30/09/2013 - 21:06

Hoàn thiện dần mô hình bao tiêu lúa

Nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xuất khẩu lúa gạo trên địa bàn TP Cần Thơ, trong đó có Công ty Cổ phần Gentraco ngày càng chú trọng liên kết với nông dân để bao tiêu lúa tại các vùng sản xuất tập trung. Qua quá trình liên kết, việc thực hiện hợp đồng bao tiêu lúa giữa DN và nông dân ngày càng hoàn thiện, hướng đến hình thành vùng nguyên liệu chất lượng cao, khép kín từ khâu đầu vào đến đầu ra của hạt lúa.

Cam kết bao tiêu qua hợp đồng

Vụ đông xuân 2013-2014, Công ty Cổ phần Gentraco có kế hoạch bao tiêu 3.700ha lúa cho các cánh đồng lớn thuộc 19 tổ hợp tác sản xuất lúa tại 3 huyện Vĩnh Thạnh, Thới Lai và Cờ Đỏ của TP Cần Thơ. Diện tích bao tiêu này tăng hơn 200ha so với vụ đông xuân 2012-2013 và tăng hơn 3.500ha so với thời điểm đầu tiên công ty tham gia ký kết hợp đồng bao tiêu lúa cho các cánh đồng mẫu lớn ở Cần Thơ vào năm 2008-2009. Nhắc lại chặng đường đồng hành cùng Gentraco triển khai mô hình bao tiêu lúa tại địa phương, ông Võ Thanh Tấn,Tổ trưởng Tổ hợp tác Qui Lân 7 (xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh), cho biết: "Trước đây, nông dân tự canh tác nên chi phí sản xuất cao, đầu ra lại không ổn định. Kể từ khi DN vào bao tiêu lúa, nông dân đã chủ động tham gia vào tổ hợp tác và hiện số tổ viên tham gia đã lên đến 40 hộ với diện tích canh tác hơn 160ha. Tổ hợp tác sản xuất chủ yếu là giống Jasmine 85, OM 4218, OM 5451 và được Công ty Gentraco thu mua cao hơn giá thị trường từ 50-150 đồng/kg tùy thuộc vào chất lượng lúa".

Vào thời điểm “đông ken”, DN bao tiêu cần chủ động phương tiện để kịp thời thu mua lúa cho nông dân. 

Ban đầu khi tiếp cận với hợp đồng bao tiêu lúa của DN, phần lớn bà con nông dân đều bày tỏ băn khoăn với các quy định của DN về ẩm độ, các tiêu chuẩn chất lượng của hạt lúa. Bởi lẽ, ngoài yếu tố giá thị trường tại thời điểm mua thì chất lượng lúa cũng ảnh hưởng đến giá thu mua lúa của DN. Tuy nhiên, khi đi vào thực hiện hợp đồng, DN cung ứng giống xác nhận xuống cho nông dân và thường xuyên cử cán bộ theo dõi, hỗ trợ từ khi canh tác đến khi thu hoạch. Việc trao đổi thông tin 2 chiều giữa DN và nông dân cũng tạo điều kiện thuận lợi để nông dân đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật canh tác và chất lượng sản phẩm đầu ra theo các quy định công ty đưa ra. Theo bà Lưu Thị Lan, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Gentraco, để mô hình bao tiêu lúa thực hiện thành công đòi hỏi phải có sự quyết tâm của công ty và sự vào cuộc của ngành nông nghiệp thành phố và các địa phương nơi bao tiêu. Qua quá trình ký kết hợp đồng bao tiêu theo từng vụ, các điều khoản hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân ngày càng hoàn thiện để đảm bảo hài hòa lợi ích đôi bên. Thông thường, trong hợp đồng bao tiêu lúa giữa DN và nông dân sẽ có các điều khoản thỏa thuận về việc DN cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật); các tiêu chuẩn chất lượng lúa sản phẩm; giá thu mua, địa điểm, thời gian giao nhận thu mua; phương thức thanh toán và trách nhiệm của hai bên. Đặc biệt, trong hợp đồng còn có nội dung liên quan đến việc chia sẻ rủi ro giữa hai bên trong trường hợp bất khả kháng do ảnh hưởng thiên tai, biến động thị trường.

Thắt chặt liên kết

Hiện nay, các công ty chủ yếu tham gia bao tiêu trong vụ đông xuân và giảm diện tích bao tiêu vụ hè thu và thu đông do thời tiết không thuận lợi. Vì thế, các địa phương cũng mong muốn DN vào bao tiêu ổn định cho cả 3 vụ. Theo bà Lưu Thị Lan, mặc dù diện tích bao tiêu hiện tại của công ty đã tăng đáng kể so với thời điểm 2008-2009, song quan điểm của công ty là phát triển "chậm mà chắc" nên việc nhân rộng mô hình sẽ mở rộng từng bước thay vì làm ồ ạt.Vụ đông xuân 2013-2014 tới, công ty sẽ liên kết với Công ty phân bón Bình Điền và Công ty TNHH Tân Thành để cung ứng vật tư nông nghiệp cho nông dân. Ngoài ra, công ty cũng liên kết với nhà mạng Mobifone sử dụng ứng dụng miễn phí để thông tin nhanh qua tổng đài tin nhắn đến từng nông hộ về lịch tập huấn, triển khai kỹ thuật canh tác, cảnh báo thời tiết, sâu bệnh, dịch hại, các hướng dẫn canh tác.

Tham gia sản xuất theo yêu cầu của DN với các loại giống lúa mà DN yêu cầu và quy trình kỹ thuật được hướng dẫn bài bản, kỹ thuật canh tác của các tổ viên trong tổ hợp tác ngày càng nâng lên. Song, việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng của DN để phục vụ cho quy mô sản xuất lớn và tập trung vẫn là vấn đề cần quan tâm hiện nay. Theo ông Phạm Ngọc Huấn, Tổ phó Tổ hợp tác Khiết Tâm (xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh), do thiếu sân phơi nên nhiều nông dân có nguyện vọng bán lúa tươi nhưng đây lại là áp lực cho DN khi thu mua lúa tươi sẽ khó bố trí kịp nhân lực, phương tiện vận tải, hệ thống lò sấy vào những thời điểm "đông ken". Vì thế, công ty cần chủ động kế hoạch thu mua. Nếu thu mua lúa khô do nông dân tự phơi sấy, DN phải phổ biến các tiêu chuẩn về ẩm độ liên quan đến giá cả thu mua. Ngoài ra, việc sản xuất lúa theo các cánh đồng lớn nhằm hướng đến xây dựng các cánh đồng Việt GAP, Global GAP. Vì thế, DN chuyên về cung ứng vật tư nông nghiệp khi liên kết với các DN bao tiêu lúa cần tích cực hướng dẫn nông dân về các quy trình sản xuất sạch hơn, giảm lượng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Các công ty thuốc bảo vệ thực vật nên có chính sách hỗ trợ nông dân trong việc thu gom vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo môi trường đáp ứng các nội dung đánh giá của các công ty nước ngoài về thực hiện tiêu chuẩn Global Gap.

Theo ông Phan Văn Năm, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thạnh, khó khăn với các DN tham gia bao tiêu lúa vẫn là thiếu phương tiện và nhân lực thu mua khi vào vụ thu hoạch rộ. Vì thế, DN cần chủ động liên hệ với địa phương và làm việc với các tổ hợp tác để nắm lịch gieo sạ và sắp xếp kế hoạch thu mua phù hợp cho vụ đồng xuân 2013-2014 sắp tới. Về lâu dài, việc liên kết bao tiêu lúa giữa DN và nông dân phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa trên cơ sở phải tập trung nâng tầm chất lượng sản phẩm. Bởi lẽ việc chứng nhận các tiêu chuẩn Việt GAP, Global GAP hiện nay vẫn còn thiếu tính bền vững, các tiêu chuẩn quy định chưa được thực hiện nghiêm ngặt và nhất là giá cả đầu ra vẫn chưa có sự chênh lệch rõ nét so với hình thức canh tác thông thường. Muốn làm được điều này đòi hỏi phải có sự quyết tâm thay đổi tư duy sản xuất của nông dân và sự đầu tư hỗ trợ tích cực từ phía DN.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết