Trong quá trình di cư sang nước ta, những lưu dân người Hoa đã gặp phải không ít khó khăn do sóng to gió lớn trong chuyến đi, cuộc sống cơ cực nơi đất khách quê người. Tín ngưỡng mang theo từ quê nhà kết hợp với tín ngưỡng bản địa nơi họ đến sống làm cho đời sống tinh thần của người Hoa thêm phong phú, tạo nên sự hỗn dung văn hóa trong đời sống tâm linh. Đời sống tâm linh đó được thể hiện qua các Hội quán - dân gian quen gọi là chùa Hoa. Có thể nói Hội quán là trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người Hoa. Những gì thiêng liêng cao quý, tôn kính đều được đặt trong Hội quán. Tiêu biểu nhất là tín ngưỡng thờ Quan Công và Thiên Hậu Thánh Mẫu. Đặc biệt Quan Công là vị thần được bà con người Hoa hết lòng tôn kính về lòng trung, hiếu, tiết nghĩa, gắn liền với câu chuyện kết nghĩa của ông với Lưu Bị và Trương Phi ở vườn đào. Họ tôn ông là Quan Thánh Đế Quân và thờ ông ở khá nhiều nơi.
Theo sách xưa, Quan Công sinh năm 162 và mất năm 219, người tỉnh Sơn Tây, trấn Giải Châu, thôn Thường Bình. Trong thời buổi giặc khăn vàng nổi lên, ông gặp Lưu Bị, Trương Phi rồi kết nghĩa tình thân.
Trong quá trình giúp Lưu Bị bình định thiên hạ, Quan Công nhiều lần xông pha trận mạc. Có lần Quan Công bị Tào Tháo bắt. Tào Tháo đối đãi ông như một thượng khách hầu để mua chuộc ông, nhưng Quan Công vẫn một mực giữ vững khí tiết, trung nghĩa với Lưu Bị. Chính nghĩa khí can trường của ông đã làm cho cộng đồng người Hoa hết lòng tôn kính. Điều này cũng ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con người Hoa - đặc biệt là trong lĩnh vực buôn bán kinh doanh thì rất giữ gìn chữ tín. Quan Công trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Hoa như một vị thần đầy dũng khí, tín nghĩa trong đời sống tâm linh. Nơi nào có đông đảo người Hoa sinh sống, họ đều lập Hội quán để thờ ông như là sự hiện thân cho tâm tính và lối sống của họ. Dù trong chùa (mộ quân) hay trong nhà, bàn thờ ông được đặt rất trang trọng ở nơi chính điện, được trang trí hết sức lộng lẫy.
Về ngày vía của Quan Công, hiện nay ở nhiều nơi chưa thống nhất. Có nơi chọn ngày 24 tháng 6, có nơi chọn ngày 13 tháng 5, nơi chọn ngày 13 tháng giêng. Đa số người Hoa Quảng Đông chọn ngày 24 tháng 6 âm lịch, còn người Triều Châu thì chọn ngày 13 tháng 5 âm lịch. Sự khác biệt này có thể do mỗi nơi căn cứ vào ngày mất hoặc ngày sắc phong của triều đình để làm ngày vía. Triều đình phong kiến Trung Quốc đã hai lần sắc phong cho Quan Công nhằm ca ngợi công đức của ông. Vào triều Ung Chính hoàng đế năm thứ 5 (1727) gia phong xuân thu nhị tế, nên ban thêm một ngày tế lễ nữa, là ngày 13 tháng 5 âm lịch. Đến triều Đạo Quan hoàng đế năm thứ 8 (1828) gia phong Quan Công là “oai hiển” vào ngày 13 tháng giêng âm lịch.
|
Tượng thờ Quan Công. |
Hằng năm vào ngày vía, các vị cao tuổi trong Ban trị sự chùa cùng đông đảo người Hoa ở địa phương tổ chức lễ vía Ông, được gọi là “lễ vía Quan Thánh Đế Quân”. Nghi thức hành lễ và thức cúng đơn giản. Theo thông lệ, buổi lễ bắt đầu lúc 9 giờ, mọi thức ăn, đồ cúng đã được chuẩn bị sẵn sàng trước đó.
Đúng 9 giờ, tiếng chuông chùa vang lên, báo hiệu đã đến giờ hành lễ. Tất cả mọi người (chủ yếu là những người trong Ban trị sự và những người có liên quan đến việc bảo quản Hội quán) khoảng 7- 8 người cử ra một người chủ lễ, tập trung, xếp hàng trước chánh điện. Thức cúng cũng được dọn sẵn ra trên bàn đặt trước chánh điện gồm: chính giữa là một con heo quay, thân heo được trang trí đẹp mắt, trên lưng heo có cắm một con dao, với ngụ ý là mời các vị thần dùng dao xẻ thịt ăn. Bên phải là con gà luộc, bên trái là một dĩa trái cây gồm chôm chôm, nho, chuối,... phía trước là những cốc trà cùng với hai bình trà, rượu được đặt kề bên.
Khi mọi người tề tựu xong, lại một hồi trống vang lên (người đánh trống phải là một ông cụ). Chủ lễ đọc bài văn tế thần bằng tiếng Hoa với nội dung: Hôm nay là ngày vía Quan Thánh Đế Quân, chúng tôi tổ chức buổi lễ gồm: Trà, rượu, heo, gà, bánh trái... dâng cúng thần, cầu thần ban cho phúc lành, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, làm ăn phát đạt... Đọc văn tế thần xong, mọi người xá ba xá. Xá xong, có hai người rót trà và rượu đổ một tí xuống đất cúng thần. Sau đó, khiêng bàn đựng đồ cúng quay ra hướng cổng chính để cúng Thiên Địa. Tiếp một hồi trống nữa. Bài văn tế thần được đọc lại (chỉ có việc thay tên vị thần sắp cúng mà thôi) rồi mọi người xá ba xá. Xong, châm trà rượu. Cứ thế, nghi lễ lần lượt cúng các vị thần: Thiên Hậu Thánh Mẫu, Thần Tài, Phật Bà Quan Âm, Phước Đức Chính Thần, Mã Tiền Tướng Quân. Riêng Phật Bà Quan Âm, thức cúng là đồ chay, hoặc trái cây.
Lễ cử hành xong, người vào bếp phụ nấu ăn, người dọn bàn, dọn ly để chuẩn bị đãi khách. Lúc này khách tấp nập đến cúng nhang, đèn ở Hội quán. Có người cúng tiền, số lượng ít thì để vào thùng phước thiện, nhiều thì gởi trực tiếp cho người tiếp nhận ghi tên người cúng vào sổ công đức. Có người đem nhang khoanh đến cúng (loại nhang này cọng nhỏ, uốn cong thành nhiều vòng tròn từ nhỏ đến lớn). Một cụ bà dùng cây móc để đưa cuộn nhang treo lên trần nhà. Sau đó, bà đưa một cây bằng gỗ dài trên có đặt một cây nến cho khách đốt nhang của mình. Từ trên trần, những vòng nhang từ nhỏ đến lớn buông xuống tạo thành một hình xoắn ốc, giữa vòng xoắn ốc ấy có treo lủng lẳng một miếng nhựa màu vàng, trên có ghi tên người cúng bằng chữ Hoa. Khói nhang bay phảng phất, tỏa mùi thơm tạo thành một bầu không khí trang nghiêm và huyền ảo.
Tất cả khách đến cúng đều được mời dùng bữa cơm thân mật hoặc nán lại bên bàn trà, trò chuyện dăm ba câu, bàn chuyện làm ăn, thời sự, thế thái nhân tình...
Lễ vía Quan Thánh Đế Quân là một lễ hội mang đậm tính văn hóa và nhân văn sâu sắc trong cộng đồng người Hoa ở Nam bộ đóng góp vào tạo bản sắc văn hóa Nam bộ phong phú và đa dạng.
TRẦN PHỎNG DIỀU