03/12/2014 - 20:52

Muốn có gạo giá 600 – 800 USD/tấn

Hãy đến Sóc Trăng

Trong đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đặt mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ bán được gạo trắng với giá 600 USD/tấn và gạo thơm với giá 800 USD/tấn. Nhiều ý kiến cho rằng, mục tiêu 600 USD/tấn đối với gạo trắng là khó khả thi do đây là phân khúc thị trường cạnh tranh gay gắt nhất hiện nay, nhưng còn mục tiêu 800 USD/tấn đối với gạo thơm là hoàn toàn có thể; trong đó, Sóc Trăng là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi nhất trong việc đạt mục tiêu này.

Thực tế cho thấy, từ năm 2008 - 2010, giống lúa thơm ST5 của Sóc Trăng đã được xuất khẩu với giá trị có thời điểm lên đến 730 USD/tấn và hiện nay, tuy có sụt giảm, nhưng giá trị gạo ST5 vẫn luôn ở mức từ 600 USD/tấn trở lên. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giống lúa thơm thuộc dạng bậc trung, chứ chưa phải cao cấp nhất của tỉnh khi sau đó, nhóm nghiên cứu của kỹ sư Hồ Quang Cua – nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng đã cho ra đời các giống lúa: ST đỏ, ST tím và các giống ST từ 20 – 25, có giá trị xuất khẩu từ 800 đến 1.000 USD/tấn. Trong đó, giống ST20 đang được sản xuất ngày càng phổ biến tại những vùng 2 vụ lúa, một lúa – một tôm trong tỉnh và một tỉnh ven biển khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Diện tích lúa thơm ST được phát triển theo mô hình cánh đồng mẫu ngày càng lớn. 

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Sóc Trăng, tính đến cuối năm lương thực 2014, diện tích gieo trồng lúa đặc sản toàn tỉnh lên đến con số 90.000ha; trong đó, giống lúa thơm ST chiếm 37%, các giống thơm nhẹ dòng OM chiếm 56%, còn lại là lúa Tài nguyên Thạnh Trị. Lợi nhuận tăng thêm từ việc sản xuất giống lúa thơm ST bình quân từ năm 2010 đến nay là 8 triệu đồng/ha, còn các giống thơm nhẹ chỉ tăng 3 triệu đồng/ha. Riêng vụ đông xuân 2012 – 2013, mỗi héc ta lúa thơm ST20 nông dân có mức lãi lên đến 30 triệu đồng/ha. Điểm đặc biệt là trong những thời điểm giá lúa xuống thấp nhất, thì những giống lúa thơm ST vẫn có giá cao hơn những giống lúa hạt dài thường từ 500 – 1.000 đồng/kg.

Hiện nay, thị trường tiêu thụ gạo thơm ST20 là rất lớn, kể cả nội địa lẫn xuất khẩu. Giá gạo thơm ST20 bán tại các thị trường lớn như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội… không bao giờ dưới mức 20.000 đồng/kg, thậm chí có lúc lên đến 25.000 đồng/kg, nhưng vẫn hút hàng. Ông Lâm Định Quốc – Giám đốc Công ty Lương thực Sóc Trăng, cho biết: “Thị trường gạo thơm ST20 hiện còn rất lớn, do có chất lượng thơm ngon không thua gì những loại gạo thơm của một số nước đang được bày bán tại các siêu thị. Công ty Lương thực Sóc Trăng đang tiến hành liên kết, đầu tư, bao tiêu tại cánh đồng mẫu lớn ở một số huyện, thị trong tỉnh, để chế biến xuất khẩu theo dạng gạo cao cấp”.

Không chỉ có Công ty Lương thực Sóc Trăng mà còn nhiều doanh nghiệp ngoài tỉnh cũng đến đầu tư vào cánh đồng lớn để chủ động nguồn nguyên liệu cung ứng cho các hợp đồng trong và ngoài nước. Hiện nay, các nhà khoa học Sóc Trăng đang tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị cho ra đời bộ giống lúa thơm ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tương đương giống ST20 để phục vụ cho các vùng sản xuất lúa 3 vụ trong tỉnh và khu vực ĐBSCL. Còn theo dự báo của ngành nông nghiệp tỉnh, trong vụ đông xuân 2014 – 2015, diện tích gieo trồng lúa thơm ST20 sẽ tăng cao hơn nữa, vì ngoài năng suất, chất lượng, hầu hết diện tích gieo trồng giống lúa này đều được doanh nghiệp hợp đồng đầu tư, bao tiêu với giá lúa tươi từ 6.500 đồng/kg trở lên.

Trong suốt gần 20 năm nay, đặc biệt là từ năm 2005 đến nay, Sóc Trăng vẫn kiên trì đeo đuổi mục tiêu nghiên cứu, chọn tạo những giống lúa thơm đặc sản, cao cấp, mang tính khác biệt, để nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho nông dân. Những thành tựu trong nghiên cứu, chọn tạo giống lúa thơm vừa qua đã đưa Sóc Trăng trở thành “thủ phủ” lúa thơm, thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, thu mua, chế biến xuất khẩu với mức giá từ 600 – 800 USD/tấn trở lên. Như vậy, không phải đợi đến năm 2020 như mục tiêu Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN& PTNT) đặt ra, mà ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp có thể đến Sóc Trăng để cùng hợp tác sản xuất, phát huy giá trị những giống lúa này.

Bài, ảnh: XUÂN TRƯỜNG

Chia sẻ bài viết