18/09/2013 - 22:12

Bình Thủy

Hình thành “vành đai xanh” từ “tam nông”

Quận Bình Thủy được quy hoạch là "vành đai xanh" chuyên cung cấp các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao cho thành phố. Trên cơ sở phát huy những thế mạnh hiện có, quận tập trung phát triển nông nghiệp đô thị gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 26-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là Nghị quyết 26).

"Vành đai xanh" Bình Thủy

Nông dân Hợp tác xã Rau an toàn Bình Thường A, phường Long Tuyền đậy màn phủ nông nghiệp trước khi xuống giống dưa hấu. 

Qua 5 năm triển khai Nghị quyết 26 về "tam nông", quận Bình Thủy không ngừng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với mô hình nông nghiệp đô thị. Từ năm 2008-2013, quận đã tranh thủ sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp thành phố đầu tư 500 triệu đồng giống cây ăn trái, rau màu, hoa kiểng và giống lúa nguyên chủng giúp nông dân tiếp cận giống chất lượng phục vụ sản xuất. Đồng thời, quận đã đầu tư hơn 71 tỉ đồng nâng cấp hạ tầng giao thông và hơn 3,7 tỉ đồng để hoàn thiện hệ thống thủy lợi. Bà Trần Thị Thiên Thư, Chủ tịch Hội Nông dân quận Bình Thủy, cho biết: "Hệ thống cơ sở hạ tầng, đê bao được quận đầu tư ngày càng hoàn thiện, giúp bà con nông dân giảm thiệt hại, rủi ro trong quá trình canh tác, chủ động ứng phó với những diễn biến bất lợi của thời tiết. Song song đó, Hội Nông dân các phường thường xuyên vận động nông dân chuyển từ mô hình canh tác nhỏ lẻ sang sản xuất tập thể, sản xuất nông sản theo hướng an toàn chất lượng, từng bước đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường".

Nhờ tập trung đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn, đến nay, quận Bình Thủy đã hình thành 25 hợp tác xã, 8 câu lạc bộ khuyến nông, 15 tổ hợp tác và 1 làng nghề, góp phần đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Trong đó, những hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả như Hợp tác xã Rau an toàn Bình Thường A, phường Long Tuyền, Hợp tác xã rau màu phường Long Hòa, các tổ sản xuất nấm bào ngư, nấm rơm, tổ nhân giống lúa ở phường Thới An Đông…Các mô hình sản xuất có hiệu quả như lúa, cá, rau màu, kinh tế vườn, nuôi bò sữa, nuôi thủy sản chuyên canh, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, góp phần cải thiện thu nhập cho nông dân.

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 26 về "tam nông", diện mạo của quận Bình Thủy nói chung và của 3 xã chuyển lên phường là Long Tuyền, Long Hòa và Thới An Đông nói riêng đã có những thay đổi rõ nét. Ông Nguyễn Văn Khánh, Bí thư Đảng ủy phường Long Tuyền, cho biết: "Trên địa bàn phường đã hình thành các câu lạc bộ, hợp tác xã sản xuất rau màu, hoa kiểng, cây ăn trái cung cấp cho thành phố. Ngoài ra, một số hộ dân đã liên kết với các công ty du lịch ở TP Cần Thơ phát triển mô hình du lịch sinh thái vườn, du lịch homestay gắn với tham quan vườn cây ăn trái, hợp tác xã sản xuất rau màu, làng nghề trồng hoa kiểng. Các mô hình này từng bước mở ra hướng đi mới cho các hoạt động liên kết phát triển nông nghiệp gắn với loại hình dịch vụ du lịch, phù hợp với các thế mạnh sẵn có của địa phương".

Tập trung vào chiều sâu

Việc đầu tư thực hiện "tam nông" đối với 3 phường ven mặc dù được quan tâm song chưa tương xứng với yêu cầu phát triển kinh tế của quận. Khả năng thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp để phát triển nông nghiệp còn hạn chế. Theo ông Nguyễn Trọng Tâm, Phó Bí thư Đảng ủy phường Long Hòa, mặc dù quận khuyến khích nông dân phát triển nông nghiệp đô thị, song thời gian qua giá cả không ổn định, dịch bệnh diễn biến phức tạp đã làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân. Mặt khác, do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, diện tích đất nông nghiệp dần bị thu hẹp, trên địa bàn phường Long Hòa có một số dự án quy hoạch treo khiến người dân không yên tâm sản xuất. Vì vậy, ngoài những chính sách đầu tư thỏa đáng cho nông nghiệp, thành phố và quận cần quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung và tạo mọi điều kiện để nông dân ổn định sản xuất.

Với mục tiêu tổ chức thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong giai đoạn 2014-2015 và định hướng đến năm 2020, Bình Thủy xác định sẽ huy động mọi nguồn lực để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh đầu tư về cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đáp ứng yêu cầu sản xuất và vận chuyển hàng hóa. Theo ông Nguyễn Văn Lợi, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Bình Thủy, trong tương lai, quận chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng cho 3 phường ven. Đặc biệt là tập trung vốn để đáp ứng nhu cầu mở rộng và đấu nối hạ tầng giao thông từ các khu dân cư, các khu sản xuất nông nghiệp của các phường ven vào các trục giao thông chính như quốc lộ 91B, đường Võ Văn Kiệt để đáp ứng nhu cầu lưu thông, vận chuyển hàng hóa nông sản. Để giải quyết khó khăn về vốn, trong tình hình ngân sách hạn hẹp cần huy động vốn từ nhiều nguồn, kêu gọi xã hội hóa từ các thành phần kinh tế cũng như khai thác đấu giá các quỹ đất công để tạo nguồn vốn cho ngân sách.

Ông Nguyễn Thanh Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy, cho biết: "Từ nay đến năm 2020, quận Bình Thủy xác định sẽ đưa việc thực hiện Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ngày càng đi vào chiều rộng lẫn chiều sâu. Giải pháp cụ thể là đẩy mạnh phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả gắn với hình thành các vùng sản xuất nông sản tập trung và hình thành mối liên kết với doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để ổn định đầu ra. Ngoài ra, quận sẽ tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ. Từ đó tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp an toàn và bền vững giúp Bình Thủy làm tốt vai trò là "vành đai xanh" của TP Cần Thơ.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết