15/10/2022 - 10:36

Hậu ly hôn - Nỗi đau còn ở lại 

TÂM KHOA

Ly hôn do không thể dung hòa trong cuộc sống chung đã thành "chuyện thường ngày" trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, với phụ nữ, dù ly hôn chủ động hay bị động, thì vẫn cần nhiều thời gian để chữa lành vết thương lòng. Bên cạnh đó, việc phải một mình nuôi dạy con là áp lực không nhỏ…

Vợ chồng chị Thu Hằng ở Rạch Giá, Kiên Giang, ly hôn hơn 1 năm qua. Trước đây, vợ chồng chị đều là công chức, kết hôn 13 năm và có 2 con chung. Do tính chất công việc, chồng chị Hằng thường công tác xa, rồi có quan hệ ngoài luồng. Anh vay nóng bên ngoài để có tiền cung phụng người tình, dẫn đến việc nợ nần chồng chất. Sau một thời gian níu kéo, chị Hằng quyết định ly hôn vì giữa hai người không còn tiếng nói chung, không thể hàn gắn tình cảm.

Theo chị Hằng, để vun đắp hạnh phúc cho con, bố mẹ chị từng mua đất, cất nhà để gia đình nhỏ có được mái ấm. Dự định tích lũy vài năm, vợ chồng chị sẽ hoàn trả vốn để bố mẹ dưỡng già. Thế nhưng tâm nguyện chưa kịp thực hiện thì anh chị đã đường ai nấy đi. "Bố mẹ tôi đều là giáo viên đã nghỉ hưu, rất trọng sĩ diện. Sau cuộc hôn nhân đổ vỡ của tôi, bố mẹ ít đi tản bộ với hàng xóm, cũng hạn chế hội họp với các cô chú đồng hương, đồng nghiệp cũ vì sợ họ hỏi han đến cuộc sống của tôi… Tuy vậy, bố mẹ không phiền trách, trái lại luôn động viên, an ủi tôi vượt qua khó khăn. Hằng tuần, bố mẹ đều ghé nhà "viện trợ" lương thực, hoặc hôm nào tôi đi làm về trễ thì sẵn sàng trông cháu giúp. Nhìn bố mẹ mái tóc đã điểm sương mà vẫn phải bận lòng vì con cháu, tôi cảm thấy day dứt không yên” - chị Hằng trải lòng.

Chị Thanh Thảo ở Sóc Trăng và chồng đã chia tay hơn 9 tháng, nhưng chị chưa thật sự ổn định tâm lý với cuộc hôn nhân “đầy nước mắt”. Chị làm trình dược viên tại một công ty, còn chồng có chức vụ khá cao trong đơn vị. Hai người quen biết, tìm hiểu hơn 2 năm mới về chung một nhà. Thế nhưng, cuộc hôn nhân chỉ duy trì hơn 6 năm thì cả hai chia tay, vì chị Thảo không chịu nổi thói vũ phu, ghen tuông vô lối của chồng. “Mỗi khi ghen tuông, anh luôn động tay động chân, thậm chí có lần anh cầm dao rượt đuổi người mà anh cho rằng có quan hệ bất chính với tôi. Quá sợ hãi, tôi chọn giải pháp ly hôn”. 

Sóng gió chưa dừng bởi sau chia tay, ngày ngày chị Thảo phải đối mặt với những lời dị nghị "Không có lửa sao có khói?", "Phải làm sao chồng mới ghen?". Mặt khác, dù đường ai nấy đi, nhưng chồng cũ vẫn tìm cớ gặp chị và tiếp tục hành xử “côn đồ”. Rất nhiều lần khi say xỉn, anh leo rào, đập phá cửa nhà nếu chị không chịu tiếp chuyện. Không chịu nổi sự “khủng bố”, chị trình báo công an lập hồ sơ, lúc đó chồng cũ mới rút lui. Khép lại cánh cửa hôn nhân, chịu nhiều điều tiếng không tốt về mình, chị Thảo sa sút tinh thần, phải tìm đến bác sĩ tư vấn điều trị.

Ly hôn 5 năm, chị Phương Lan ở TP Hồ Chí Minh, nhận nuôi dạy cả hai con. Chị kể, anh và chị có 15 năm hạnh phúc, cùng tạo lập công ty riêng. Vì muốn giúp chồng phát triển sự nghiệp, chị xin nghỉ việc giảng dạy tiếng Anh mà mình rất yêu thích để chuyên tâm chăm lo gia đình. Và rồi, theo ngày tháng, sự hy sinh của chị trở nên vô nghĩa khi anh dần xem chị là gánh nặng của mình. Vì con, chị hết lòng nhẫn nhịn, thế nhưng vẫn không giữ được chồng, khi anh quyết dứt tình để xây dựng duyên mới.   

“Thời gian đầu ly hôn rất vất vả. Ðể có tiền lo cho hai con, ngoài dạy học, tôi còn nhận thêm nhiều công việc khác nhau. Cứ mãi lao vào chuyện cơm áo gạo tiền, tôi cũng ít có thời gian trò chuyện cùng con trẻ" - chị Lan kể. Ðến một ngày, chị thảng thốt khi nhận ra sức học của con gái nhỏ xuống dốc, ít nói, ít cười, không huyên thuyên như trước. Kiểm tra bàn học, chị phát hiện, từ lâu con gái không dùng hộp màu yêu thích, những bức tranh con vẽ chỉ hai màu đen trắng. Ðặc biệt, có một bức tranh vẽ cô bé đôi mắt to tròn nhưng không cười, đứng lẻ loi một bên nhìn các bạn và cô giáo... Nước mắt chị lặng lẽ rơi. Cũng từ giây phút ấy, chị quyết thay đổi nếp sinh hoạt gia đình, dành thời gian dạy con học, quan tâm trò chuyện để con hiểu và đồng cảm những khó khăn, vất vả mà mình đang gặp phải để mẹ con cùng vun đắp, phấn đấu. Hiện tại, cuộc sống của ba mẹ con chị Phương Lan đã ổn định. Cả hai cô con gái đều có thành tích học tập tốt, chăm ngoan, hiểu chuyện. Ðó là động lực lớn nhất để chị Phương Lan hòa nhập và tìm lại niềm vui sau biến cố.

Theo các chuyên gia tâm lý, để "đứng vững" sau ly hôn, người trong cuộc, nhất là các chị em cần có thời gian điều chỉnh, sắp xếp lại cuộc sống. Ðiều quan trọng là chị em cần giữ tinh thần lạc quan, làm điểm tựa cho con cái, đừng để những định kiến, dư luận tiêu cực chi phối, ám ảnh cuộc sống của mình.

Chia sẻ bài viết