03/09/2017 - 09:02

Higashi-Matsushima - Mô hình tái thiết cho các thành phố sau thiên tai 

Nhật Bản lâu nay nổi tiếng là quốc gia giàu kinh nghiệm trong việc khôi phục và xây dựng lại cơ sở hạ tầng sau thảm họa tự nhiên. Và thành phố duyên hải Higashi-Matsushima của nước này vừa được Straits Times giới thiệu như là hình mẫu về giải quyết vấn đề tái thiết và quản lý nguy cơ thiên tai cho những thành phố khác tại Đông Nam Á.

Một góc Trung tâm Cộng đồng Nobiru ở thành phố Higashi-Matsushima. Ảnh: CHARISSA YONG

Tờ báo Singapore cho biết thành phố từng nổi tiếng nhờ sở hữu nhiều vịnh và bãi biển ở tỉnh Miyagi đã bị hủy hoại chỉ trong vài phút, sau khi một cơn sóng thần to lớn ập vào vùng bờ biển phía Đông Bắc Nhật Bản hồi năm 2011. Sự kiện cũng cướp đi sinh mạng của 1.134 người dân Higashi-Matsushima (chiếm 3% tổng dân số), hủy hoại 73% nhà ở và nhấn chìm 2/3 khu vực đô thị của thành phố.

Biến rác thải thành tài nguyên

Cơn sóng thần hồi năm 2011 còn để lại đến 1 triệu tấn rác thải (chủ yếu là các mảnh gỗ nhỏ, các mảnh bêtông và các chất thải hỗn hợp không cháy) tại Higashi-Matsushima. Tuy con số này cao gấp 110 lần tổng lượng rác thải của thành phố trong một năm, song họ đã tái chế thành công đến 99,2% số lượng rác trên. Quy trình tái chế đáng kinh ngạc này bắt đầu từ việc phân loại các mảnh vụn từ những ngôi nhà đổ nát thành 14 loại, sau đó xử lý chúng ngay tại chỗ, chẳng hạn như dùng máy đập vỡ thành các mảnh nhỏ hơn. Cuối cùng, đống đổ nát được phân loại bằng tay thành 19 loại.

Ông Yagi Shigekazu - lãnh đạo cơ quan tái thiết Higashi-Matsushima - tiết lộ, nỗ lực tái chế được thúc đẩy từ quan điểm của thành phố cho rằng các đống đổ nát có thể biến thành tài nguyên nếu được phân loại, còn nếu không thì chúng chỉ là rác thải. Theo đó, sáng kiến này có thể được thực hiện ở bất cứ cộng đồng nào nếu nó được chuẩn bị trước, nhưng quan trọng là sự hợp tác giữa các hiệp hội xây dựng địa phương, giới chức và người dân.

 Thật ra, tư tưởng “đón đầu” của Higashi-Matsushima được dựa trên bằng chứng khoa học. Cụ thể là từ một dự báo của giới khoa học rằng thành phố duyên hải này có đến 90% khả năng đón một cơn địa chấn lớn ập vào bờ biển trong vòng 20 năm, sau khi nó hứng chịu đến 3 trận động đất có cường độ từ 5-6,2 độ Richter trong ngày 26-7-2003. “Higashi-Matsushima đã chuẩn bị cho thảm họa năm 2011 vì biết nó sắp đến”- ông Shigekazu nói.

Tăng cường giải pháp ứng phó 

Mặt khác, cơn sóng thần năm 2011 cũng chỉ ra những khu vực dễ bị tổn thương tại Higashi-Matsushima. Do đó để tránh lũ lụt tàn phá trong tương lai, giới chức đã đưa ra những quy định chặt chẽ hơn về việc xây dựng các tòa nhà mới trong khu vực dễ bị sóng thần ập vào. Đơn cử, nhà ở, cơ sở chăm sóc y tế và chăm sóc trẻ em không được phép xây dựng trong khu vực gần bờ biển. Ngay cả những tòa nhà nằm xa hơn trong đất liền cũng phải xây nền móng làm bằng bêtông cốt thép, còn tầng trệt phải cao hơn so với con đường liền kề ít nhất 1,5 mét. Các máy quay giám sát sóng thần từ xa cũng được lắp đặt dọc bờ biển, trong khi mỗi hộ gia đình được cấp một máy radio phòng ngừa thiên tai mới.

Ngoài ra, thành phố còn chỉ dẫn các công dân cách sơ tán đến bất cứ nơi nào có địa hình cao hơn có thể. Chính những kiến thức di tản này đã giúp nhiều người dân địa phương thoát chết trong cơn sóng thần năm 2011.

Với những thành quả tái thiết của mình, Higashi-Matsushima hy vọng những thành phố Đông Nam Á khác có thể cân nhắc áp dụng một số giải pháp sáng tạo của họ. Trên thực tế, Straits Times cho hay những bài học kinh nghiệm của thành phố Nhật đang được chuyển giao cho các quốc gia Đông Nam Á - trong đó có Indonesia và Philippines. Chẳng hạn, thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Higashi-Matsushima đã ký một bản ghi nhớ với thành phố Banda Aceh (Indonesia) để hợp tác trong việc ngăn ngừa thiên tai, tái thiết, phục hồi kinh tế và các lĩnh vực khác. Đến nay, thành phố đã đón tiếp 30 quan chức Banda Aceh, trong đó có một số tham gia chương đào tạo trong một năm.

ĐÔNG PHONG

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Higashi-Matsushima