảnh khó khăn khiến Lộc luôn trăn trở, muốn tìm công việc có thu nhập cao hơn để phụ giúp cha mẹ lo cho 2 em ăn học. Năm 2014, sau khi hoàn tất các thủ tục, Lộc sang Nhật làm việc trong công ty chế tạo máy. Thời gian đầu, mọi việc đều mới mẻ, Lộc cố gắng học hỏi, thích ứng dần. Quá trình làm việc, giao tiếp, Lộc tự học hỏi, tích lũy vốn tiếng Nhật. Với thu nhập dao động 50 - 60 triệu đồng/tháng, năm đầu, Lộc gởi tiền về nhà trả hết các khoản nợ cha mẹ vay mượn.

Anh Hữu Phước kể: “Lộc thường xuyên điện thoại về nhà thăm hỏi và kể về công việc, cuộc sống sinh hoạt bên Nhật nên gia đình rất an tâm”. Năm 2017, Lộc hoàn thành hợp đồng 3 năm và được gia hạn 2 năm nữa. Những câu chuyện của Lộc về đất nước Nhật Bản khiến cho em trai út là Nguyễn Hữu Danh cũng nung nấu quyết tâm tự lập như anh trai. Danh tốt nghiệp đại học xây dựng, được anh trai hỗ trợ “trọn gói” chi phí và đã sang Nhật làm việc vào cuối năm 2018.

Cho một khởi đầu mới…

Hơn 10 năm trước, sau khi tốt nghiệp THPT, Đỗ Trần Thanh Nhã (phường An Phú, quận Ninh Kiều), theo học trung cấp điện lực ở thành phố Hồ Chí Minh, rồi làm công nhân rày đây mai đó với mức lương bấp bênh. Tình cờ Nhã tìm hiểu trên website việc làm và hứng thú với thông tin tuyển lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội). Được gia đình ủng hộ, Nhã nhanh chóng xúc tiến làm hồ sơ, thủ tục và sang Hàn Quốc. Thời gian đầu, tuy bất đồng ngôn ngữ, phong tục, sinh hoạt nhưng Nhã rất hào hứng với môi trường làm việc năng động, kỷ luật.

Thanh Nhã (hàng trên, thứ năm từ trái sang) cùng các bạn trong chuyến tham quan đất nước Hàn Quốc (Ảnh do nhân vật cung cấp).

Thanh Nhã (hàng trên, thứ năm từ trái sang) cùng các bạn trong chuyến tham quan đất nước Hàn Quốc (Ảnh do nhân vật cung cấp). 

Năm đầu tiên, công việc không ổn định. Năm thứ hai, chuyển sang nghề tiện CNC, Nhã như “cá gặp nước”, say mê và tiến bộ trong nghề nghiệp. Nhã được chủ công ty tiếp đón chu đáo, hướng dẫn tận tình; được bố trí nơi ở sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Về sau, Nhã được chủ thuê riêng căn nhà. Nhã cho biết: “Thời gian đầu, tôi rất “sốc” vì bị chủ sai việc, mệt đừ người. Thế nhưng, qua đó, tôi học hỏi rất nhiều kiến thức, thao tác kỹ thuật và “bỏ túi” kha khá thuật ngữ chuyên môn tiếng Hàn”.

 Vài năm sau, khi vững tay nghề và khá rành ngôn ngữ Hàn, Nhã được chủ giao hướng dẫn kỹ thuật cho nhóm công nhân mới, trong đó, có lao động bản xứ. Nhã luôn tranh thủ làm thêm giờ, vừa có thu nhập (khoảng 50 triệu đồng/tháng), vừa rèn tay nghề, kỹ năng giao tiếp. Nhã cho biết: “Ông chủ Hàn Quốc quý trọng, tín nhiệm lao động Việt Nam chăm chỉ, thật thà, ham học hỏi. Ông ấy gần gũi, hòa đồng …”.

Thời gian dài làm việc ở Hàn Quốc, Nhã quen biết cô gái Việt Nam (quê ở Bạc Liêu) làm cùng công ty. Năm 2015, cả hai về Việt Nam làm đám cưới, sau đó Nhã trở lại Hàn Quốc làm việc đến khi hoàn thành hợp đồng. Với vốn liếng kha khá, Nhã “lên” kế hoạch, sau khi sửa sang nhà cửa, đón Tết cùng gia đình, vợ chồng Nhã sẽ mua đất xây nhà trọ và bắt đầu sự nghiệp kinh doanh.             

Tự tin nắm bắt cơ hội

Nhiều người ở ấp Vĩnh Tiến, thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh đều “biết tiếng” vợ chồng chủ quán điểm tâm - giải khát Bảy Duyên (Trần Thị Hường - Nguyễn Văn Phước) không chỉ vì cơ ngơi khang trang, quán bán thức ăn ngon, phục vụ chu đáo, mà còn bởi anh chị có 2 cô con gái (thứ ba và út) tốt nghiệp đại học, xinh đẹp, năng động và đều đi làm việc tại Nhật Bản.

Ngọc Huyền và Ngọc Ngân vui vẻ, tươi tắn và phấn khởi làm việc tại Nhật Bản (Ảnh do gia đình cung cấp).

Ngọc Huyền và Ngọc Ngân vui vẻ, tươi tắn và phấn khởi làm việc tại Nhật Bản (Ảnh do gia đình cung cấp).

Nhắc việc hai con gái- Nguyễn Thị Ngọc Huyền và Nguyễn Thị Ngọc Ngân- tự liên hệ làm hồ sơ, thủ tục sơ tuyển Chương trình thực tập sinh kỹ thuật làm việc tại Nhật Bản; tham gia học, rồi thi đạt yêu cầu tiếng Nhật và sang Nhật Bản làm việc, anh Phước vui vẻ: “Các con từng học đại học xa nhà, quen cuộc sống tập thể nên gia đình khá an tâm khi các con đi Nhật…”. Huyền làm ở công ty điện cơ, còn Ngân làm trong một công ty chế biến thực phẩm, với mức lương khoảng 22-25 triệu đồng/tháng/người. Hai chị em ở hai công ty khác nhau và đều được công ty sắp xếp chỗ ở sạch sẽ, tiện nghi. Môi trường làm việc hiện đại, thoải mái, ai cũng tuân thủ giờ giấc, kỷ luật lao động nghiêm ngặt. Cuối tuần, cả hai hẹn các bạn đi siêu thị mua sắm các vật dụng, thực phẩm giá rẻ để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, ăn uống, dành dụm tiền gởi về gia đình.

Tháng 7-2018, kết thúc hợp đồng lao động, Huyền và Ngân về nước, những người quen biết đều khen ngợi cả hai nhanh nhẹn, chững chạc, cách suy nghĩ, nhận định về sự việc, cuộc sống… chín chắn, sắc sảo hơn. Khoảng 1 tháng sau, Huyền sang Nhật làm việc theo hợp đồng gia hạn 2 năm, còn Ngân đăng ký khóa học để tham gia kỳ thi tiếng Hàn và chờ được tuyển đi Hàn Quốc làm việc. Điều khiến vợ chồng anh Phước vui nhất là sự trưởng thành của Huyền và Ngân khi được trải nghiệm môi trường làm việc chuyên nghiệp, để có thể chín chắn, tự tin hướng đến tương lai trước những vận hội mới của đất nước.

* * *

Cuộc gặp gỡ các gia đình có con em đi làm việc ở nước ngoài mang đến nhiều thông điệp vui, phấn khởi đầu năm mới. Sự kiên trì học hỏi, vượt khó của nhiều người trẻ, đem lại cuộc sống sung túc cho bản thân và gia đình, đã và đang tác động đến suy nghĩ và hành động của nhiều bạn trẻ, nhiều gia đình ở các địa phương. Thanh niên háo hức học tập, các bậc phụ huynh khuyến khích, tạo điều kiện cho con em đi làm việc ở nước ngoài. Đó không phải chỉ là thu nhập mà mục tiêu sâu xa hơn là rèn luyện, học tập để vững vàng về nghề nghiệp, trưởng thành về nhân cách như cách nói của anh Hữu Phước, đó là cơ hội để “học cả sàng khôn” mà vững tin bước tới tương lai.

Theo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, 3 năm qua (2016 – 2018), thành phố có 685 lao động đi làm việc ở nước ngoài; trong đó, 289 lao động làm việc tại Đài Loan, Nhật Bản: 283 lao động, Hàn Quốc: 95 lao động, số ít lao động làm việc tại Arab Saudi, Hawaii, Malaysia… Với sự tích cực hỗ trợ, tư vấn, tạo mọi điều kiện thuận lợi của các cấp, ngành, đơn vị liên quan, năm 2019, TP Cần Thơ phấn đấu có thêm 280 lao động đi làm việc ở nước ngoài…

PHƯƠNG MAI

Chia sẻ bài viết