05/05/2020 - 09:59

Hiệu quả từ tăng diện tích chuyển đổi cây trồng 

Theo số liệu thống kê từ ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ, năm 2020 diện tích lúa nông dân có nhu cầu chuyển đổi sang trồng các loại cây hằng năm (mè, bắp...) dự khiến khoảng 1.687ha. Trước tình hình nắng hạn khá gay gắt và dự báo mùa mưa năm nay đến muộn, nông dân đã tích cực chuyển đổi từ lúa sang các loại cây trồng trên cạn, nhất là trồng mè trong vụ hè thu để né hạn nên diện tích tăng mạnh...

Thu hoạch mướp hương tại một hộ dân ở xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ.

►Tăng diện tích

Đến nay, nông dân  xuống giống gieo trồng được 2.343ha mè, cao hơn 1.679ha so với cùng kỳ và vượt hơn 1.000ha so với kế hoạch, tập trung tại các quận, huyện: Thốt Nốt, Ô Môn, Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh. Ngoài các loại cây trồng ngắn ngày, dự kiến diện tích lúa có nhu cầu chuyển đổi sang cây lâu năm trong năm 2020 là 1.834ha, chủ yếu là mận, nhãn, sầu riêng, mít, thanh long và mãng cầu. Trong đó, mận là 328ha, tập trung chủ yếu tại quận Thốt Nốt; nhãn 204ha, tập trung tại Thốt Nốt, Cờ Đỏ và Thới Lai; sầu riêng 362ha, tập trung chủ yếu tại huyện Phong Điền, Cờ Đỏ và Thới Lai; mít 744ha tập trung chủ yếu tại quận Cái Răng và huyện Phong Điền; mãn cầu 149ha, tập trung chủ yếu tại huyện Cờ Đỏ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, trong những năm qua, nhất là từ năm 2015, việc sản xuất cây ăn trái được chú trọng và phát triển theo hướng xuất khẩu, trở thành loại cây chủ lực của TP Cần Thơ. Nông dân đã chuyển các diện tích đất ruộng kém hiệu quả, đất vườn tạp và vườn không chuyên canh sang chuyên canh trồng các loại cây ăn quả đặc sản, ngon: sầu riêng, xoài, nhãn, vú sữa, dâu Hạ Châu... mang lại giá trị kinh tế cao. Năm 2019 nông dân đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa với tổng diện tích hơn 2.292ha. Trong đó, diện tích chuyển đổi sang cây ăn trái là 1.274ha, tập trung nhiều tại huyện Phong Điền, huyện Cờ Đỏ, quận Thốt Nốt và Cái Răng trên các loại cây: xoài, sầu riêng, nhãn, cam, bưởi... Đến đầu năm 2020, Cần Thơ có tổng diện tích trồng cây ăn trái các loại đạt hơn 20.125ha, tăng hơn 5.380ha so với năm 2015, với sản lượng trái đạt trên 132.240 tấn/năm.

►Hiệu quả thiết thực

Sau khi thu hoạch lúa đông xuân 2019-2020, ông Lý Tuấn Kiệt ở phường Thuận An, quận Thốt Thốt không gieo sạ lúa vụ hè thu mà luân canh trồng mè trên diện tích 8 công đất. Mè đã được 60 ngày tuổi, đang phát triển khá tốt, hứa hẹn vụ mùa bội thu. Ông Kiệt cho biết: "Cây mè chịu nắng hạn rất tốt, lại ngắn ngày, trồng chỉ 75 ngày là thu hoạch. Luân canh mè giúp cải tạo đất và tiêu diệt các mầm sâu bệnh, giúp lúa vụ sau trúng mùa. Vụ hè thu năm trước tôi cũng trồng mè, năng suất đạt hơn 8 giạ/công, bán hạt mè với giá 50.000 đồng/kg, lời khoảng 6 triệu đồng/công, cao gấp 2-3 lần so với làm lúa. Tôi hy vọng mè năm nay tiếp tục trúng mùa, trúng giá". Gia đình bà Nguyễn Thị Hạnh cùng nhiều hộ dân tại ấp Đông Thắng, xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ, đã tăng thu nhập nhờ luân canh trồng màu trên nền đất ruộng, chuyển hẳn sang chuyên canh trồng cây ăn trái và trồng màu, nhất là trồng mướp hương. Bà Hạnh cho biết: "Với giá mướp hương ở mức 6.000-8.000 đồng/kg như thời gian qua và năng suất đạt bình quân quân 3-4 tấn, nông dân có thể kiếm lời từ 10-20  triệu đồng/công/vụ. Tôi có 3,5 công đất và đã chuyển 2,5 công đất lên trồng cây ăn trái gồm xoài, nhãn và dừa được 6 năm, còn lại 1 công đất tôi đang trồng mướp hương. Nhờ trồng màu và cây ăn trái, tôi có thu nhập đảm bảo hơn cho cuộc sống so với trước đây làm lúa. Bởi mỗi công đất dù làm liên tục 3 vụ lúa trong năm cũng chỉ có lời 6-7 triệu đồng trở lại".

Huyện Cờ Đỏ có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 28.000ha, trong đó có hơn 3.823ha được trồng cây ăn trái, chủ yếu là các loại xoài, mãng cầu, chuối, dừa, nhãn… Doanh thu từ vườn cây ăn trái tại huyện trong năm 2019 đạt hơn 524,83 tỉ đồng, lợi nhuận bình quân khoảng 170 triệu đồng/ha. Theo Phòng NN&PTNT huyện Cờ Đỏ,  bên cạnh phát triển các mô hình chuyên canh trồng cây ăn trái và rau màu giúp đem lại lợi nhuận cho nông dân cao gấp 2-5 lần so với trồng lúa, hiện huyện cũng tích cực khuyến cáo nông dân phát triển các mô hình sản xuất luân canh "2 lúa-1 màu", "2 lúa-1 cá" để giúp mang lại hiệu quả tốt hơn so với làm lúa 3 vụ cả về mặt kinh tế, môi trường và góp phần cải tạo đất. Bà Trần Thị Nhung Em, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cờ Đỏ, cho biết, Ban Thường vụ Huyện ủy Cờ Đỏ đã ban hành "Đề án phát triển kinh tế tập thể và kinh tế vườn huyện Cờ Đỏ giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030", kịp thời đưa ra các định hướng và giải pháp hỗ trợ đồng bộ cho người dân.

Phong Điền với hơn 7.600ha cây ăn trái các loại, trong đó, diện tích cho thu hoạch  là 6.100ha, với sản lượng trái cây đạt khoảng 90.000 tấn/năm. Nhiều diện tích trồng cây ăn trái ngon, đặc sản tại huyện: sầu riêng, vú sữa, nhãn, dâu hạ châu, mít... có thể cho thu nhập 200-700 triệu đồng/ha/năm, thậm chí cao hơn. Ngành chức năng huyện cũng đang tích cực vận động nông dân liên kết, sản xuất theo các tiêu chuẩn, chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường. Hỗ trợ nguồn cây giống chất lượng và hướng dẫn nông dân đẩy mạnh cơ giới, áp dụng đồng bộ các quy trình kỹ thuật trong chăm sóc, thu hoạch và quản lý sâu bệnh để đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm giá thành sản xuất.

Ông Phan Thanh Trung, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Phong Điền, cho biết, đang khuyến khích nông dân lắp đặt các hệ thống tưới phun tự động cho vườn cây nhằm sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm và giảm chi phí. Huyện đã có hơn 80ha cây ăn trái của 170 hộ dân được lắp đặt hệ thống tưới phun nước tự động, giúp giảm 30-40% chi phí bơm tưới nước cho vườn cây nhờ tiết kiệm nhân công, thời gian và chi phí nhiên liệu.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết