25/03/2018 - 08:57

Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu 

Năm 2017, trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, kim ngạch xuất khẩu của Cần Thơ đứng thứ tư, xếp trên Đà Nẵng và đứng sau TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng. Hai sản phẩm xuất khẩu chủ lực của thành phố là gạo và thủy sản. Thành phố đang nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) xây dựng vùng nguyên liệu, phục vụ cho mục tiêu xuất khẩu và đáp ứng các yêu cầu cạnh tranh trong hội nhập kinh tế.

Dây chuyền chế biến gạo của Công ty TNHH MTV Quang Phát, quận Thốt Nốt. Ảnh: Minh Huyền

Tín hiệu khả quan

Năm 2018, TP Cần Thơ xác định tập trung thúc đẩy các hoạt động cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ DN đổi mới thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ; đổi mới mô hình quản lý, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và thương hiệu hàng hóa, sản phẩm trong nước, quốc tế. Gặp gỡ, đối thoại với DN, chủ động tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy tháo gỡ khó khăn cho DN sang tư duy phục vụ DN.

Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, năm 2017 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố đạt gần 1,4 tỉ USD, tăng 16,3% so với năm 2016. Năm 2018, dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu và doanh thu dịch vụ của thành phố đạt 1,79 tỉ USD tăng 1,2% so với năm 2017 (trong đó, kim ngạch xuất khẩu là 1,41 tỉ USD). Để đạt mục tiêu này, ngành công thương thành phố đang nỗ lực kết nối thị trường, hỗ trợ DN xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu. Trong đó tập trung vào hai sản phẩm chủ lực là gạo và thủy sản.

Năm 2017, giá trị xuất khẩu của gạo và thủy sản chiếm hơn 58,2% tổng giá trị xuất khẩu toàn thành phố; trong đó gạo đạt 315 triệu USD, thủy sản 500 triệu USD. Theo nhận định của một số DN ngành thủy sản, năm 2018 thị trường khởi sắc ngay trong những tháng đầu năm. Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương thành phố nhận định, đối với ngành thủy sản, một số DN đã đưa sản phẩm vào thị trường Mỹ và được hưởng chính sách ưu đãi. Như Công ty TNHH thủy sản Biển Đông hiện tại đã hoạt động hết công suất, nhưng cũng chưa đáp ứng hết đơn hàng của thị trường này. Các DN thủy sản khác cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu sang các quốc gia châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và một số nước Trung Đông, châu Phi.

Theo ông Nguyễn Minh Toại, sản phẩm thủy sản của DN Cần Thơ đã xuất sang thị trường 150 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Sản phẩm cá tra cũng đang dần đi vào phân khúc cấp cao, đáp ứng các rào cản kỹ thuật của Mỹ và EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Các DN đã mạnh dạn thay đổi công nghệ, áp dụng quy trình sản xuất sạch, an toàn khép kín từ đầu vào đến đầu ra để đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường khó tính. DN cũng tăng cường kiểm tra nguyên liệu từ đầu vào và loại, không đưa vào chế biến nếu kiểm tra còn dư lượng. Đồng thời hướng dẫn nông dân quy trình nuôi, đảm bảo an toàn dịch bệnh, không để tồn dư dư lượng kháng sinh.

Mô hình nuôi cá tra ở cù lao Tân Lộc, Thốt Nốt. Ảnh: Minh Huyền

Năm 2018, thị trường gạo được dự báo khởi sắc về sản lượng và giá trị. Theo ông Nguyễn Minh Toại, đối với những DN tốt và đã khẳng định được uy tín trên thị trường thì kim ngạch sẽ tăng. Còn DN uy tín chưa cao cũng vẫn khó, bởi hiện gạo xuất khẩu của DN trên 50% chưa có thương hiệu. Do vậy, ngành công thương thành phố đang cùng các đơn vị liên quan hỗ trợ DN xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng thương hiệu để nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN.

Kết nối thực chất

Trên thực tế, nguồn nguyên liệu lúa, cá tra tại thành phố chỉ đáp ứng 1/3 công suất và nhu cầu chế biến của nhà máy, còn lại DN phải thu mua từ các tỉnh trong vùng ĐBSCL. Ông Nguyễn Minh Toại, cho biết: “Có thể khẳng định hệ thống nhà máy chế biến gạo tại Cần Thơ đứng đầu vùng ĐBSCL, có nhà máy đầu tư đến 700-800 tỉ đồng, nhà máy thấp nhất cũng khoảng 150 tỉ đồng. Nhà máy chế biến cá tra cũng vậy. Các DN thành phố đang phát triển công nghệ chế biến sâu và làm đầu mối tiêu thụ nguyên liệu, sản phẩm cho các nhà máy khác của vùng”. Hiện sản lượng lúa sản xuất tại Cần Thơ một năm chỉ đủ đáp ứng nhu cầu của nhà máy trong 3 tháng, còn lại phải thu mua từ các tỉnh trong vùng ĐBSCL. DN thành phố đang bao tiêu lúa cho nông dân các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang và Đồng Tháp. Đồng thời tập trung xây dựng thương hiệu cho DN của mình, thương hiệu cho từng sản phẩm xuất khẩu. Một số thương hiệu đã có chỗ đứng trên thị trường có thể kể đến như: Gạo sông Hậu, gạo Trung An, Vinacam, Quang Phát, Hoàng Minh Nhật, Hiệp Phát…

Theo ông Nguyễn Minh Toại, ngành công thương thành phố có nhiều hình thức hỗ trợ DN xuất khẩu. Cụ thể như: tổ chức các đợt xúc tiến, làm việc với các hợp tác xã  (HTX) cụ thể để DN ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm; hỗ trợ các HTX làm vệ tinh bao tiêu lúa cho nông dân các địa phương và cung ứng lại cho DN chế biến; tổ chức buổi tọa đàm để DN và HTX, tổ hợp tác gặp nhau cùng trao đổi để thống nhất các hợp đồng bao tiêu, hạn chế tình trạng bẻ kèo hợp đồng. Những đối tác có nhu cầu mua gạo tìm đến thành phố, sở sẽ kết nối đến DN; giới thiệu cho DN tiếp xúc với các Tham tán thương mại Việt Nam ở các nước hỗ trợ DN xác tín thông tin đối tác, giảm rủi ro cho DN. Đặc biệt là hỗ trợ DN Cần Thơ mở công ty tại nước ngoài. Năm 2017, có 3 DN thành phố đã mở công ty ở nước ngoài (Cộng hòa Séc, Canada, Mỹ) và bước đầu khởi sắc…

Cùng với ngành công thương, ngành nông nghiệp thành phố đang tăng cường xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ cho chế biến, giúp tăng giá trị ngành hàng. Tháng 8-2017, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận nhãn hiệu “Gạo Cần Thơ” và sở là đơn vị chủ quản. “Điều quan trọng là làm sao phát triển thành thương hiệu mạnh, để khi nói tới gạo Cần Thơ thì người tiêu dùng đều biết đến. Để phát triển nhãn hiệu này, Sở chia làm 3 nhóm gạo: gạo thơm đặc sản, gạo chất lượng cao và nhóm gạo thường phục vụ cho lĩnh vực chế biến. Đồng thời sẽ ban hành tiêu chuẩn, tiêu chí cho từng nhóm gạo”- Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cho biết.

Theo bà Nguyễn Thị Kiều, ngành nông nghiệp đang tập trung xây dựng vùng nguyên liệu thông qua “Cánh đồng lớn”, xây dựng vùng sản xuất lúa sạch. Năm 2018, Cần Thơ triển khai 10.000ha cánh đồng sạch (chủ yếu giống lúa thơm, đặc sản) và mở rộng dần lên đến năm 2020 đạt 30.000ha. Tới đây sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông, tổ chức những hội thảo chuyên đề; mời gọi DN tham gia đăng ký sử dụng nhãn hiệu “Gạo Cần Thơ” nhưng với điều kiện là thực hiện đúng quy chế của Sở NN&PTNT ban hành. Chẳng hạn DN đăng ký các giống lúa thơm như: Jasmine, VD20… thì DN phải đảm bảo độ thuần, không được pha trộn. “Rất khó để đặt mốc thời gian thành công cho một thương hiệu, nhưng sự nỗ lực của tất cả các ngành cùng với ngành nông nghiệp thì chặng đường mất khoảng 3-5 năm”- bà Kiều nói. Mục tiêu của ngành là đưa sản phẩm giới thiệu, đưa vào kênh tiêu thụ của DN, siêu thị, hội chợ, cửa hàng tiện ích… Giá sản phẩm phải đảm bảo tốt nhất cho người sản xuất và người tiêu dùng chấp nhận được.

Lợi thế sản xuất lúa của thành phố hiện nay là vụ đông xuân, nhóm gạo thơm chiếm khoảng 70% diện tích gieo trồng; vụ hè thu và thu đông lúa chất lượng cao 80-90% diện tích gieo trồng, nhóm phục vụ chế biến trên dưới 20%. Đây là điều kiện tốt để DN xây dựng vùng nguyên liệu và thương hiệu. Ông Nguyễn Minh Toại, cho biết: “Quá trình tạo dựng thương hiệu phải mất 2-3 năm để các DN cũng như nông dân chứng minh sản phẩm của mình đạt chất lượng tốt, đảm bảo an toàn cho tiêu dùng và giữ vững uy tín. Không thể nói nay có nhãn hiệu rồi thì mai sẽ có vị trí trên thị trường. Vấn đề này để thị trường nhìn nhận và khi khách hàng đặt hàng thì mình mới gọi là thành công”. Thành phố đang nỗ lực đầu tư phát triển logistics phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Hiện tại DN chuyển hàng từ Cần Thơ lên TP Hồ Chí Minh để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, chi phí tăng thêm khoảng 10 USD/tấn sản phẩm. Nếu trung tâm logistics hình thành tại Cần Thơ, thời gian vận chuyển rút ngắn lại và tạo điều kiện tốt cho DN giảm chi phí đầu tư. 

Song Nguyên

Chia sẻ bài viết