16/10/2021 - 08:48

Hỗ trợ hội viên, phụ nữ giảm nghèo 

Trong nhiệm kỳ 2016-2021, các cấp Hội LHPN quận Ô Môn hoàn thành những chỉ tiêu đã đề ra. Nổi bật là các hoạt động hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo, nâng cao mức sống... Hội đã hỗ trợ 4.825 lượt chị vay, với dư nợ 138 tỉ đồng để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, mua bán nhỏ; xây dựng và sửa chữa 26 Mái ấm tình thương, tổng trị giá hơn 1,1 tỉ đồng… Từ những hình thức hỗ trợ, 5 năm qua, các cấp Hội giúp 498 chị vươn lên thoát nghèo, đạt 120% so với chỉ tiêu nghị quyết.

Cán bộ Hội LHPN quận Ô Môn dự lễ bàn giao Mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo tại phường Phước Thới.

Cán bộ Hội LHPN quận Ô Môn dự lễ bàn giao Mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo tại phường Phước Thới.

Mô hình “Trồng rau an toàn” tại khu vực Thới Trinh, phường Phước Thới là một trong những mô hình kinh tế hiệu quả được xây dựng trong thời gian qua. Thành lập năm 2018, đến nay mô hình này thu hút 8 thành viên, thu nhập trung bình của các thành viên đạt từ 2-3 triệu đồng/tháng/công đất. Chị Nguyễn Thị Ngọc Thẫn kể: “Được các cấp Hội tuyên truyền, vận động, tôi tham gia mô hình từ năm 2018. Tôi tận dụng  khoảng 1.000m2 đất trống quanh nhà trồng các loại cải xanh, cải ngọt. Hiện thu nhập từ vườn rau khoảng 3 triệu đồng/tháng”. Chị Nguyễn Thị Thảo Nguyên, tham gia mô hình từ năm 2018, được hỗ trợ vay 30 triệu đồng để đầu tư canh tác 5.000m2. Chị Nguyên trồng dưa leo, cải các loại… Hiện nay, mỗi công rau màu cho gia đình thu nhập trung bình 2 triệu đồng/tháng.

Mô hình “Hỗ trợ phụ nữ dân tộc phát triển kinh tế” của Hội LHPN phường Trường Lạc cũng được đánh giá rất thiết thực, giúp nhiều chị em tăng thu nhập, nâng cao mức sống. Tham gia mô hình, các chị được hỗ trợ vay vốn, đầu tư mua bán nhỏ, sản xuất, chăn nuôi… Mô hình có 92 thành viên và dự kiến sẽ tiếp tục nhân rộng ra thêm 10 thành viên vào cuối năm 2021. Hiện tại, thu nhập của các thành viên đạt từ 4-6 triệu đồng/tháng. Hội LHPN phường Trường Lạc còn vận động chị em phụ nữ dân tộc thực hiện tiết kiệm với mô hình “Nuôi heo đất”. Năm 2019, có 34 chị tham gia, cuối năm khui heo đất, tổng số tiền tiết kiệm là 97,6 triệu đồng. Năm 2020, có 40 chị tham gia, đến cuối năm, số tiền tiết kiệm là 117 triệu đồng. Theo chị Đặng Thị Thấm Tháp, Chủ tịch Hội LHPN phường Trường Lạc, số tiền tiết kiệm nuôi heo đất ngoài việc chăm lo cho gia đình, chị em trích lại 10% làm quỹ để chăm lo cho con em hội viên của chi hội, có hoàn cảnh khó khăn, trong những dịp Tết, năm học mới, trúng tuyển nghĩa vụ quân sự… Kết quả, hằng năm, có từ 8 đến 11 chị là người dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo. Đời sống kinh tế từng bước được nâng lên, các chị dành thời gian sinh hoạt, học tập nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe cho bản thân và cho gia đình, chăm lo cho con em được học hành đến nơi đến chốn.

Trong nhiệm kỳ qua, để giúp hội viên, phụ nữ hoàn cảnh khó khăn được an cư, các cấp Hội xây dựng mới và sửa chữa 26 Mái ấm tình thương. Gia đình chị Trần Thị Đầm ở phường Phước Thới, là một trong những hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Hội chăm lo nhiều mặt. Cách đây khoảng 4 năm, chị Đầm bị ung thư, tinh thần chị rất suy sụp. Hội đã vận động, hỗ trợ chi phí thuốc men; cán bộ Hội thường xuyên đến nhà thăm hỏi, động viên tinh thần. Đầu năm 2021, chị được Hội LHPN quận xét cất tặng Mái ấm tình thương trị giá 40 triệu đồng. Hay như trường hợp bà Huỳnh Thị Hết ở khu vực Long Định, phường Long Hưng, thuộc diện hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có một người con bệnh bẩm sinh, không nói được. Bà được Hội LHPN quận Ô Môn hỗ trợ cất căn nhà 40 triệu đồng để ổn định cuộc sống...

Chị Võ Thị Thúy Đoan, Chủ tịch Hội LHPN quận Ô Môn, cho biết: “Trong nhiệm kỳ 2016-2021, từ những hoạt động hỗ trợ của các cấp Hội, đã giúp 498 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, vươn lên thoát nghèo. Nhiệm kỳ 2021-2026, bên cạnh duy trì, nâng chất các mô hình hiện có, chúng tôi tiếp tục xây dựng các mô hình mới thu hút chị em tham gia, giúp tăng thu nhập, giảm hộ nghèo, nâng cao mức sống cho hội viên, phụ nữ”.

Bài, ảnh: TÂM KHOA

Chia sẻ bài viết