17/09/2019 - 04:18

Hỗ trợ nông dân trồng cây ăn trái 

Bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ, cho biết: "Thông qua nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân, nhiều hội viên, nông dân đã được vay vốn ưu đãi để đầu tư cải tạo, áp dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất, lắp đặt các hệ thống phun tưới nước tự động cho vườn cây ăn trái. Qua đó, nâng cao hiệu quả kinh tế và giúp thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, Hội đã tổ chức nhiều đợt tập huấn kỹ thuật và hội thảo đầu bờ gắn với tham quan các mô hình sản xuất hiệu quả để nông dân "tận mắt thấy" và giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm thực tế tham vấn ý kiến từ các chuyên gia"...

Nông dân tham quan mô hình trồng nhãn tại Hợp tác xã nhãn Thái Thanh ở ấp 3, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ.

Nông dân tham quan mô hình trồng nhãn tại Hợp tác xã nhãn Thái Thanh ở ấp 3, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ.

Nông dân được "cọ xát" thực tế

Mới đây, Hội Nông dân TP Cần Thơ đã phối hợp Trung tâm Khuyến nông TP Cần Thơ và huyện Cờ Đỏ tổ chức hội thảo đầu bờ với chủ đề "Thực trạng và xu hướng phát triển cây ăn trái tại TP Cần Thơ" tại Hợp tác xã nhãn Thái Thanh ở ấp 3, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ. Tham dự hội thảo, nhiều nông dân cho biết, nhờ những buổi hội thảo đầu bờ, cọ sát thực tế, nông dân có được nhiều thông tin, kiến thức bổ ích chăm sóc vườn cây. Từ đó, nông dân định hướng tốt hơn về lựa chọn đối tượng cây trồng có tín hiệu tốt về đầu ra và phù hợp với điều kiện sản xuất của mình.

Ông Huỳnh Văn Giàu, ngụ ấp 5, xã Thới Hưng, cho biết: "Tôi có hơn 1ha trồng nhãn Ido 8 năm tuổi và đang cho thu nhập rất tốt, với trên dưới 200 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, đôi lúc vườn nhãn của tôi bông nhãn khó đậu trái do thời tiết bất lợi nên tôi rất vui khi đến hội thảo này để được trao đổi với các chuyên gia và những nhà vườn có kinh nghiệm về cách khắc phục và giúp vườn nhãn cho trái ổn định lâu dài". Do mới chuyển 5 công đất sản xuất lúa kém hiệu quả lên trồng bưởi da xanh và mãng cầu ta nên ông Võ Văn Nghĩa ở xã Thới Đông, rất cần nắm bắt thông tin về kỹ thuật  trồng cây sao cho hiệu quả. Theo ông Nghĩa, tham gia hội thảo được tiếp cận nhiều thông tin bổ ích, làm quen với nhiều nông dân trồng cây ăn trái để có thể chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm với nhau cho cả quá trình sản xuất lâu dài.

Theo bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ, từ đầu năm 2019 đến nay, các cấp hội nông dân thành phố cũng đã tích cực phối hợp các đơn vị liên quan triển khai nhiều hoạt động cung cấp thông tin, tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ về vốn, giống… để nông dân có điều kiện phát triển trồng cây ăn trái và các hoạt động sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả. Đồng thời, vận động nông dân tăng cường liên kết thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để thuận lợi trong sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng cao và kết nối doanh nghiệp bao tiêu, tạo đầu ra sản phẩm ổn định.

Hướng tới sản xuất bền vững

Cần Thơ  có hơn 18.466ha cây ăn trái, với sản lượng trái trên 111.520 tấn/năm. Trái cây được trồng tại hầu khắp các quận, huyện của thành phố và đa dạng về chủng loại. Nhiều diện tích trồng cây ăn trái ngon, đặc sản như: dâu Hạ Châu, vú sữa Lò Rèn, sầu riêng, nhãn, xoài... giúp nông dân có thu nhập mỗi năm từ 300-700 triệu đồng/ha, thậm chí cao hơn. Song, việc phát triển vườn cây ăn trái tại nhiều nơi còn nhỏ lẻ chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, nông dân chưa có hợp đồng bao tiêu của doanh nghiệp, chủ yếu bán cho thương lái nên đầu ra sản phẩm còn bấp bênh. Bên cạnh đó, việc phát triển trồng cây ăn trái của người dân tại nhiều nơi cũng còn gặp khó do nông dân chưa rành kỹ thuật chăm sóc cây, trong khi biến đổi khí hậu và dịch hại trên nhiều loại cây ăn trái ngày càng diễn biến phức tạp, chất lượng nguồn cây giống chưa đảm bảo. Ngoài ra, nông dân còn gặp khó trong tiếp cận nguồn vốn để mở rộng sản xuất và áp dụng công nghệ kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành sản xuất.

Theo ông Lê Hữu Trạng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cờ Đỏ, tới đây cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các sở ngành, địa phương để tiếp tục huy động tốt các nguồn lực và tranh thủ tối đa các nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án để tăng cường tổ chức tập huấn kỹ thuật, dạy nghề trồng cây ăn trái. Khuyến khích sản xuất theo hướng hữu cơ, áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp, trong đó tập trung các giải pháp sinh học nhằm tạo các sản phẩm đảm bảo chất lượng. Khuyến khích, hỗ trợ nông dân liên kết theo chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu sản phẩm và phát triển các mô hình sản xuất theo các tiêu chuẩn sạch, an toàn nhằm tạo lợi thế về chất lượng sản phẩm, quy mô hàng hóa. Quản lý chặt chẽ việc cung ứng các loại giống cây trồng, khuyến khích hình thành các cơ sở cung cấp cây giống có nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo chất lượng. Hỗ trợ kinh phí cho hợp tác xã, tổ hợp tác cây ăn trái đăng ký xây dựng quy trình sản xuất VietGAP, đăng ký nhãn hiệu cho các sản phẩm cây ăn trái trên địa bàn…

Huyện Cờ Đỏ hiện có hơn 3.371ha cây ăn trái các loại, trong đó tập trung chủ yếu tại xã Thới Hưng với diện tích 2.887ha. Thời gian qua, nhiều nông dân trồng cây ăn trái tại huyện có lợi nhuận trên cùng diện tích cao gấp 2-4 lần so với trồng lúa. Tại huyện đã thành lập được 4 hợp tác xã và có 6 tổ hợp tác trồng cây ăn trái, phát triển sản xuất theo hướng VietGAP, được cấp mã Code và định vị vùng trồng nhằm đáp ứng tốt cho cả nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết