28/09/2008 - 20:30

Trung tâm Nghiên cứu và thực nghiệm đa dạng sinh học Hòa An (Hậu Giang)

Hiệu quả bước đầu mô hình sản xuất rau an toàn

Anh Nguyễn Văn Tươi ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp đang thu hoạch bí đao được trồng theo quy trình sản xuất rau an toàn.

Dự án Hỗ trợ cộng đồng CTU-MSU (liên kết giữa Trường Đại học Cần Thơ và Đại học Michigan được khởi động từ năm 2001 đã hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, cải thiện đời sống cho nhiều nông hộ sinh sống xung quanh Trung tâm Nghiên cứu và thực nghiệm đa dạng sinh học Hòa An (gọi tắt là Trung tâm Hòa An), ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Chương trình này đã giúp cho hàng trăm nông hộ biết cách trồng rau màu theo quy trình sản xuất rau an toàn.

* TÍN HIỆU BƯỚC ĐẦU

Khoảng 2 năm trước, anh Nguyễn Văn Tươi (54 tuổi) ở ấp 8, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cùng nhiều nông hộ khác ở thị trấn Kinh Cùng, xã Hòa An và xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp được Trung tâm Hòa An (thuộc Trường Đại học Cần Thơ) mời tham dự các lớp tập huấn về kỹ thuật và quy trình trồng rau an toàn, ương nuôi các loại thủy sản nước ngọt... Kết thúc khóa tập huấn, anh Tươi trồng thử nghiệm các loại rau màu trên khu đất rộng 200m2. Từ kết quả trồng thử nghiệm cùng với các kiến thức được bổ sung thêm trong các đợt tập huấn, đã giúp anh Tươi tự tin cải tạo vườn cam cho năng suất thấp để mở rộng diện tích trồng rau lên 2.000m2. Hiện nay, trên phần diện tích đất trồng rau của mình, anh Tươi sản xuất nhiều loại như: bí đao, cải thìa, khổ qua, dưa leo, mướp... Trong đó, bí đao và cải thìa đang vào đợt thu hoạch. Anh Tươi đang tính đến chuyện “xóa sổ” tiếp 1.000m2 đất trồng cam để mở rộng diện tích trồng rau màu theo quy trình sản xuất rau an toàn. Anh phấn khởi nói: “Tôi cùng một số hộ khác ở xã Hòa An đang trồng rau màu theo đơn đặt hàng của Trung tâm Hòa An. Do đó, chúng tôi phải tuân thủ nghiêm lịch xuống giống, quy trình kỹ thuật chăm sóc cũng như loại rau màu cần trồng theo yêu cầu của Trung tâm. Nhờ hợp tác với Trung tâm Hòa An thông qua các hợp đồng bao tiêu sản phẩm và hướng dẫn kỹ thuật canh tác, chúng tôi biết được giá bán các loại rau màu ngay khi mới bắt đầu gieo trồng”.

Theo những hộ đang hợp đồng trồng rau an toàn để cung cấp cho Trung tâm Hòa An, điểm khác biệt của trồng rau an toàn là không sử dụng các loại phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng nguồn nước trực tiếp từ các kênh rạch để tưới rau, mà phải sử dụng nước được lắng lọc tự nhiên trong ao mương. Anh Tươi cho biết, khi sử dụng phân urê để tưới cho rau thì trong rau có thể còn tồn dư chất độc hại. Khi sử dụng phân DAP thì rau dễ bị sâu bệnh tấn công, người trồng phải sử dụng hóa chất độc hại để tiêu diệt sâu bệnh. Còn nguồn nước lấy trực tiếp từ kinh mương có thể còn tồn dư chất độc. Những hộ trồng rau an toàn chủ yếu sử dụng phân lân để bón lót và dùng phân hữu cơ, sử dụng phân vi sinh để tưới cho rau. Anh Tươi nói: “Các loại sâu, bướm rất mê ăn cải thìa, nên tôi sử dụng màng phủ nông nghiệp và mùng lưới để trồng loại cải này. Đối với đậu đũa, bí đao, mướp, khổ qua rất dễ bị côn trùng đục trái nên tôi phải sử dụng các bẫy dẫn dụ côn trùng kết hợp thả nuôi kiến vàng để tiêu diệt các loại côn trùng gây hại”.

Hằng ngày, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Hòa An đều đến các hộ trồng và cung cấp rau màu cho trung tâm để hướng dẫn kỹ thuật, giám sát việc áp dụng quy trình trồng rau an toàn. Hằng tháng, Trung tâm Hòa An còn họp với các hộ trồng và cung cấp rau màu để thông báo kế hoạch sản xuất và giá bao tiêu các loại rau màu trong tháng tới. Anh Nguyễn Văn Tươi nói: “Gần 2 năm qua, giá bao tiêu rau màu của Trung tâm Hòa An đều cao hơn giá thị trường và liên tục tăng dần. Nhờ đó, từ 2.000m2 đất trồng rau màu đã giúp gia đình tôi có được khoảng thu nhập khá ổn định với 2,5 triệu đồng/tháng”.

Trong những ngày này, hầu hết diện tích ruộng vườn ở xã Hòa An đều ngập nước nhưng những luống rau muống trồng trong mùng lưới của anh gia đình Đạt ở ấp 8, xã Hòa An vẫn xanh tốt. Anh Đạt cho biết thêm: sản phẩm của từng nông hộ đều được Trung tâm Hòa An đánh mã số trước khi cung cấp cho thị trường. Do đó, Trung tâm sẽ dễ dàng xác định nguồn gốc rau màu không đảm bảo chất lượng. Mặt khác, những người trồng rau theo hợp đồng với Trung tâm cũng lo sợ khả năng bị hủy hợp đồng vì còn hàng trăm nông hộ khác đã được tập huấn và chuyển giao quy trình trồng rau an toàn nhưng chưa được ký hợp đồng trồng và cung cấp rau an toàn cho Trung tâm Hòa An.

* ĐẦU RA CHO RAU AN TOÀN

Điểm bán rau an toàn tại căng tin Trường Đại học Cần Thơ chỉ mới xuất hiện khoảng 5 tháng qua, nhưng đã trở thành điểm đến mua rau thường xuyên của nhiều cán bộ, công nhân viên Trường Đại học Cần Thơ. Dù giá bán rau nơi đây luôn cao hơn từ 30% đến 50% so với rau cùng loại được bán đại trà tại nhiều chợ nhưng mỗi ngày vẫn tiêu thụ được 60-70kg rau ăn lá (rau muống, cải xanh, cải ngọt, cải thìa, rau dền...); rau ăn trái như khổ qua, dưa leo, đậu đũa, bí đao, mướp và rau gia vị như rau thơm, quế, diếp cá... Điểm đặc biệt là các loại rau bán tại đây đều rất non và được đựng trong bao bì đẹp, trên bao bì đều có ghi mã số. Anh Trần Duy Phát, cán bộ phát triển nông thôn của Trung tâm Hòa An, phấn khởi nói: “Điểm bán rau tại căng tin Trường Đại học Cần Thơ có triển vọng phát triển tốt, ngoài các khách hàng là cán bộ-công nhân viên của trường thì điểm bán rau này bước đầu thu hút được một số khách hàng bên ngoài trường vào mua”. Ngoài điểm bán rau nói trên, mỗi ngày Trung tâm Hòa An còn cung cho Công ty cổ phần Thương nghiệp Tổng hợp (C.T.C) Cần Thơ 20-30kg rau an toàn để bán tại một cửa hàng trên đường Phan Đình Phùng, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Như vậy, đến thời điểm này các loại rau an toàn do Trung tâm Hòa An cung cấp mới tiêu thụ được khoảng 100kg/ngày tại TP Cần Thơ. Do đó, Trung tâm Hòa An chỉ mới ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm của 5 nông hộ trồng rau an toàn ở xã Hòa An, dù trung tâm đã huấn luyện cho gần 300 nông hộ ở thị trấn Kinh Cùng, xã Hòa An và xã Tân Bình của huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang về quy trình trồng rau an toàn. Mặc dù khả năng tiêu thụ rau an toàn còn khó khăn nhưng anh Trần Duy Phát vẫn tin rằng nhu cầu tiêu thụ rau an toàn ở TP Cần Thơ còn khá lớn. Theo anh khả năng tiêu thụ rau an toàn ở TP Cần Thơ còn ít, có thể do khâu tổ chức các điểm cung cấp rau an toàn chưa tốt. Anh Trần Duy Phát nói: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường công tác tiếp thị quảng bá các loại rau an toàn đến các trường học, bệnh viện, nhà hàng... Mặt khác, chúng tôi sẽ tổ chức huấn luyện lại cho nông dân về quy trình trồng rau an toàn để các cơ quan chức năng xét tái cấp Giấy chứng nhận sản xuất rau an toàn. Chúng tôi chuẩn bị các bước trên nhằm tăng khả năng cung cấp rau an toàn cho thị trường trong thời gian tới”.

Bài, ảnh: NHẬT CHÁNH

Chia sẻ bài viết