25/06/2022 - 12:05

Ông Hồ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội TP Cần Thơ:

Hỗ trợ can thiệp sớm, tạo cơ hội để trẻ tự kỷ hòa nhập xã hội tốt nhất 

TP Cần Thơ vừa khởi động Dự án “Hỗ trợ can thiệp sớm cho trẻ em có rối loạn phổ tự kỷ (RLPTK) tại TP Cần Thơ giai đoạn 2022-2024” do Tổ chức Saigon Children’s Charity (SCC) tài trợ. Xoay quanh vấn đề này, ông Hồ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) thành phố, Trưởng Ban quản lý Dự án, cho biết:  

- Theo thống kê của Phòng khám tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, từ tháng 9-2019 đến nay, có 1.161 trẻ từ 0,5-16 tuổi được tiếp nhận đánh giá, sàng lọc; trong đó, có 112 trẻ được kết luận RLPTK, có 93/112 trẻ từ 0,5-6 tuổi. Hiện khó khăn lớn nhất là hệ thống cơ sở chuyên về hỗ trợ trẻ tự kỷ sau khi được chẩn đoán tại Cần Thơ còn khá ít, gần như chưa có cơ sở công lập. Người dân, nhất là phụ huynh trẻ tự kỷ, hạn chế nhận thức, hiểu biết về RLPTK; đội ngũ nhân viên được đào tạo chuyên sâu về can thiệp sớm chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, bệnh viện gặp khó khăn nguồn nhân lực thực hiện chẩn đoán đạt hiệu quả cao; các hoạt động truyền thông, tập huấn giáo viên để phát hiện sớm trẻ tự kỷ chưa thường xuyên. Ðối với trẻ tự kỷ các gia đình nghèo, cận nghèo không có điều kiện tiếp cận các dịch vụ với chi phí khá cao (từ 4-6 triệu đồng/tháng).

* Xin ông cho biết mục tiêu, các hoạt động cụ thể cũng như tính khả thi của Dự án?

- Dự án được triển khai thực hiện đưa vào hoạt động mô hình can thiệp sớm cho trẻ em tự kỷ tại thành phố, ưu tiên hoạt động đào tạo trang bị kiến thức và kỹ năng làm việc trực tiếp với trẻ tự kỷ cho nhân viên CTXH để vận hành Phòng can thiệp sớm cho trẻ có RLPTK tại Trung tâm. Những năm tiếp theo, Dự án tiếp tục tập trung nâng cao năng lực công tác sàng lọc, chẩn đoán và đánh giá về trẻ tự kỷ cho nhân viên y tế tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ; đặc biệt, cung cấp và tổ chức tập huấn kỹ thuật sử dụng bộ công cụ sàng lọc và chẩn đoán trẻ tự kỷ. Dự án mong muốn hỗ trợ phụ huynh hiểu biết về tự kỷ và kỹ năng hỗ trợ con tự kỷ trong quá trình can thiệp sớm. Ðồng thời, nâng cao nhận thức về RLPTK cho cán bộ phụ trách công tác, hoạt động liên quan trẻ em, giáo viên mầm non.

Dự án hướng đến hỗ trợ can thiệp sớm, tạo cơ hội để trẻ tự kỷ hòa nhập xã hội tốt nhất. Quá trình triển khai thực hiện, Dự án mong muốn được cả hệ thống chính trị và cộng đồng ủng hộ, hưởng ứng. Tham gia Dự án, nhóm viên chức, nhân viên phụ trách lĩnh vực này được đào tạo bài bản, chuyên sâu bởi các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ. Qua đó, nắm vững kiến thức, thực hành thành thạo các kỹ năng, đảm bảo ứng dụng hiệu quả trong quá trình can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ.

* Sau khi khởi động, Dự án vận hành các hoạt động gì nhằm đảm bảo sớm đến với đối tượng thụ hưởng, thưa ông?

- Trước mắt, năm đầu tiên, Dự án tập trung nâng cao năng lực nhóm nhân viên can thiệp sớm trẻ có RLPTK tại Trung tâm. Cụ thể, sẽ tham gia khóa đào tạo tại Khoa Giáo dục đặc biệt thuộc Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP Hồ Chí Minh. Ðồng thời, tại Trung tâm CTXH thành phố sẽ hình thành và vận hành phòng can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ, với sự hỗ trợ của các chuyên gia thuộc Tổ chức SCC. Trung tâm phối hợp Bệnh viện Nhi đồng thành phố và các trung tâm, phòng khám trên địa bàn thành phố tiếp nhận hỗ trợ trẻ tự kỷ, ưu tiên trẻ tự kỷ thuộc gia đình nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Các năm tiếp theo, Dự án quan tâm nâng cao năng lực đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng thành phố về công tác sàng lọc, chẩn đoán và đánh giá trẻ có RLPTK; phối hợp ngành giáo dục và đào tạo, các địa phương nâng cao nhận thức giáo viên mầm non và phụ huynh để sớm phát hiện trẻ có RLPTK.

Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Trung tâm CTXH thành phố tặng hoa và quà cho đại diện Tổ chức SCC tại Lễ khởi động Dự án. 

RLPTK ngày càng phổ biến và trở thành vấn đề cấp bách đối với đời sống, rất cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Ðể Dự án đi vào cuộc sống, Trung tâm CTXH thành phố đề xuất lãnh đạo thành phố, các ngành chức năng đặc biệt quan tâm việc phát hiện và can thiệp sớm đối với trẻ RLPTK, tăng cường phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực này cả về số và chất lượng. Riêng đối với ngành y tế, ngành giáo dục và đào tạo, Hội LHPN thành phố thường xuyên quan tâm phối hợp, tạo điều kiện để các hoạt động Dự án được triển khai thực hiện thuận lợi và đạt hiệu quả cao nhất.

* Xin cảm ơn ông!l

ANH PHƯƠNG (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết