22/08/2024 - 08:03

Hiệu quả tích cực từ sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải 

TP Cần Thơ đã triển khai nhiều mô hình và hoạt động hỗ trợ nông dân sản xuất lúa gạo theo hướng chất lượng cao, phát thải thấp và đã đạt được nhiều hiệu quả tích cực. Đặc biệt, từ vụ hè thu 2024, TP Cần Thơ đã phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện thí điểm mô hình "canh tác lúa chất lượng cao và giảm phát thải" với diện tích 50ha tại huyện Vĩnh Thạnh, qua đó đã cho ra sản phẩm lúa gạo phát thải thấp đầu tiên. Đây là mô hình "điểm" làm cơ sở nhân rộng thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao).

HTX Tiến Thuận thu hoạch lúa vụ hè thu 2024 trong mô hình thí điểm.

Kết quả tích cực

Ðể có cơ sở triển khai đại trà Ðề án 1 héc-ta lúa chất lượng cao trên toàn vùng ÐBSCL, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan triển khai 5 mô hình thí điểm tại 5 địa phương trong vùng gồm TP Cần Thơ và các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Ðồng Tháp, Kiên Giang. Cần Thơ là địa phương đầu tiên triển khai thí điểm mô hình "canh tác lúa chất lượng cao và giảm phát thải" từ vụ hè thu 2024, với diện tích 50ha.

Mô hình thí điểm tại Cần Thơ được thực hiện ở Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tiến Thuận  (trước đây là HTX Thuận Tiến) ở xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh. Lúa trong mô hình đã áp dụng sản xuất theo các tiêu chí của Ðề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao. Theo ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc HTX Tiến Thuận, nhờ áp dụng đồng bộ cơ giới hóa và các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đã giúp giảm mạnh nhiều loại chi phí vật tư đầu vào. Ðặc biệt, việc gieo sạ chính xác bằng máy sạ hàng kết hợp với vùi phân bón đã giúp giảm giống hiệu quả, xuống còn ở mức 60 kg/ha và giảm nhân công lao động. Năng suất và chất lượng lúa được nâng cao. Lúa trong mô hình được sạ giống OM 5451 và đã được Công ty cổ phần Hoàng Minh Nhật bao tiêu toàn bộ và công ty cũng ký hợp đồng bao tiêu lúa liên tiếp trong các vụ thu đông 2024 và đông xuân 2024-2025.

Ông Nguyễn Văn Nhựt, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Minh Nhật, cho biết: "Dù chưa có thị trường tiêu thụ riêng cho loại gạo chất lượng cao phát thải thấp nhưng công ty vẫn mạnh dạn tham gia bao tiêu lúa cho nông dân tại mô hình thí điểm thực hiện Ðề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao với diện tích 50ha tại huyện Vĩnh Thạnh. Vụ lúa đầu tiên, công ty đã thu mua được hơn 300 tấn lúa. Tham gia mô hình là cách giúp công ty có nguồn nguyên liệu để tạo sản phẩm chất lượng tốt cả về dinh dưỡng, về an toàn thực phẩm và góp phần bảo vệ môi trường. Những năm qua, công ty đã quan tâm liên kết với nông dân tại các tỉnh vùng ÐBSCL để sản xuất lúa gạo chất lượng cao, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhằm phát triển tiêu thụ sản phẩm tại các phân khúc thị trường cấp cao".

Cùng với mô hình thí điểm tại huyện Vĩnh Thạnh, trong vụ hè thu 2024 và nhiều vụ lúa trước đó, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ cũng phối hợp với Bộ NN&PTNT cùng Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI) và các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan triển khai nhiều mô hình và hoạt động nhằm thúc đẩy sản xuất lúa gạo theo hướng chất lượng cao, giảm phát thải.

Ðiển hình như mô hình "canh tác lúa chất lượng cao và giảm phát thải" gắn với phát triển kinh tế tuần hoàn từ rơm tại HTX New Green Farm ở quận Thốt Nốt; mô hình "canh tác lúa bền vững hướng đến tương lai - Forward Farming" tại huyện Thới Lai; chương trình nghiên cứu thực nghiệm thí điểm khuyến khích kinh tế đối với nông dân thực hành sản xuất lúa theo gói canh tác "1 phải, 5 giảm" và giảm phát thải khí nhà kính tại huyện Vĩnh Thạnh...

Các mô hình và hoạt động trên đã giúp nông dân nâng cao chất lượng lúa gạo và hiệu quả sản xuất, cũng như giảm phát thải khí nhà kính, phù hợp với các mục tiêu, mong muốn mà Ðề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao đang hướng tới. Vừa qua, có 38 nông dân ở Cần Thơ đạt kết quả tốt trong canh tác giảm phát thải khí nhà kính đã được tặng thưởng tiền, với tổng số tiền 20 triệu đồng.

Ðể tiếp tục phát huy

Cần Thơ có hơn 114.250ha đất nông nghiệp, trong đó hơn 78.000ha đất canh tác lúa. Hằng năm, thành phố làm 3 vụ lúa, với tổng diện tích gieo trồng  đạt hơn 220.000ha, sản lượng từ 1,3-1,4 triệu tấn. Ngành Nông nghiệp thành phố đã và đang tiếp tục quan tâm khuyến khích, hướng dẫn nông dân chọn sản xuất các giống lúa chất lượng cao và lúa thơm, đặc sản gắn với áp dụng đồng bộ cơ giới hóa và các quy trình kỹ thuật tiên tiến để nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn cho sản phẩm và giảm phát thải khí nhà kính. Chú ý quản lý, khai thác rơm rạ và các phụ phẩm trong quá trình sản xuất lúa theo hướng kinh tế tuần hoàn để sản xuất bền vững, tạo giá trị gia tăng cao. Tham gia thực hiện Ðề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, Cần Thơ đang phấn đấu xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp đến năm 2030 tại thanh phố đạt 50.000ha.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: "Thực hiện Ðề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, từ vụ hè thu 2024, Cần Thơ phối hợp với Bộ NN&PTNT, IRRI cùng các đơn vị, doanh nghiệp triển khai mô hình thí điểm 50ha tại huyện Vĩnh Thạnh. Lúa tại mô hình đã được thu hoạch tháng 7-2024. Mô hình đã khẳng định hiệu quả, giúp mang lại nhiều kết quả tích cực, nông dân đã giảm được 50% lượng giống, giảm 30% phân bón hóa học, giảm từ 1-2 lần phun thuốc bảo vệ thực vật. Năng suất lúa cao hơn từ 7-10% so với ngoài mô hình, chất lượng lúa được nâng cao và được doanh nghiêp thu mua với giá cao hơn thị trường khoảng 300 đồng/kg, lợi nhuận của bà con cao hơn ít nhất từ 3-5 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình. Các gói kỹ thuật áp dụng trong mô hình được IRRI đánh giá giúp giảm đáng kể được lượng khí thải nhà kính".

Theo ông Nghiêm, phát huy các kết quả đã đạt được, Cần Thơ đang tiếp tục tăng cường phối hợp các bên có liên quan và tranh thủ sự hỗ trợ của Bộ NN&PTNT cùng các tổ chức quốc tế để nhân rộng, phát triển mô hình trên địa bàn thành phố. Quan tâm củng cố hệ thống tổ chức sản xuất, phát huy vai trò của các tổ chức nông dân như HTX, tổ hợp tác và tổ khuyến nông cộng đồng... Ðồng thời, tăng cường hỗ trợ kết nối giữa nông dân tại các HTX với các doanh nghiệp cung ứng các thiết bị, công nghệ, vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Sở cũng tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền và phối hợp với các địa phương trong rà soát, phát triển các cơ sở hạ tầng kỹ thuật để sản xuất lúa đạt hiệu quả tốt.

Ðể tạo thuận lợi về đầu ra cho lúa gạo phát thải thấp, hiện Cần Thơ cũng quan tâm phối hợp các các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT cùng Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam và các đơn vị có liên quan để thúc đẩy việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm và hình thành, phát triển thị trường tiêu thụ gạo phát thải thấp. 

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết