26/04/2021 - 09:25

Hỗ trợ nông dân Vĩnh Châu tiêu thụ hành tím 

Nông dân trồng hành tím ở thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, đang đứng ngồi không yên vì hành thương phẩm rớt giá liên tục. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Sóc Trăng có văn bản kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang, người lao động hỗ trợ tiêu thụ hành tím...

Người dân Vĩnh Châu thu hoạch hành tím.

Người dân Vĩnh Châu thu hoạch hành tím.

Khó khăn của nông dân

Theo người trồng hành ở thị xã Vĩnh Châu, hàng năm đến thời điểm này, giá hành tím ở mức cao và nhiều nông dân đã bán. Còn năm nay, thương lái vẫn đến hỏi mua hành tím, nhưng với giá quá thấp, không đủ chi phí đầu tư nên nông dân phải trữ hành chờ lên giá. Tuy nhiên nhiều hộ trữ hành cũng đang ngồi trên đống lửa, bởi chi phí đầu tư cao, giá hành chỉ từ 6.000-10.000 đồng/ký người trồng hành sẽ lỗ nặng.

Ông Lý Vết ở ấp Hòa Thành, xã Lạc Hòa, cho biết: “Tiêu thụ hành năm nay rất chậm, nông dân sản xuất hành tím không có lãi. Gia đình tôi trồng 1ha hành tím theo hướng sản xuất hữu cơ và nhà lưới cho năng suất khoảng 20 tấn. Nhưng hiện tại thương lái chỉ mua 10.000 đồng/ký (loại hành to, màu đẹp) và 8.000 đồng/ký (hành dự trữ) với mức giá này coi như tôi lỗ vốn. Do đó, tôi đã trữ lại gần 2 tháng để chờ tăng giá”. Theo ông Lý Vết, nhờ sản xuất hành theo hướng hữu cơ thời gian dự trữ lâu hơn vài tháng so với các hộ trồng hành theo truyền thống. Ông Vết hy vọng giá hành có thể tăng tới 15.000 đồng/ký, có như vậy nông dân trồng hành mới có lãi được chút ít. Còn ông Triệu Thi, ở ấp Hòa Thành, nói: “Vụ này tôi trồng hơn 3 công hành tím, đã thu hoạch hơn 1 tháng nhưng vẫn chưa bán được vì giá quá thấp nên tiếp tục trữ lại. Càng để lâu màu sắc và giá trị hành tím cũng giảm theo nhưng do giá quá thấp bán sẽ lỗ nặng nên đợi giá nhích lên đôi chút mới bán”.

Không chỉ vậy, doanh nghiệp thu mua cũng chịu lỗ hàng ngày. Bà Lâm Thị Quang, Chủ doanh nghiệp Minh Nghín, chuyên thu mua lúa, củ cải, hành tím ở ấp Cà Lăng B, Phường 2, đang tồn trong kho trên 500 tấn hành tím. Theo bà Quang, đầu vụ hành tím mua với giá 13.000-16.000 đồng/ký, đến nay giá sụt giảm còn 7.000-8.000 đồng/ký nên đành trữ lại, chờ giá. Bà Quang nói: “Hành trữ lâu bị hư hỏng. Thời gian gần đây tôi đã bán gần 10 tấn hành tím, với giá không tới 10.000 đồng/ký, sau khi trừ chi phí lỗ từ 3.000-4.000 đồng/ký. Dù biết lỗ nhưng để giữ mối làm ăn tôi đành phải bán”.

Giải pháp tiêu thụ hành tím

Theo Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu, niên vụ sản xuất 2020-2021, thị xã Vĩnh Châu có 6.500ha sản xuất hành tím, với tổng sản lượng khoảng 100 nghìn tấn (hành tím sớm, hành chính vụ và hành giống). Ðến nay, hành tím thương phẩm đang tồn đọng trong dân khoảng 50.000 tấn. Nguyên nhân giá hành tím xuống thấp là do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, doanh nghiệp không xuất khẩu được làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, thu mua hành tím trong dân. Hiện giá hành tím tại địa phương chỉ dao động từ 6.000-10.000 đồng/ký nên nông dân trữ lại chờ giá, nếu kéo dài hơn nửa tháng thì lượng hành hao hụt sẽ rất nhiều. Trước tình hình đó, ngày 19-4-2021, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có Công văn số 637/UBND-VX về việc vận động kêu gọi ủng hộ tiêu thụ hành tím cho nông dân thị xã Vĩnh Châu. Công văn nêu rõ, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, tình hình tiêu thụ hành tím ở thị xã Vĩnh Châu gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, sản lượng hành tím tồn đọng trong dân, nếu không kịp thời tiêu thụ sẽ gây hư hỏng, làm thiệt hại kinh tế cho người sản xuất. Công văn đề nghị thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp, các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương vận động tất cả cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, người lao động và nhân dân ủng hộ, hỗ trợ tiêu thụ hành tím còn tồn đọng trong dân.

Hành tím Vĩnh Châu còn tồn đọng trong dân gần 50.000 tấn.

Ông Nguyễn Minh Chí, Phó trưởng phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu, cho biết: “Từ ngày có văn bản của UBND tỉnh kêu gọi tìm hướng tiêu thụ đến nay, đã giúp bà con tiêu thụ khoảng 100 tấn hành tím, với giá 15.000 đồng/ký. Ðối tượng hỗ trợ tiêu thụ là nông dân gặp khó khăn, nghèo, cận nghèo và hộ dân tộc thiểu số, qua đó nhằm giúp nông dân giải quyết khó khăn để tái sản xuất”. Còn ông Hứa Trường Sơn, Phó giám đốc Sở Công Thương Sóc Trăng, khẳng định: "Hành tím Vĩnh Châu vẫn có người mua nhưng do điều kiện cạnh tranh xuất khẩu và hành tím nước ngoài nhập về tiêu thụ trong nước nên bị ảnh hưởng giá cả và xuất khẩu. Hiện nay, trên sàn giao dịch có doanh nghiệp liên hệ với Sở Công Thương ngõ ý mua hết 50.000 tấn hành tím, với giá 5.000 đồng/ký. Tuy nhiên, giá này quá thấp, sau khi trừ chi phí chỉ có lỗ, nên nông dân không bán. Ðể hành tím dễ tiêu thụ, tỉnh Sóc Trăng đã thống nhất 2 giá là 15.000 đồng/ký đối với hành tím trồng theo truyền thống và hành tím trồng theo mô hình hữu cơ, nhà lưới sẽ có giá cao. Hiện nay, Sở Công Thương đang tổ chức kết nối với sàn giao dịch thương mại để liên kết các doanh nghiệp với Phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hành tím của nông dân”. Cũng theo ông Sơn, Chủ trương của UBND tỉnh tìm hướng tiêu thụ hành tím là phù hợp để giúp nông dân còn khó khăn, có vốn để tái sản xuất. Còn đối với doanh nghiệp còn tồn động hành tím, Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục đồng hành và làm cầu nối, phối hợp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giới thiệu hành tím đến các doanh nghiệp trong và ngoài nước tiêu thụ.

Bà Mã Thị Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Hành tím Vĩnh Châu được các doanh nghiệp đánh giá là ngon, ngọt và thơm, nhưng khi mua hành tím đem bảo quản trong kho lạnh không bao lâu thì hành mọc rễ trắng, mất giá trị. Ðặc biệt, khi tìm hiểu thị trường hành tím Vĩnh Châu một doanh nghiệp ở Nhật từng nói hành tím và củ cải được Nhật chế biến ra trên 400 sản phẩm, bán với giá rất cao. Vì vậy, tỉnh Sóc Trăng cần kết nối với doanh nghiệp nước ngoài, nhất là Nhật, để tiêu thụ sản phẩm. Sắp tới, để hành tím Vĩnh Châu cạnh tranh được thị trường trong nước và xuất khẩu thì UBND thị xã Vĩnh Châu và ngành nông nghiệp tỉnh cần tái cơ cấu, quy hoạch hành tím theo hướng sản xuất an toàn, sạch. Nhất là có kỹ thuật bảo quản hành tím phải đảm bảo kéo dài từ 3 đến 4 tháng trở lên”.

Ông Trần Tấn Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Hiện nay, diện tích trồng hành tím theo hướng hữu cơ ở Vĩnh Châu cũng đã tăng lên trên 1.000ha; chất lượng hành tím đạt cao, thời gian tồn trữ lâu dài hơn hành tím truyền thống. Vì vậy, ngành Nông nghiệp cũng khuyến khích bà con nên sản xuất theo hướng liên kết hợp tác xã, tổ hợp tác; trồng hành tím trong nhà lưới để điều chỉnh thời vụ, tránh thị trường hành bị “ùn tắc” để giá cả ổn định hơn. Sắp tới, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ cố gắng hỗ trợ nông dân trồng hành tím theo hướng GAP, hướng hữu cơ và trồng trong nhà lưới để giúp bà con tự điều chỉnh mùa vụ, chủ động hơn trong đầu ra cho hành tím”.

Theo ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng:”Do bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nên doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xuất khẩu hành tím sang các thị trường như: Indonesia, Malaysia, Singapore … Tuy tỉnh có biện pháp tìm hướng giúp nông dân tiêu thụ hành tím nhưng đây chỉ là giải pháp trước mắt, giúp nông dân tháo gỡ khó khăn để tái sản xuất, chứ không phải là giải pháp căn cơ. Vì đây là lần thứ hai, tỉnh “giải cứu” hành tím Vĩnh Châu (lần thứ nhất giải cứu vào năm 2015). Trong giai đoạn năm 2021-2025, ngành Nông nghiệp tỉnh và UBND thị xã Vĩnh Châu phải xây dựng kế hoạch tái cơ cấu lại trong sản xuất nông nghiệp cho phù hợp với cung-cầu để tránh rủi ro cho nông dân. Để tránh “giải cứu” thì ngành Nông nghiệp phải hướng dẫn nông dân tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác, sản xuất hành tím theo hướng hữu cơ, sản phẩm sạch, an toàn và bảo quản được lâu. Khi hành tím chứng nhận sản phẩm sạch, an toàn và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì các doanh nghiệp mới yên tâm tìm đến mua để xuất khẩu và đưa vào tiêu thụ trong hệ thống siêu thị”.

Bài, ảnh: LÝ THEN

Chia sẻ bài viết