16/05/2022 - 21:59

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giao dịch, xúc tiến thương mại xuyên biên giới 

Bài, ảnh: MỸ THANH

Kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới mở ra nhiều cơ hội để khu vực kinh tế tư nhân nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nói riêng phát triển, đặc biệt là hoạt động giao dịch, xúc tiến thương mại xuyên biên giới. Cùng với những thuận lợi, DNNVV cũng đối mặt với nhiều khó khăn, rủi ro: tranh chấp thương mại, thiếu kỹ năng đàm phán hợp đồng, nguy cơ mất hàng... Do đó, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, việc hỗ trợ từ phía nhà nước, các tổ chức để DNNVV tận dụng thời cơ, giảm thiểu rủi ro trong hoạt động giao dịch, xúc tiến thương mại xuyên biên giới là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

DNNVV cần trang bị kiến thức, kỹ năng để đàm phán hợp đồng, quản trị rủi ro khi tham gia hoạt động thương mại xuyên biên giới. Trong ảnh: Dây chuyền may áo sơ mi xuất khẩu tại Công ty CP May Tây Đô. 

Nhiều khó khăn

Theo Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, khu vực kinh tế tư nhân hiện có 6 triệu đơn vị kinh doanh, trong đó có 850.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Khu vực kinh tế này đóng góp 40% GDP, huy động 45% tổng nguồn vốn đầu tư cho xã hội, tạo việc làm cho khoảng 83% tổng số lao động của Việt Nam. Ðây là khu vực năng động, sáng tạo, linh hoạt và được thể hiện rất rõ trong đại dịch COVID-19 hơn 2 năm qua. Mặc dù đã có bước trưởng thành, song khu vực kinh tế tư nhân đang gặp nhiều hạn chế trong hành trình phát triển: 98% cơ sở kinh doanh có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa; trình độ quản lý thấp; nguồn nhân lực yếu cả về số lượng lẫn chất lượng; tư duy kinh doanh còn manh mún, ngắn hạn… Những hạn chế này là lực cản trong hành trình DNNVV vươn tầm thế giới.

Ðối với xuất khẩu nông sản, Việt Nam đã ghi nhận dấu ấn khi xuất sang 186 quốc gia, vùng lãnh thổ. Các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang phát huy hiệu lực, doanh nghiệp có nhiều cơ hội mở rộng thị trường. Và trên thực tế các container hàng nông sản đầu tiên đã lên đường sang các thị trường khó tính từ các FTA. Song, nhiều chuyên gia cho rằng, để phát huy lợi thế, gia tăng sản lượng, giá trị xuất khẩu, doanh nghiệp cần hướng đến sản xuất sạch, theo tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc sản phẩm để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, chia sẻ: "Gần đây, chúng ta có nhiều lô hàng nông sản xuất khẩu sang thị trường khó tính, tuy nhiên doanh nghiệp không nên thỏa mãn với thành quả này bởi các đơn hàng vốn còn nhỏ lẻ, chưa định vị được thương hiệu trên thị trường quốc tế. Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần nỗ lực hơn trong việc nâng cao chất lượng, chú trọng chế biến sâu để đáp ứng nhu cầu đa dạng từ thị trường".

Trên thực tế, hoạt động giao dịch, xúc tiến thương mại xuyên biên giới vốn nhiều rủi ro. Theo ông Nguyễn Hoàng Hà, Phó Trưởng phòng Thuận lợi hóa thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương: Trong giai đoạn hiện nay, không chỉ thương mại truyền thống mà thương mại điện tử xuyên biên giới cũng trở nên sôi động. DNNVV vốn nhiều hạn chế, non trẻ nên mất lợi thế, dễ bị chèn ép, nhất là không tham gia vào các hiệp hội, tổ chức. Những năm qua, các vụ gian lận thương mại điện tử xuyên biên giới diễn ra không ít nhưng việc thống kê, đúc kết bài học để chia sẻ rút kinh nghiệm trong cộng đồng doanh nghiệp chưa nhiều nên tình trạng "giẫm vào vết xe đổ" vẫn không phải là hiếm gặp.

Tiếp sức

Bà Trịnh Thị Hương, Trưởng Phòng Tổng hợp và Chính sách, Cục Phát triển doanh nghiệp, nhấn mạnh: "Ði ra biển lớn, DN phải đương đầu với sóng to, gió lớn, để giảm rủi ro hiện hữu và tiềm ẩn, doanh nghiệp phải trang bị các kiến thức, kỹ năng không chỉ biết pháp luật, thị trường, quản trị mà còn biết các kỹ năng đàm phán, thương lượng để phòng ngừa, ứng phó rủi ro. Về phía Cục Phát triển doanh nghiệp, để thúc đẩy kinh tế tư nhân, chúng tôi phối hợp với các bộ ngành, đề xuất tham mưu cho các cấp thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Mặt khác, do nguồn ngân sách hạn chế, thời gian qua, Cục Phát triển doanh nghiệp tăng cường hợp tác quốc tế huy động nguồn lực ngoài ngân sách hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Gần đây nhất là phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) thực hiện dự án Dự án tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC)".

Theo đó, Dự án IPSC thực hiện trong 5 năm, với nguồn vốn lên tới 36 triệu USD do USAID tài trợ. Mục tiêu dự án nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng (SGBs) của Việt Nam, thông qua các hỗ trợ tăng cường chiến lược phát triển của doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ mới và tiếp cận thị trường. Ðồng thời, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho 5.000 doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng nhằm giúp nâng cao năng suất và hỗ trợ 240 SGBs thành công gia nhập thị trường khu vực và quốc tế, bao gồm cả việc định vị thành công các sản phẩm mang thương hiệu Việt.

Từ những khó khăn, rủi ro DNNVV đang gặp phải, ông Nguyễn Hoàng Hà đề xuất dự án IPSC nên tập trung đào tạo, tập huấn về pháp luật, thể chế trong các hoạt động thương mại quốc tế. Các kiến thức này là nền tảng quan trọng để doanh nghiệp tự tin tham gia giao dịch, xúc tiến thương mại xuyên biên giới. Về phía doanh nghiệp cần chủ động tham gia hiệp hội, cộng đồng mua bán để có thể liên kết, chia sẻ kinh nghiệm và tạo sức mạnh tổng hợp khi đối mặt rủi ro. Ðồng thời, kết nối với cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để xác minh, thẩm định thông tin về khách hàng trước khi tiến hành hoạt động mua bán…

Ðể an toàn cho hoạt động giao dịch xuyên biên giới, ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, lưu ý: "Doanh nghiệp cần đặt ra các kịch bản, tình huống trong quá trình giao dịch. Nhiều doanh nghiệp còn yếu về năng lực về hợp đồng, chỉ nghĩ làm sao để bán được hàng trong khi các yếu tố pháp lý, tư vấn pháp lý hoặc khi tranh chấp thì giải quyết như thế nào, ở đâu thì lại không nắm rõ. Mặt khác, doanh nghiệp cũng cần quan tâm vấn đề quản trị rủi ro khi bị khách hàng cố tình bỏ hàng, đưa vào thế kẹt, ép giá nhất là đối với các loại hàng không bảo quản lâu được, trong khi chi phí "quay đầu" rất lớn. Doanh nghiệp cần nhận thức rõ việc giao nhận hàng hóa là chuỗi phức tạp nên chọn đơn vị cung cấp logistics có uy tín để đảm bảo hàng hóa giao dịch được an toàn, thông suốt".

Chia sẻ bài viết